Chờ...

Tin thế giới sáng 11/10: Rò rỉ đường ống khí đốt Phần Lan-Estonia | Mỹ bác cáo buộc của Nga về thử hạt nhân

VOH - Một số thông tin khác: WHO kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo hỗ trợ người dân tại Dải Gaza; Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026.

Đường ống khí đốt nối Phần Lan và Estonia nghi bị phá hoại

Ngày 10/10, chính phủ Phần Lan cho biết đường ống dẫn khí đốt Balticconnector dài 77 km và một tuyến cáp viễn thông nằm dưới biển Baltic, nối giữa Phần Lan và Estonia dường như đã bị hư hại, nghi do hành động phá hoại có chủ ý. Theo đó, đã xuất hiện một lỗ hổng trong đường ống làm khí gas bị rò rỉ.

"Dường như hư hại trên đường ống dẫn khí và cáp viễn thông đều do tác động từ bên ngoài. Phần Lan và Estonia đang phối hợp điều tra nguyên nhân vụ việc", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang chia sẻ thông tin về thiệt hại và sẵn sàng hỗ trợ đồng minh giải quyết các lo ngại liên quan. 

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết đường ống Balticconnector bị hư hại là vụ việc "đáng lo ngại", song khẳng định nguồn cung cấp năng lượng của Phần Lan vẫn ổn định; đồng thời những thiệt hại về đối với tuyến cáp viễn thông không ảnh hưởng đến khả năng kết nối chung của Phần Lan.

Tin thế giới sáng 11/10: Rò rỉ đường ống khí đốt Phần Lan-Estonia | Mỹ bác cáo buộc của Nga về thử hạt nhân
Vị trí đường ống dẫn khí Balticconnector - Nguồn: YLE/VNE

WHO kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo hỗ trợ người dân tại Dải Gaza

Ngày 10/10, tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tarik Jasarevic cho biết WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực và khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo để giúp người dân tại Dải Gaza tiếp cận y tế thiết yếu, trong bối cảnh xung đột đang leo thang nghiêm trọng tại khu vực này. 

Mặt khác, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, ông Volker Turk, cho rằng việc Israel bao vây Dải Gaza khiến người dân ở vùng lãnh thổ này không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế. Ông kêu gọi các bên giảm căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh theo luật nhân đạo quốc tế, các bên xung đột có nghĩa vụ phải tránh các mục tiêu dân thường.

Ông Turk nêu rõ bất kỳ hành vi nào hạn chế người đi lại và hàng hóa lưu thông  trong việc thực hiện lệnh bao vây đều phải có lý do chính đáng về quân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tập thể.

Tin thế giới sáng 11/10: Rò rỉ đường ống khí đốt Phần Lan-Estonia | Mỹ bác cáo buộc của Nga về thử hạt nhân
Cục diện chiến sự khu Bờ Tây và Dải Gaza - Nguồn: CNN/VNE

Mỹ bác cáo buộc của Nga cho rằng sắp nối lại hoạt động thử nghiệm hạt nhân

Ngày 10/10, trong bài phát biểu trước Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkovcho nói rằng có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị nối lại thử hạt nhân ở bang Nevada, và đưa ra cảnh báo phía Moscow sẽ có hành động tương tự nếu Washington "manh động".

Ông Ryabkov kêu gọi các nghị sĩ khẩn trương nghiên cứu phương án tốt nhất để hủy việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT). Ông cho rằng Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài chọn lập trường giống Washington về thử hạt nhân và Bộ Ngoại giao Nga đang soạn dự thảo để hủy hiệp ước.

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ cáo buộc trên của ông Ryabkov, gọi đây là "nỗ lực đáng lo ngại của Moscow nhằm nâng cao rủi ro hạt nhân và gia tăng căng thẳng" trong bối cảnh chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tin thế giới sáng 11/10: Rò rỉ đường ống khí đốt Phần Lan-Estonia | Mỹ bác cáo buộc của Nga về thử hạt nhân
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov - Ảnh: AFP

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026

Ngày 10/10, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã họp để bầu ra 15 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026 - gồm Indonesia, Kuwait, Trung Quốc, Nhật Bản, Cuba, Brazil, Cộng hòa Dominicana, Hà Lan, Pháp, Albania, Bulgaria, Malawi, Côte d'Ivoire, Ghana và Burundi. Những nước này dự kiến sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền mới từ ngày 1/1/2024.

Tin thế giới sáng 11/10: Rò rỉ đường ống khí đốt Phần Lan-Estonia | Mỹ bác cáo buộc của Nga về thử hạt nhân
Một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 11/9/2023 - Ảnh: Reuters

Indonesia là ứng cử viên do ASEAN giới thiệu đã đạt được số phiếu cao nhất là 186 phiếu. Cuba là quốc gia Mỹ Latin nhận số phiếu cao nhất với 146 phiếu.

Như vậy, trong năm 2024 có 2 nước ASEAN là thành viên Hội đồng Nhân quyền là Việt Nam và Indonesia.

Bình luận