Chờ...

Vì sao nạn phá rừng luôn ‘nóng’?

(VOH) - Qua nhiều thập kỷ, nạn phá rừng được xem là nguyên nhân hàng đầu tàn phá môi trường. Ngày nay, cái giá phải trả khi độ bao phủ rừng toàn cầu sụt giảm ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết.

Ngày nay, cái giá phải trả khi độ bao phủ rừng sụt giảm ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết khi các sự kiện thời tiết cực đoan đang liên tiếp xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, từ lũ quét lịch sử ở các nước châu Âu đến ngập lụt kinh hoàng ở Trung Quốc và mới đây là các trận bão lớn ở Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng và mất mát to lớn về người và tài sản. 

Tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt và sự suy thoái môi trường luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều thập kỷ qua, nạn phá rừng, dù là do khai thác gỗ hay cháy rừng, đều được liệt kê là những nguyên nhân chính gây ra sự mất mát tài nguyên thiên nhiên và làm hại nghiêm trọng đến môi trường.

Những năm gần đây, độ che phủ rừng sụt giảm nghiêm trọng cũng có liên quan mật thiết đến những thay đổi tiêu cực của thời tiết và khí hậu.

Nạn phá rừng: Chủ đề luôn nóng

Hệ thực vật và cây cối có khả năng hấp thụ đến 1/3 lượng khí thải cacbon oxit (CO2) mỗi năm. Mặc dù vậy, chính chúng ta hiện đang trực tiếp làm giảm khả năng tự nhiên tuyệt vời này của thiên nhiên trước các ảnh hưởng nguy hại ngày càng tăng của các loại khí đốt, và nền công nghiệp dựa chủ yếu vào việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, khoảng 420 triệu hecta rừng tự nhiên trên khắp thế giới đã chặt phá và đất rừng bị sử dụng vào các mục đích khác nhau từ năm 1990 đến nay. Con số này bằng diện tích của đất nước Libya ở Bắc Phi - quốc gia lớn thứ 4 ở châu Phi, đứng thứ 17 thế giới về diện tích và gấp 5 lần diện tích toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, các tác hại nghiêm trọng của nạn phá rừng đã được nhận ra, và các nỗ lực bảo vệ rừng cũng đã được thực hiện trong suốt 3 thập kỷ qua. Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy, tỷ lệ phá rừng trong các năm từ 2015 đến 2020 xấp xỉ 10 triệu hecta/năm, thấp hơn con số thống kê được trong thập niên 1990 là 16 triệu hecta.

Vì sao nạn phá rừng luôn ‘nóng’?
Chặt phá rừng dù với bất kỳ lý do gì cũng là tổn thất cực kỳ to lớn với môi trường. Ảnh: Shutterstock

Nỗ lực toàn cầu

Ngày nay, khi nạn chặt phá rừng không còn là vấn đề của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào mà đã là vấn đề chung toàn cầu, chính phủ nhiều nước cũng đã thực thi nhiều chiến lược, chính sách nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của vấn nạn này và đã có những thành quả bước đầu. Chẳng hạn tại Brazil - quốc gia Nam Mỹ với hệ sinh thái rừng Amazon lớn nhất và quan trọng bậc nhất thế giới dường như cũng đã hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc kéo giảm tỷ lệ phá rừng từ năm 2004 đến nay.

Mặc dù vậy, theo các nhà khoa học của tạp chí Nature - tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới, tỷ lệ phá rừng Amazon ở Brazil vào năm ngoái lại đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ chặt phá rừng gia tăng kể từ khi ông Jair Bolsonaro trở thành Tổng thống Brazil vào năm 2019. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách ủng hộ phát triển nông nghiệp và khai thác rừng Amazon của ông Bolsonaro.

Điều này cho thấy rằng, các nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ những hệ sinh thái tự nhiên quý giá này sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có sự hỗ trợ từ bản thân chính phủ các nước sở tại.

Vì sao nạn phá rừng luôn ‘nóng’?
Hình ảnh rừng mưa Amazon (trên cùng) và khu vực lân cận cũng từng là rừng nhưng bị tàn phá để trồng đậu nành ở bang Mato Grosso, miền tây Brazil. Ảnh: Reuters

Chúng ta hẳn vẫn chưa quên sự kiện cháy rừng Amazon kinh hoàng kéo dài những năm gần đây, lên đỉnh điểm vào năm 2019 gây chấn động toàn thế giới với những thiệt hại vô cùng nặng nề. “Lá phổi xanh” Amazon trải dài từ lãnh thổ Brazil với hơn 60% tổng diện tích sang các nước Nam Mỹ đang cung cấp 20% khí oxy cho toàn bộ sinh vật sống trên Trái đất và là ngôi nhà của 10% đa dạng sinh học toàn địa cầu.

