Chờ...

Chạy nước rút cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

(VOH) - Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2014, cũng là thời điểm hoàn thành tiến trình cổ phẩn hóa nhiều doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu thuộc UBND TP. Chính vì vậy đây được coi là thời điểm chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Ban đổi mới Doanh nghiệp TPHCM, có 17 Tổng công ty, công ty mẹ và con đã ký cam kết hoàn thành cổ phần hóa. Riêng năm 2014, có 12/15 doanh nghiệp hoàn tất cổ phần hóa; 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty địa ốc xin lùi thời hạn cổ phần hóa đến năm 2015 do còn vướng nhiều dự án nhà đất chưa giải quyết kịp.

Theo Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, trong số 56 công ty con đã cổ phần hóa thì 13 công ty có tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trên 50% hoạt động kém hiệu quả từ 2 đến 3 lần so với công ty có tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ dưới 50%. Chính vì vậy, doanh nghiệp này và một công ty thành viên đã đề nghị được cổ phần hóa sớm hơn thời hạn với tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ là dưới 50% nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Sản xuất xe buýt hiệu Samco tại Nhà máy ô tô Củ Chi. Ảnh: Cao Thăng/SGGP

Còn tại Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO), công tác chuẩn bị cổ phần hóa đang được khẩn trương thực hiện. Lãnh đạo SAMCO cũng cho biết, đề án tái cơ cấu được phê duyệt vào cuối năm 2013, thời gian hoàn thành năm 2015 là khá gấp rút. Để thực hiện đúng tiến độ đề ra, Tổng công ty đã và đang có những bước cần thiết để có thể tiến hành cổ phần hóa. Ông Phạm Quốc Tài, Phó tổng giám đốc SAMCO cho biết thêm: "Chúng tôi đã ban hành kế hoạch 224 xác định rõ mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và lộ trình tái cơ cấu công ty trong năm 2015. Công ty cũng đã trình kế hoạch tiến độ cổ phần hóa công ty mẹ và 3 công ty con là Công ty xe khách Sài Gòn, dự kiến cổ phần hóa năm 2015, Công ty Bến Xe Miền Đông, Công ty Cảng Bến Nghé, dự kiến cổ phần hóa sau năm 2015".

Vì thời gian gấp rút lãnh đạo đơn vị này cho rằng, thành phố cần ban hành chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành cơ khí chế tạo nói chung và cơ khí ô tô nói riêng để tiếp thu công nghệ tiên tiến nhằm đổi mới công nghệ sản xuất ô tô trong nước. Mặc dù vậy, hiện Tổng công ty đang tập trung đầu tư ngành nghề kinh doanh chính theo kế hoạch đầu tư năm 2014 đã được phê duyệt, kiên quyết không đầu tư ngoài ngành.

Theo kế hoạch, SAMCO sẽ tiến hành thoái vốn tại 11 doanh nghiệp thành viên, trong đó 7 doanh nghiệp được thực hiện năm 2014 và 4 doanh nghiệp thực hiện vào năm 2015. Để tái cơ cấu vốn đầu tư, SAMCO sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đã được phê duyệt như: đầu tư phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu sạch, nâng cao năng lực sản xuất xe buýt lên 5.000 xe/năm cũng như mở rộng sản xuất các loại xe có trọng tải lớn, xe chuyên dụng đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn cũng đang khẩn trương hoàn tất cổ phần hóa theo đúng kế hoạch. Hiện công ty đang xử lý thủ tục số dự án do công ty làm chủ đầu tư chưa thể quyết toán do vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã có thông tri phê duyệt quyết toán nhưng chưa thu hồi hết công nợ. Ngoài ra, thủ tục giao tài sản để tiến hành cổ phần hóa cũng gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm này một số khu đất, trong đó có mặt bằng trụ sở công ty tại số 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10 đang thực hiện các bước đề bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố. "Đến nay, chúng tôi đã thực hiện xong một số bước như: hồ sơ pháp lý thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ pháp lý về tài sản công ty, hồ sơ công nợ, hồ sơ tài sản công trình và tài sản các quỹ phúc lợi…, đồng thời, công ty đã thực hiện xong chi phí dự toán cổ phần hóa theo đúng thông tư 196", bà Trần Thị Bích Thu, kiểm soát viên Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn cho biết.  

Tương tự Công ty Dịch vụ Xuất khẩu Lao động và Chuyên gia (SULECO) cũng đang xử lý xác định giá trị doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Đại diện SULECO cho biết sẽ bàn giao danh sách lao động, tài sản, tài liệu cho Hội đồng quản trị công ty cổ phần vào trước tháng 2/2015, tức là chuyển toàn bộ 100% vốn nhà nước về làm doanh nghiệp thành viên của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC).

Theo Nghị định 189 của Chính phủ từ lúc xác định giá trị doanh nghiệp đến khi bán cổ phần lần đầu thì không quá 18 tháng (Giá trị thực tế của doanh nghiệp được xác định tại thời điểm 30/6/2014 gần 277 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp gần 92 tỷ đồng). Như vậy, cuối năm 2014 thì SULECO phải hoàn tất việc cổ phần hóa, nhưng sau khi rà soát lại thì số nợ phải trả của công ty còn tồn đọng hơn 103 tỷ đồng. Đây là vấn đề còn “lấn cấn” hiện nay chưa giải quyết vì theo quy định không thể chuyển nợ phải trả về công ty mẹ, mà chỉ có chuyển nợ phải thu, khó đòi hoặc tài sản sản ứ đọng không cần dùng, chờ thanh lý. Đó là vấn đề khó để công ty hoàn tất việc cổ phần hóa trong năm 2014.

Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây về đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, trong đó có việc giải quyết số nợ đọng 103 tỷ đồng của SULECO, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đồng ý với kiến nghị của doanh nghiệp là chuyển giao số tiền 103 tỷ đồng và toàn bộ hồ sơ của hơn 5.000 lao động xuất khẩu sang cho công ty mẹ là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) quản lý. Điều này, đồng nghĩa với việc công ty sẽ toàn quyền thanh lý hợp đồng với các lao động xuất khẩu theo luật định. Về quan điểm của công ty tiếp nhận SULECO, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM cho hay: "Quan điểm của chủ sở hữu 103 tỷ đồng mà HFIC phải tiếp nhận thì, HFIC xem như chỉ giữ hộ bởi vì đây là trách nhiệm pháp lý đối với người đóng góp nguồn nợ, còn xử lý kỹ thuật SULECO với tư cách là một doanh nghiệp kế thừa 100% vốn nhà nước nhưng được điều hành bởi hội đồng quản trị cổ đông phải có trách nhiệm xử lý đối với các hợp đồng cũ. Sau khi xác định SULECO còn nợ ai, thì chuyển hồ sơ qua, HFIC hỗ trợ SULECO quyết toán đến khi hết nợ".

Như vậy, SULECO đã được giải tỏa vướng mắc về số nợ đọng 103 tỷ đồng và hoàn tất cổ phần hóa chuyển giao về cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM trước năm 2015 như kế hoạch.

Để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đúng kế hoạch, lãnh đạo UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ngành liên quan đến công tác cổ phần hóa cần làm lại quy trình nhằm rút ngắn thời gian cổ phần hóa, giảm bớt thời gian công sức cho doanh nghiệp và đảm bảo tiến độ theo chủ trương của Chính phủ. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải chú trọng đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cho xã hội, cho người lao động.

Bình luận