Chờ...

Chợ truyền thống chưa hút khách trở lại, tiểu thương bán cầm chừng

(VOH) - Hiện nay có hơn 30 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại tại TPHCM. Ban quản lý các chợ vẫn đang cẩn thận đánh giá tình hình dịch bệnh nên chỉ cho khoảng 30% tiểu thương bán lại.

Dù vậy, lượng người đi chợ truyền thống vẫn chưa nhiều, tiểu thương đang bán “cầm chừng”.

Ghi nhận tại chợ Bà Chiểu, tiểu thương đã bày các gian hàng bên hông chợ với đủ các thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, chợ khá vắng, chỉ thỉnh thoảng có người dân vào mua.

Các tiểu thương cho biết: “Mình bán chủ yếu cho khách mối có chỗ giao hàng, chứ còn người dân thì họ vẫn sợ đi chợ. Ở xóm chị người ta toàn đi mua gần nhà”.

Theo Ban quản lý chợ Bà Chiểu, hiện chợ có hơn 30 tiểu thương tham gia bán lại và họ đều đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng dịch của cơ quan chức năng như: chích đủ 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Ban quản lý sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh trong những tuần tiếp theo để có quyết định cho phép tiểu thương vào buôn bán phía trong lòng chợ.

đi chợ, chợ truyền thống
Người dân mua hàng tại chợ truyền thống

Hầu hết ban quản lý các chợ đều chưa cho buôn bán bên trong lòng chợ.

Tại chợ Tân Định (Quận 1), chợ Hoàng Hoa Thám (Quận Tân Bình) lượng khách ghé mua sắm đông hơn. Người dân được phép chạy xe máy vào các lối đi bên hông chợ để mua sắm thoải mái.

Bà Kim Thanh - 80 tuổi cho biết, những người lớn tuổi như bà đã quen đi chợ nên rất mong chợ truyền thống mở cửa lại, thêm nữa, ra chợ bà còn được gặp lại những tiểu thương quen biết : “Tôi cảm giác như được sống lại. Vui lắm. Tôi thấy giá cả các mặt hàng còn mắc nhưng cũng đúng thôi vì dịch bệnh đang còn mà. Dịch làm đảo lộn cuộc sống nên mình phải chấp nhận”.

Giá cả các mặt hàng rau củ, thịt cá ở một số chợ hiện giảm 10-20% so với giá bán lúc dịch. Tuy nhiên, người dân còn ngại ra khu vực công cộng vào thời điểm này nên lượng khách mua hàng vẫn ít.

Chị Nguyễn Thị Thiệt - tiểu thương bán rau củ ở chợ Tân Định (Quận 1) chia sẻ: “Hôm nay, chị bán ngày đầu tiên mà bán ít lắm, vừa lo, vừa sợ đủ thứ nên ngủ không được luôn. Chị lấy mỗi thứ 2-3kg, ước tính chỉ còn 1/3 lượng hàng so với trước đó”.

Tình hình kinh doanh của các tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản cũng không khá hơn. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã mở cửa lại nhưng chỉ mới có hơn 46 tiểu thương đăng ký vào bán. Nhiều tiểu thương than bán ế, mất mối vì người dân đã chọn mua ở các hộ kinh doanh bên ngoài chợ.

Một tiểu thương cho biết: “Bữa đầu tiên vô đây không bán được gì, bữa tiếp theo bán được 2 bịch bí đỏ, 4 bịch củ sắn, sáng nay thì bán được 1 bịch khoai mỡ. Có ai vô đây mua đâu vì người ta tấp vô mấy ki-ốt ngoài đường mua hết rồi”.

chợ truyền thống
Tiểu thương thuê ki ốt bán trước chợ đầu mối nông sản Hóc Môn

Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, các tiểu thương thuê ki-ốt gần chợ để kinh doanh. Hiện nay, họ chưa muốn quay trở vào chợ bán vì ngại khai báo y tế. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết: “Đối với chợ truyền thống, cho hoạt động 30% thì chợ còn rất rộng, ban quản lý cũng dễ kiểm soát được đầu vào - ra của các tiểu thương thông qua ứng dụng khai báo y tế. Các lực lượng chức năng của huyện cho biết sẽ dọn dẹp những trường hợp kinh doanh tự phát trước chợ”.

Dù còn một số hạn chế cản trở việc kinh doanh cho tiểu thương ở chợ truyền thống sau dịch Covid-19, song các tiểu thương đều hi vọng việc kinh doanh sẽ chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Bình luận