Chờ...

Chợ truyền thống ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19

(VOH) - Hiện nay nhiều chợ truyền thống hoạt động cầm chừng, chợ tự phát thì ngưng hoàn toàn.

Khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngưng hoạt động, hàng hóa dồn về hai chợ đầu mối Thủ Đức và Bình Điền. Tiểu thương tập trung lấy hàng ở đây làm tăng nỗi lo dịch Covid-19 ở hai chợ đầu mối còn lại này.

Chợ truyền thống ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 1
Chợ Nguyễn Văn Trỗi vắng lạnh trong trưa ngày 30/6.

Kinh doanh trong nỗi lo Covid-19

Ghi nhận của VOH, sáng nay 30/6, trước chợ nông sản Thủ Đức, các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ tập trung đông trước cổng chính, chờ vào bên trong chợ lấy hàng. Xe tải chở hàng hóa ra vào liên tục. Lực lượng bảo vệ của chợ phối hợp với công an địa phương xuất hiện giữ trật tự khu vực này rất sớm.

Giao thông khu vực trước chợ phức tạp khi có quá nhiều xe máy dừng đậu không trật tự. Phía bên cổng phụ, nhiều tiểu thương đứng tràn ra đường, trên tay cầm các bịch rau, củ quả rao bán, người đi đường thấy tiện tấp vào mua hàng.

Anh Tú - tiểu thương đậu xe máy trước chợ nông sản Thủ Đức chờ lấy 70 kg sầu riêng đem về bán ở khu vực Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) cho biết: “Ngày nào tôi cũng lên đây lấy hàng nhưng mấy hôm nay phải chờ ở ngoài, đợi mối đem hàng ra giao vì quy định có giấy của chủ vựa đưa cho thì mới vô được”.

Ông Nguyễn Nhu - Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết, 0h ngày 28/6 chợ Hóc Môn đóng cửa tạm 1 tuần thì chợ nông sản Thủ Đức nhận tăng thêm 250 tấn rau củ quả trong ngày đầu tiên. Đến tối 29/6, lượng rau của quả về chợ tăng lên 400 tấn, tỷ lệ tăng 21%.

“Thông thường, chúng tôi bán tới 7h sáng thì nay tăng thêm 2 tiếng (9h chợ nghỉ) để hàng hóa được tiêu thụ hết”, ông Nhu chia sẻ.

Chợ truyền thống ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 2
Cảnh sáng nay 30/6, trước chợ nông sản Thủ Đức.

Theo một số tiểu thương, các loại rau củ để lâu có giá tăng cao hơn so với ngày thường. “Một kg bầu tăng lên 3.000-4.000 đồng, 1 kg bí đỏ lấy mối ở chợ giá 17.000 đồng/kg giờ đem về bán cũng chỉ tới 25.000 đồng/kg là cùng, không lời được bao nhiêu”, một tiểu thương đến từ chợ Tân Phước Khánh - thị xã Tân Uyên - Bình Dương nói.

Giá trái cây như chôm chôm, mãng cầu, vải,…vẫn ổn định, không tăng đột biến như rau, củ. Tiểu thương lấy hàng cho biết, bao chôm chôm Thái được mua với giá 15.000 đồng/kg, vải bán 20.000 đồng/kg, mãng cầu 30.000 đồng/kg, xoài Thái giá 12.000 đồng/kg.

Chợ truyền thống chơi vơi

Theo Ban quản lý chợ Bình Điền, trong ngày đầu chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa, lượng thịt heo nhập chợ đã tăng lên so với ngày trước đó là 81 tấn thịt.

Giá cả thịt heo vẫn bình ổn từ 120.000 đồng/kg tùy loại và có phần bán rất chậm. Nguyên nhân là các chợ truyền thống hiện chỉ được bán tới 12h, một số chợ có những ca nhiễm Covid-19 thì ngưng hoạt động hẳn.

Tại chợ Trần Hữu Trang (phường 10 – quận Phú Nhuận), Ban quản lý yêu cầu người đi chợ khai báo y tế và đặt chốt chặn hai đầu đường khiến người dân có tâm lý ngại nên rất ít người dân đi chợ. Hầu hết sạp bán hàng không thiết yếu đều đóng cửa, khu vực nhìn có vẻ sôi nổi hơn cả là khu buôn bán hàng tươi sống. Tuy vậy, vẫn rất ế.

Cả chợ này đến 13h là dẹp hết. Tình hình chung vậy rồi, tụi tui phải chịu thôi”- một tiểu thương bán cá hấp than thở.