Điều đáng lo ngại hơn cả là, việc rừng liên tục mất cũng gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu, nhất là lượng mưa tại khu vực. Diện tích Amazon ngày càng bị thu hẹp bao nhiêu thì hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này càng gần ngưỡng “cái chết không thể đảo ngược” bấy nhiêu. 

Tờ Economist nhận định, nếu tình hình không sớm được khắc phục, hệ sinh thái Amazon sẽ bị xáo trộn đến mức không còn phù hợp để sinh sống, cây rừng chết khô dần từng mảng. Cái kết cuối cùng là toàn bộ rừng rậm Amazon sẽ chết mòn mà không sự can thiệp nào của con người có thể cứu vãn, xóa sổ sự sống của hàng triệu loài động - thực vật.

Vì sao nạn phá rừng luôn ‘nóng’?
Đám cháy lớn kinh hoàng ở rừng Amazon, Brazil năm 2019. Ảnh: Reuters

Trồng thêm cây, được không?

Trong những năm gần đây, trồng thêm nhiều cây xanh đã trở thành giải pháp hiệu quả cho các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Khả năng xử lý khí carbon tuyệt vời của cây xanh là chủ đề vô cùng phổ biến trong các cuộc hội đàm hay hội nghị chính trị. Đây cũng là một khía cạnh nổi tiếng của chu trình carbon toàn cầu với mục đích loại bỏ hàng triệu tấn khí CO2 trong không khí mỗi năm.

Vì vậy, các chính sách nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc trồng thêm hàng trăm ngàn cây xanh được xem là một phần quan trọng trong một kế hoạch lớn hơn nhằm tiến đến mội môi trường bền vững, và là mắt xích cốt lõi để giải quyết các khủng hoảng khí hậu mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt.

Mặc dù vậy, những giải pháp trên trong tình hình hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế và rào cản nhất định. 

Đầu tiên, làm sao chúng ta chắc chắn rằng chúng ta đang trồng nhiều hơn số cây xanh đã mất?

Những cây con có được bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng và chăm sóc để trở thành những cây lớn trưởng thành khỏe mạnh không? Chỉ khi cây đạt đến độ trưởng thành nhất định thì mới có đủ khả năng hấp thụ hoàn toàn khí CO2

với lượng trung bình 21 kg/cây/năm.

Những loài cây nào sẽ được trồng để đạt chất lượng cao nhất trong việc loại bỏ CO2? Đó là loại cây có thời gian sinh trưởng nhanh hay chậm? Vòng đời của cây kéo dài bao lâu? Khi cây chết đi điều gì sẽ xảy ra? Cây sau khi chết đi sẽ được xử lý thế nào và vô vàn câu hỏi khác cần được nghiên cứu kỹ càng.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy việc trồng lứa cây xanh mới đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp với số cây bị đốn hạ hay chết đi trong xu hướng phát triển chung, nhất là tại các khu vực đô thị lớn trên thế giới.

Vì sao nạn phá rừng luôn ‘nóng’?
Trồng cây gây rừng là giải pháp tốn rất nhiều thời gian, tuy nhiên, thà muộn còn hơn không.

Điều thứ hai, chỉ những cây xanh trưởng thành mới có đầy đủ khả năng hỗ trợ loại bỏ carbon, mà thông thường, để một cây con trưởng thành cần phải mất đến vài chục năm. Do đó, những cây xanh mà chúng ta đang trồng hôm nay sẽ chỉ có ý nghĩa đem tới sự khác biệt trong vấn đề giải quyết khí CO2 trong vòng 50 năm tới - một thời gian quá dài và không ai biết chắc được từ đây đến khoảng thời gian đó các vấn đề xung quanh biến đổi khí hậu sẽ còn nghiêm trọng đến mức nào.

Một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc nói rằng: “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước. Thời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay”. Vì vậy, chúng ta vẫn còn hy vọng. Hay như một thành ngữ phổ biến khác mà ta thường gặp: “Thà muộn còn hơn không”.

Bình luận