Chờ...

WHO cấp phép vắc xin Covid-19 Ấn Độ: Covaxin

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Covaxin - vắc xin ngừa Covid-19 do công ty Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất.

 Theo trang thống kê worldometers.info, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 425.902 và 6.899 ca tử vong mới.

Tính đến 6h ngày 4/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 248.703.290 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.035.578 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 225.351.334 người, 18.319.920 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 73.947 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 58.430 ca; tiếp theo là Anh (41.299) và Nga (40.443 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.189 người chết trong ngày, cũng là con số ca tử vong mới cao kỷ lục của nước này từ đầu dịch; tiếp theo là Mỹ (1.142 ca) và Ukraine (720 ca tử vong).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.076.575 người, trong đó có 770.441 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.319.152 ca nhiễm, bao gồm 459.658 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.835.785 ca bệnh và 608.235 ca tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 79,66 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 65,16 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 56,52 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,46 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,58 triệu ca và châu Đại Dương trên 315.000 ca nhiễm.

Anh: Số ca nhiễm, tử vong đang tăng

Anh đang là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 9,1 triệu ca nhiễm và hơn 140.000 ca tử vong do Covid-19. Ngày 3/11, nước này ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm và 217 ca tử vong mới do Covid-19. Nước này ghi nhận số người chết hàng ngày vì Covid-19 cao nhất hồi tháng 2 với 293 ca.

Dù các ca nhiễm mới hàng ngày ở Anh đang giảm so với mức trung bình khoảng 46.000 ca một ngày hồi tháng 10, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở nước này vẫn cao hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu.

covid-19
Nhiều người dân ở nước Anh cho rằng Covid-19 đã qua

Phó giám đốc Y tế Anh Jonathan Van-Tam cảnh báo quá nhiều người ở nước này cho rằng Covid-19 đã qua, trong khi số ca nhiễm, tử vong đang tăng.

"Đây có thể là khoảng lặng trước cơn bão, là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy mọi thứ bắt đầu ổn định ở mức cao. Nhưng nỗi lo của tôi là số người chết đang tăng và điều đó cho thấy virus bắt đầu xâm nhập vào những nhóm lớn tuổi hơn", ông Van-Tam cảnh báo thêm.

Anh đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho hơn 73% dân số, trong đó hơn 67% tiêm đủ liều. Nước này cũng đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho hàng triệu người, gồm tất cả người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn thận trọng trong tiêm chủng cho trẻ em, chỉ bắt đầu cho phép tiêm vắc xin với trẻ 12-15 tuổi khỏe mạnh từ hồi tháng 9.

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã dỡ gần như mọi biện pháp hạn chế chống dịch hồi tháng 7, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang và giãn cách. Các câu lạc bộ đêm và nhiều tụ điểm đông người ở Anh cũng được phép mở cửa hoàn toàn.

Trung Quốc ghi nhận đợt dịch lan rộng nhất sau Vũ Hán

Trung Quốc hôm 3/11 ghi nhận thêm 93 ca, mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ ngày 9/8. Trong đó, Bắc Kinh báo cáo 9 ca nhiễm mới, mức tăng lớn nhất trong một ngày ở thủ đô năm nay. Dịch ở Bắc Kinh chủ yếu lây lan trong các gia đình và nhóm tụ tập để chơi cờ, đánh bài.

Ca nhiễm hàng ngày ở Trung Quốc kể từ cuối tháng 10 không đáng kể so với nhiều quốc gia, nhưng chiến lược "Không Covid-19" đồng nghĩa các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan bằng mọi giá.

Cụm dịch mới bùng phát ở Trung Quốc từ ngày 17/10, khi một cặp vợ chồng ở Thượng Hải cho kết quả xét nghiệm dương tính trong chuyến du lịch ở miền bắc nước này. Trung Quốc đã ghi nhận 631 ca nhiễm ở 19 tỉnh liên quan đến đợt bùng phát.

