Chờ...

Đầu tư tự động hóa: Hướng đi mới của người nông dân trồng thanh long

(VOH) - Thanh long hiện là cây trồng chính của hàng chục nghìn hộ nông dân ở Bình Thuận. Dù được coi là cây xóa đói giảm nghèo và mang lại lợi nhuận cao nhưng để có được thành quả đó người nông dân trồng thanh long phải đổ không ít mồ hôi, công sức để có thể canh tác được trên vùng đất nắng gió, khô cằn.

Ông Lê Văn Vân là chủ sở hữu gần 4.000m2 thanh long tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Do vườn thanh long xa nhà nên hàng ngày, ông phải chạy xe hơn 7km đến vườn để chong đèn, tưới tiêu cho gần 500 trụ thanh long của mình. Với đặc thù phải tưới nước, chong đèn nhiều cây thanh long mới ra hoa phát triển tốt, ông Vân không chỉ vất vả trong khâu chăm sóc mà còn phải chi phí khá nhiều cho tiền điện nước...

Năm 2013, tình cờ biết được thông tin về hệ thống nhà thông minh, ông Vân quyết định tìm hiểu và đầu tư hệ thống này cho vườn thanh long.

Nhà thông minh là kiểu nhà mà đồ dùng được gắn các bộ điều khiển tự động có thể kết nối với internet và điện thoại di động, cho phép chủ nhân điều khiển vật dụng từ xa hoặc lập trình cho thiết bị trong nhà hoạt động theo lịch… Công nghệ điều khiển nhà thông minh hiện đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp.

Với tất cả những thiết bị nông nghiệp sẵn có như hệ thống đèn điện chiếu sáng, đường ống nước tưới tiêu, ông chỉ lắp đặt thêm một bộ thiết bị điều khiển tự động VSYS Controller kết nối với các công tắc điện. Bộ thiết bị điều khiển tự động VSYS Controller có thể nhận được các tín hiệu điều khiển qua Internet, tin nhắn SMS hoặc điều khiển bằng giọng nói thông qua điện thoại thông minh. Đây là một tiện ích khá quan trọng khi điện thoại đã trở thành vật dụng quan trọng với nhiều người.

Sau khi lắp đặt, ông Vân được các kỹ sư hướng dẫn tải chương trình điều khiển VSYS Logic từ Google Apps về điện thoại di động và kết nối chương trình này với bộ điều khiển tự động VSYS Controller. Chương trình điều khiển hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt nên chỉ bằng những thao tác đơn giản ông có thể dễ dàng thiết kế cho khu vườn một kịch bản điều khiển tự động. Ông Lê Văn Vân cho biết:


Với việc có thể giám sát vườn từ xa, ông Vân không chỉ tiết kiệm được thời gian, chủ động trong việc chăm sóc, mà còn tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuất nhờ việc cài đặt các chế độ chiếu sáng, tưới tiêu, chống trộm… một cách tỉ mỉ và hợp lý. Ông Vân chia sẻ:


Theo tính toán của ông Vân, mỗi năm, người dân Bình Thuận trồng 3 vụ thanh long, riêng chi phí điện chiếu sáng thanh long mỗi vụ tương đương khoảng khoảng 50 triệu đồng cho mỗi hecta. Việc lắp đặt hệ thống điều khiển tự động, thiết kế chương trình chiếu sáng, tưới tiêu hợp lý hơn đã giúp ông tiết giảm khoảng 20% chi phí tiền điện, đó là chưa kể tới việc tiết kiệm nước, nhân công chăm sóc, trông coi vườn. Đây có thể coi là con số khá lớn đối với người nông dân, nhất là khi tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm thường xuyên biến động.

Có thể nói, mặc dù thời gian gần đây Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp ở ta vẫn chưa hiệu quả do nông dân làm ăn riêng lẻ, kỹ thuật, công nghệ sản xuất chưa được đầu tư một cách đúng đắn… Trong khi đó, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa đa phần là ở quy mô doanh nghiệp với lợi thế về vốn, kỹ thuật. Nhiều người dân mong muốn cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất để tăng năng suất, lợi nhuận nhưng khó thực hiện vì thiếu đi những yếu tố cần thiêt này.

Dù vậy, ở quy mô nhỏ, không ít người nông dân vẫn chịu khó tìm tòi, dám ứng dụng phương thức mới vào sản xuất chỉ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và lợi nhuận cho gia đình mình. Ông Vân cho biết, người nông dân bình thường thật khó để có thể đầu tư các công nghệ sản xuất hiện đại từ nước ngoài, và việc đầu tư công nghệ tự động của Việt Nam sản xuất là một lựa chọn tối ưu bởi so sánh hiệu quả đầu tư với chi phí đầu tư ban đầu thì không chỉ ông mà nhiều người nông dân khác hoàn toàn có thể chấp nhận được. Với hệ thống điều khiển tự động đang được ứng dụng tại vườn, số tiền điện tiết kiệm được trong một năm đã đủ giúp ông hoàn vốn lắp đặt.

Hiện nay, ông đang lắp đặt thêm hệ thống chống trộm, máy đo độ ẩm để tích hợp thêm vào hệ thống tự động này. Theo ông, việc lắp đặt hệ thống điều khiển do Việt Nam sản xuất với ngôn ngữ tiếng Việt đã đem lại nhiều cái lợi và tiện ích nhất là dù không am hiểu công nghệ nhưng những người nông dân như ông hoàn toàn có thể sử dụng, cài đặt và tự động hóa thêm nhiều quy trình khác trong sản xuất.

Ông Lương Ngọc Tuấn – đại diện đơn vị thiết kế hệ thống điều khiển cho biết thêm:


Đất không thể sinh sôi và thời tiết ngày càng khắc nghiệt, để sống và canh tác được trên vùng đất khô cằn, không còn cách nào khác người nông dân cần có những chiến lược sản xuất cho chính mình, để tối ưu hóa chi phí và công sức mình bỏ ra. Và giống như ông Vân việc dám đầu tư sản xuất, dù ở quy mô nhỏ cũng thể coi là một cuộc cách mạng mà người nông dân nên làm. Đó không chỉ là việc căn cơ trong sử dụng tài nguyên điện, nước mà còn là một sự tính toán thông minh cho túi tiền của người nông dân quanh năm bám ruộng, bám đồng.

Bình luận