Header-01
Đăng nhập

Ban tổ chức Olympic Rio 2016 đau đầu vì nạn hàng giả

(VOH) – Tại một đất nước mà hàng giả phổ biến như… trái cây nhiệt đới, các nhà tổ chức Olympic Rio (Brazil) đang đau đầu chiến đấu với nạn hàng lậu, hàng giả.

img thumbXem toàn màn hình

Một người bán hàng rong bán trái phép đồ lưu niệm có biểu tượng Olympic dọc theo bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro, Brazil (Ảnh: Reuters)

Trước vấn nạn hàng giả mang biểu tượng 5 vòng tròn Olympic hay linh vật của thế vận hội, cảnh sát Brazil vừa tổ chức một cuộc truy quét lớn đối với những mặt hàng được cho là bất hợp pháp này.

"Đây là cơ hội. Mọi người muốn tận dụng lợi thế của một sự kiện lớn, cho dù đó là bất hợp pháp hay không " - Valeria Aragão, một thanh tra cảnh sát phụ trách nhóm chống hàng giả gồm 20 thành viên cho biết.

Cảnh sát trong những tuần gần đây đã tiến hành các cuộc truy quét trên toàn thành phố, tịch thu tất cả hàng hóa có biểu tượng Olympic, theo thanh tra Valeria.

Tuần qua, đội chống hàng giả đã đột kích các quầy lưu niệm tại các khu phố nổi tiếng bên bờ biển Copacabana, Ipanema và thu giữ hơn 2.300 mặt hàng, từ bút, móc khóa đến khăn tắm biển…

Cảnh sát thậm chí còn thu giữ được những bánh cần sa ép và các gói cocaine được trang trí bằng các vòng tròn Olympic.

Một đạo luật được thông qua vào tháng 5/2016, bổ sung luật bản quyền hiện tại, trong đó bảo vệ cả ngôn ngữ bao gồm các từ "Rio 2016," "Olympic Games", "Rio Olympic" và "bất kỳ chữ viết tắt hoặc thay đổi khác"… để cấm các nhà sản xuất bất hợp pháp.

Trong một chiếc lều trắng khổng lồ trên bãi biển Copacabana (Megastore), ban tổ chức thiết lập để bán hàng hóa chính thức của Thế vận hội với giá không hề rẻ, bao gồm những bộ bikini Olympic (85 đô la), bản sao bằng kim loại nhỏ của ngọn đuốc chính thức (170 đô la), một chai rượu vang đỏ với logo buồm Olympic (40 đô la)…

Các nhà tài trợ và các đối tác địa phương (bao gồm ty đa quốc gia lớn như Coca-Cola, Tập đoàn McDonald và Banco Bradesco SA, một ngân hàng lớn của Brazil…) là những đơn vị được cấp phép sản xuất và bán khoảng 5.000 nữ trang, quần áo và đồ lưu niệm tại Rio năm 2016.

Kết hợp doanh thu từ các nguồn, Ban tổ chức Rio 2016 trông đợi thu về gần 1 tỷ đô la.

Nhưng tại Brazil - nơi thị trường chợ đen khá phổ biến thì theo ước tính, doanh số của hàng bất hợp pháp, hàng giả mỗi năm thu hơn 30 tỷ đô la.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức Olympic phải vật lộn với vấn đề hàng giả. Các quan chức Trung Quốc, nơi có nhiều nhà sản xuất bất hợp pháp cũng từng phải đấu tranh chống hàng giả trước Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh.

Bình luận