Không chỉ ở chợ Trần Hữu Trang mà nhiều chợ truyền thống khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi muốn vào chợ phải đi bộ và khai báo như chợ Nguyễn Đình Chiểu (Phú Nhuận), Bà Chiểu (Bình Thạnh)...

Chợ Nguyễn Văn Trỗi (đường Lê Văn Sỹ) lúc 10h trưa 29/6, chợ chỉ còn mỗi quầy thịt heo hoạt động. Không khí im ắng, buồn tẻ, chỉ có tiếng chào mời của những tiểu thương vọng lại. Tuy nhiên, hai cửa hàng Vissan và Co.op Food trước chợ thì tấp nập người ra vào mua sắm, hàng hóa đủ chủng loại.

Những phiên chợ hạng 3 và chợ tự phát thì càng ảo nảo. Anh Nguyễn Văn Hiền - bán cá khô ở chợ tự phát ở một con hẻm đường Bùi Đình Túy đã nghỉ bán nửa tháng nay theo quy định phòng ngừa dịch Covid-19. Anh bèn đem cá khô ra chợ Vạn Kiếp (Bình Thạnh) bán cùng sạp với vợ. Thế nhưng, đến ngày 29/6 anh lại tiếp tục nghỉ bán vì chợ đóng cửa do gần đó có ca bệnh Covid-19.

“Cũng may là tôi và vợ cũng vừa bán hết hàng. Bây giờ ở nhà chờ đợi không biết khi nào mới được đi bán lại. Còn mấy người bạn hàng khác càng khổ hơn, có người đi vay tiền góp lấy hàng từng bữa. Nay nghỉ bán thì họ sẽ gặp khó khăn hơn nữa”, anh Hiền trăn trở.

Chợ truyền thống ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 2
Chợ Trần Hữu Trang ảm đạm vào sáng 30/6. 

Trong khi chợ truyền thống đìu hiu do các quy định về phòng ngừa dịch Covid-19, thì ở các chợ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng Bách Hóa xanh,….đông đảo người dân xếp hàng mua hàng hay đặt hàng online. Vào khung giờ buổi chiều, khi chợ truyền thống nghỉ bán thì hàng hóa trên các kệ được người dân mua sạch sẽ.

Theo thông tin Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cung cấp cho báo chí, lượng đặt hàng qua kênh mua sắm trực tuyến của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tăng gấp 3-4 lần. Lượng khách đến mua sắm tại gần 300 của hàng Co.op Food ở TPHCM tăng nhẹ quanh mức 20% từ ngày 22/6.

Ngày 25/6, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết tờ trình của UBND TPHCM về một số chế độ chính sách đặc thù, phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Thành phố sẽ hỗ trợ 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng đối với chợ hạng 1; Chợ hạng 2 là 210.000 đồng/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/tháng.

Thời gian hỗ trợ 6 tháng (từ tháng 7/2021-12/2021). Số lượng điểm kinh doanh được hỗ trợ: 59.976 điểm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, Sở đã lên kịch bản đối phó với tình huống các ca nghi nhiễm Covid-19 xuất hiện ở chợ truyền thống. Theo đó, khu vực nào có xuất hiện ca bệnh sẽ tạm thời cách ly, kể cả tạm dừng hoạt động toàn bộ chợ. Ban quản lý chợ đang làm theo các hướng dẫn từ cơ quan y tế. Chợ vẫn hoạt động để đảm bảo chống dịch Covid-19 và kinh doanh thuận lợi.

Nếu chợ ngừng hoạt động hoàn toàn thì lúc này các hệ thống khác sẽ đảm nhiệm tăng cường phân phối hàng hóa phụ; Nơi cung cấp hàng hóa sẽ giao hàng cho thương lái trung chuyển hàng thẳng tới chợ truyền thống cho các tiểu thương, mà không qua chợ đầu mối; Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường có chuỗi phân phối lớn sẽ tăng cường nhập hàng cung ứng cho người dân.

Hiện nay, Sở Công thương  đang phối hợp với các chuỗi hệ thống kinh doanh tạm thời ngưng hoạt động như Thế giới di động có Điện máy xanh, siêu thị điện máy Nguyễn Kim,…là những địa điểm có mặt bằng rộng để tổ chức bán hàng (lương thực, thực phẩm tươi sống) đồng giá phục vụ cho dân.

Theo đó, người dân chỉ cần đặt mua hàng, doanh nghiệp đóng gói sẵn các mặt hàng, người dân tới lấy hàng và trả tiền. Hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người bán hàng và người dân với nhau. Vừa đảm bảo cung ứng hàng kịp thời cho dân, vừa đảm bảo công tác chống dịch hiệu quả”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.

Bình luận