Chờ...

UNICEF kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho hơn 9 triệu trẻ em ở Syria

(VOH) - UNICEF đưa ra tuyên bố về nhu cầu khẩn cấp một khoản viện trợ 20 triệu USD cho gần 1 triệu trẻ em ở Tây Bắc Syria.

Ngày 8/5, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo có tổng cộng 9,3 triệu trẻ em Syria cần hỗ trợ nhân đạo, một con số kỷ lục kể từ khi xung đột nổ ra ở nước này vào năm 2011. Liên Hợp Quốc cũng cho rằng các nguồn tài trợ quốc tế đang dần giảm đi khi tổ chức này chỉ nhận được "ít hơn 50% số tiền cần thiết trong năm nay".

UNICEF kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho hơn 9 triệu trẻ em ở Syria 1
Trẻ em Syria trong trại tị nạn ở Syria hồi tháng 11/2021. Ảnh: Francisco Seco/AP/SIPA

Trong một tuyên bố của mình, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF nhấn mạnh "trẻ em Syria đã phải chịu đựng quá lâu và không nên chịu đựng thêm nữa. Đây là "con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột cách đây hơn 11 năm".

Ngoài ra, ở các nước láng giềng hiện có khoảng 2,8 triệu trẻ em Syria tị nạn phụ thuộc vào khoản viện trợ này, theo phát ngôn viên của UNICEF, Juliette Touma.

"Nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong cân bằng chi tiêu. Giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm, đang tăng chóng mặt, một phần là do cuộc khủng hoảng ở Ukraine", giám đốc UNICEF khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Adele Khodr cho biết.

Trước tình trạng này, UNICEF đã đưa ra ​​tuyên bố về "nhu cầu khẩn cấp cho khoản viện trợ 20 triệu USD (gần 19 triệu euro) để thực hiện các hoạt động xuyên biên giới, phương tiện cứu sinh duy nhất cho gần một triệu trẻ em ở Tây Bắc Syria", một khu vực do phiến quân nắm giữ.

Việc viện trợ nhân đạo tới khu vực này chủ yếu đi qua biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria theo sự ủy quyền đặc biệt của Liên Hợp Quốc.

Cuối cùng, UNICEF nhấn mạnh lại "cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ còn kéo dài", đồng thời cho biết thêm 13.000 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ năm 2011, bao gồm 213 trẻ trong ba tháng đầu năm 2022.

Xung đột ở Syria xảy ra vào năm 2011 đã làm thiệt mạng khoảng nửa triệu người, từ đó dẫn đến cuộc di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Bình luận