Đợt bùng phát hiện nay được cho là lan rộng nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán cuối năm 2019, khi Covid-19 lây lan ở toàn bộ tỉnh thành. Trong đợt bùng phát ở Nam Kinh hồi cuối tháng 7, Trung Quốc ghi nhận khoảng 1.300 ca ở 18 tỉnh.

Trung Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 97.423 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong. Tính đến 2/11, nước này đang điều trị cho 1.000 người mắc Covid-19, gồm 37 ca nghiêm trọng.

WHO cấp phép vắc xin Covid-19 Ấn Độ

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Covaxin - vắc xin ngừa Covid-19 do công ty Bharat Biotech của Ấn Độ sản xuất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Covaxin có hiệu quả 78% sau bốn tuần tiêm đủ hai mũi và "cực kỳ phù hợp với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do yêu cầu bảo quản dễ dàng".

Covaxin là vắc xin Covid-19 đầu tiên phát triển và sản xuất hoàn toàn ở Ấn Độ được WHO chấp thuận. Đây là vắc xin Covid-19 thứ tám trong danh sách cấp phép của WHO, sau vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac.

Covaxin sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống để tăng cường phản ứng miễn dịch. Vắc xin có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, thay vì dưới 0 độ C như các loại vắc xin mRNA của Pfizer và Moderna, khiến bảo quản và phân phối dễ dàng hơn, đặc biệt ở nước nghèo.

Tính đến nay, hơn 10 quốc gia đã công nhận vắc xin hai liều của Ấn Độ, trong đó có Hy Lạp, Iran, Mexico, Australia. Ấn Độ cũng đã xuất khẩu Covaxin cho một số nước như Iran, Myanmar và Zimbabwe.

Nghiên cứu mới: Covid-19 khiến nhân loại mất ít nhất 28 triệu năm tuổi thọ

Nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết, 28 triệu năm tuổi thọ của con người bị mất vì Covid-19, thêm rằng con số thực tế có thể cao hơn.

Nghiên cứu do Đại học Oxford dẫn đầu được thực hiện ở 37 quốc gia, vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình và cao, trong đó so sánh tuổi thọ của người dân vào năm 2020 với tuổi thọ dự kiến dựa trên xu hướng của giai đoạn 2005-2019, nhằm tìm hiểu tác động của Covid-19.

Trong giai đoạn 2005-2019, tuổi thọ trung bình ở đàn ông và phụ nữ đều tăng ở tất cả 37 địa điểm được nghiên cứu. Tuy nhiên, con số này đã giảm trong năm 2020, trừ đảo Đài Loan và New Zealand, hai nơi có tuổi thọ tăng, cùng những nơi không ghi nhận thay đổi như Iceland, Hàn Quốc, Đan Mạch và Na Uy.

Tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại, 222 triệu năm tuổi thọ đã mất vào năm 2020, cao hơn 28,1 triệu so với dự kiến.

Tuổi thọ giảm nhiều nhất ở Nga, với 2,33 năm ở nam giới và 2,14 năm ở nữ giới, tiếp đến là Mỹ với lần lượt 2,27 năm và 1,61 năm, Bulgaria với 1,96 năm và 1,37 năm. Tuổi thọ ở Anh và xứ Wales giảm 1,2 năm ở đàn ông và 0,8 năm ở phụ nữ, trong khi Scotland là 1,24 năm ở nam và 0,54 ở nữ.

Số năm tuổi thọ bị mất tính trên mỗi 100.000 người dân của Nga là 7.020 năm ở nam và 4.760 năm ở nữ, Bulgaria lần lượt là 7.260 và 3.730, Lithuania 5.430 năm và 2.640. Anh và xứ Wales bị mất 2.140 năm ở nam và 1.210 năm ở nữ, trong khi con số này của Scotland là 2.540 và 925.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng con số thực sự có thể còn cao hơn, vì nghiên cứu của họ không bao gồm hầu hết quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh do thiếu dữ liệu. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y khoa BMJ.

Bình luận