Chờ...

Vụ máy bay Pakistan rơi khiến 97 người thiệt mạng: Lỗi do con người

(VOH) - Theo báo cáo điều tra sơ bộ, vụ máy bay Pakistan rơi vào tháng trước là do lỗi ở con người. Cả phi công và bộ phận kiểm soát không lưu đều không tuân thủ các quy tắc an toàn bay.

Bộ trưởng Hàng không Ghulam Sarwa ngày 24/6 đã công bố kết quả điều tra ban đầu về tai nạn của chuyến bay mang số hiệu PK 8303 của Hãng Hàng không quốc tế Pakistan (PIA) vào ngày 22/5 khiến 97 trong tổng số 99 người trên máy bay thiệt mạng. Theo đó, ông cho biết nguyên nhân xảy ra thảm kịch là do lỗi của con người, cụ thể là phi công trên chuyến bay và các nhân viên thuộc bộ phận kiểm soát không lưu đã không tuân thủ các quy tắc an toàn bay.

Theo ông Sarwa, các phi công đã mất tập trung khi liên tục nói chuyện về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, dẫn đến lơ là khi đến giai đoạn máy bay hạ cánh xuống sân bay Karachi. Khi hạ cánh, chiếc máy bay vẫn ở độ cao gấp đôi so với tiêu chuẩn.

Hiện trường vụ rơi máy bay chở khách ở Pakistan ngày 22/5/2020. Ảnh: BBC, AFP

Trong báo cáo có nêu, trong lần hạ cánh thứ nhất, phi công đã giảm độ cao quá nhanh và duy trì vận tốc lớn, trong khi càng đáp không được thả ra, khiến máy bay quệt động cơ xuống đường băng. Kiểm soát viên không lưu cũng mắc lỗi khi cho phép phi cơ hạ cánh dù phát hiện vận tốc của nó cao hơn mức cho phép.

Sau lần hạ cánh bất thành thứ nhất, máy bay tiếp tục vọt lên và bay trên không trung để tìm cách hạ cánh lần hai. Trong thời gian này, cả hai động cơ của máy bay bị hỏng và ngừng hoạt động. Phi công cũng đã không thông báo cho tháp kiểm soát không lưu về việc càng đáp bị kẹt trước khi tìm cách hạ cánh lần hai.

Bộ trưởng Sarwa khẳng định máy bay trong vụ việc Airbus A320 hoàn toàn đủ điều kiện cất cánh và "không có lỗi kỹ thuật" nào được ghi nhận. 

Đối với một chuyến bay thông thường, hai thời điểm cất cánh và hạ cánh được xem là hai giai đoạn nguy hiểm nhất. Trong đó, giai đoạn hạ cánh lại nguy hiểm hơn giai đoạn cất cánh.

Tỷ lệ tai nạn của giai đoạn cất cánh và hạ cánh ở mức cao là do ở khoảng thời gian đó, máy bay sẽ ở độ cao thấp và có tốc độ chậm nên khi xảy ra vấn đề phi công sẽ không có đủ thời gian để phản ứng. Đối với hạ cánh, khi một chiếc máy bay di chuyển chậm lại và đang trong quá trình đáp xuống đường băng, nó dễ bị tác động hơn là quá trình cất cánh. Một cơn gió hay một thứ gì tương tự cũng có thể tác động mạnh đến máy bay khi đang hạ cánh, một tình huống không may mắn xảy ra cũng sẽ dẫn đến tai nạn.

Vụ rơi máy bay nói trên là tai nạn hàng không tồi tệ nhất ở Pakistan kể từ năm 2012, khi máy bay Boeing 737 của Bhoja Air rơi ở Islamabad, khiến 127 người thiệt mạng. 

Bình luận