Chờ...

Trung Quốc phóng hai tên lửa vào khu vực tập trận trên Biển Đông và phản ứng của Mỹ

(VOH) - Tờ South China Morning Post dẫn lời nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc tiết lộ nước này đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung ra Biển Đông vào ngày 26/8 nhằm gửi thông điệp đến Mỹ.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc máy bay do thám U-2 của Mỹ di chuyển vào vùng cấm bay mà nước này tự đặt ra trong lúc quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở vịnh Bột Hải, ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này.

Theo South China Morning Post (SCMP), một quả tên lửa đạn đạo DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc. Một quả tên lửa đạn đạo DF-21D được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông. Cả hai quả tên lửa này đều hướng vào mục tiêu là khu vực biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Các khu vực tên lửa đổ bộ nằm trong vùng cấm bay và cấm tàu bè qua lại rộng gần 49.000 kmdo Trung Quốc thiết lập nhằm phục vụ diễn tập quân sự từ ngày 24 - 29/8, được nêu trong thông báo trước đó của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Tên lửa DF-26 là một loại vũ khí nằm trong danh sách cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Mỹ và Nga ký kết vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc Trung Quốc triển khai loại vũ khí này là một trong những lý do Mỹ đưa ra cho việc rút khỏi hiệp ước nói trên.

DF-26 có tầm bắn 4,000km và có thể được sử dụng trong cuộc tấn công hạt nhân hoặc tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Trong khi đó, tên lửa DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km. Truyền thông Trung Quốc mô tả DF-21D là mẫu tên lửa tiên tiến nhất, là tên lửa đạn đạo có khả năng hủy diệt tàu sân bay đầu tiên trên thế giới.

Các nguồn tin cho biết vụ phóng tên lửa này là nhằm cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các lực lượng khác tiếp cận khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.

“Đây là phản ứng của Trung Quốc trước những rủi ro tiềm tàng do các máy bay chiến đấu và tàu quân sự Mỹ đến Biển Đông ngày càng thường xuyên. Trung Quốc không muốn các nước láng giềng hiểu nhầm mục tiêu của Bắc Kinh”, nguồn tin của SCMP cho biết.

Nhà phân tích quân sự Hong Kong - Song Zhongping,  nhận xét vụ phóng tên lửa của Trung Quốc rõ ràng là nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, gửi thông điệp cho Mỹ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì trước thông tin này.

Xe quân sự Trung Quốc mang tên lửa đạn đạo DF-26. Ảnh: BBC

Về phía Mỹ, hôm nay ngày 27/8 nước này cũng đã có những phản hồi đầu tiên xung quanh sự kiện này.

“Chúng tôi đã biết về vụ phóng tên lửa của Trung Quốc. Hải quân Mỹ hiện có 38 tàu chiến đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cả Biển Đông. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên vùng trời, vùng biển và ở bất cứ đâu mà pháp luật quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ thực hiện cam kết với các đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Scott D. Conn - Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ - cho biết.

Theo ông Scott D. Conn, việc Trung Quốc phóng tên lửa là không có gì đáng lo ngại vì lực lượng hải quân của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là rất mạnh và luôn sẵn sàng.

Trung Quốc phóng hai tên lửa vào Biển Đông để "cảnh báo" Mỹ
Mỹ cho rằng việc Trung Quốc phóng tên lửa ở Biển Đông là “không đáng lo ngại”. Ảnh: Stripes

Trong khi đó, với những diễn biến gần đây cho thấy, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tiến hành các cuộc tập trận gần như đồng thời ở 4 vùng biển.

Cụ thể, vào đầu tháng này, PLA cũng đã tổ chức các cuộc tập trận gần khu vực đảo Đài Loan "để bảo vệ chủ quyền quốc gia". Các cuộc tập trận diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm và làm việc tại Đài Loan của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar.

Trước đó vào tháng 7, PLA đã có các cuộc tập trận quân sự ở biển Hoa Đông, Biển Đông và biển Hoàng Hải khi hai tàu sân bay của Mỹ tiến hành các cuộc tập trận phòng không chiến thuật ở Biển Đông. Đây là các cuộc diễn tập mà Mỹ cho rằng “ủng hộ một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.” Bên cạnh tàu sân bay, Mỹ cũng đã cử nhiều máy bay quân sự và tàu thuyền để theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc.

Các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực bày tỏ sự bất bình.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và gây bất lợi cho các cuộc đàm phán Trung Quốc - ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Bình luận