Chờ...

Giá cao su hôm nay 10/12/2020: Giá tại sàn Nhật Bản liên tục giảm 

(VOH) – Giá cao su ngày 10/12 giảm khi số liệu của Chính phủ Nhật Bản chỉ ra rằng giá cao su của các doanh nghiệp giảm mạnh nhất trong 6 tháng, nền kinh tế bi thương của nước này bởi đại dịch.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 10/12/2020, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 4/2021, giảm 1,9 JPY tương đương 0,8%, ghi nhận ở mức 232,3 JPY/kg.

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 10/12/2020: Giá tại sàn Nhật Bản liên tục giảm ảnh 1

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 14.390 CNY/tấn.

Giá cao su Nhật Bản đã giảm phiên thứ hai liên tiếp, thậm chí có mức giảm khá sâu. Gói kích thích kinh tế mới trị giá hơn 700 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có nhiều tác động cho thị trường hàng hóa, trong đó có cao su.

Theo nhiều bình luận trên Japan Exchange Group (sàn giao dịch Osaka), giá giảm đã ảnh hưởng đến tâm lý bán ra của các nhà đầu tư. Vào cuối năm, tình hình sản xuất cao su giảm so với các mặt hàng thiết yếu khác. Giá cao su Thượng Hải cũng chịu áp lực giảm.

Giá cao su bán buôn tại Nhật bản trong tháng 11/2020 đã giảm 2,2% so với cùng tháng năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng, một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang phải chịu áp lực giảm phát.

Phiên trước đó, giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do lo ngại về số ca nhiễm virus Covid-19 gia tăng, mặc dù có những thông tin lạc quan về vắc xin phòng ngừa.

Thời tiết xấu đang ảnh hưởng đến nguồn cung mủ cao su tại Thái Lan, Malaysia hay Ấn Độ. Việc thiếu hụt nhân công trong các vụ thu hoạch sắp tới cũng là bài toán khó khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp

Giá cao su hôm nay 10/12/2020: Giá tại sàn Nhật Bản liên tục giảm ảnh 2

Giá cao su xuất khẩu tăng 15% trong tháng 11

So với tháng 11/2019 tăng 0,7% về lượng và tăng 15,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng 15% so với cùng kì năm 2019 lên mức 1.513 USD/tấn. 

Lũy kế 11 tháng năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,51 triệu tấn, trị giá gần 2 tỉUSD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 1,4% về trị giá so với cùng kì năm 2019, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.324 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kì năm 2019. 

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 65,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 852.070 tấn, trị giá 1,1 tỉ USD, tăng 27,5% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 98,9% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu trong 10 tháng năm 2020, với 842.890 tấn, trị giá 1,09 tỉ USD, tăng gần 27% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kì năm 2019. 

Trong 10 tháng năm 2020, một số mặt hàng cũng đạt được sự tăng trưởng khá so với cùng kì năm 2019 như: Latex, cao su tái sinh, cao su dạng Crếp, Skim block, SVR CV40. 

Về giá xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều có xu hướng giảm so với cùng kì năm 2019, trừ một số chủng loại có giá xuất khẩu trung bình tăng như: cao su hỗn hợp, cao su tái sinh, SVR CV50.

Giá cao su hôm nay 10/12/2020: Giá tại sàn Nhật Bản liên tục giảm ảnh 3
Ảnh minh họa - Internet 

Cách nào để sản phẩm cao su Việt thâm nhập thị trường châu Âu?

Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm cao su vào thị trường Châu Âu là rất lớn song để thâm nhập các quốc gia này, doanh nghiệp Việt phải có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cũng như các tiêu chuẩn về lao động, môi trường khác.

Theo ông John Heath, thị trường châu Âu hiện đang dành nhiều sự quan tâm đến cao su có chứng chỉ FSC. Tất nhiên, sự quan tâm này không thể chuyển thành nhu cầu thực tế hay sản lượng tiêu thụ, nhưng cho đến khi có thêm nguồn cung, rất nhiều đơn vị tiêu thụ đã cam kết sẽ mua cao su có chứng chỉ FSC ngay khi sản phẩm được chứng nhận có mặt trên thị trường. Ông John Heath hi vọng sẽ có thêm 16.000 tấn cao su thiên nhiên (CSTN) được chứng nhận vào năm 2020.

Sở dĩ các doanh nghiệp nhập khẩu CSTN như Corrie MacColl quan tâm đến những sản phẩm đạt chứng chỉ FSC là do bền vững là chủ đề sôi nổi tại các quốc gia Châu Âu nhiều năm nay. Riêng với ngành CSTN đồng thời cũng gây chú ý đến chính quyền, tổ chức phi chính phủ (NGOs) và người tiêu dùng, vì có thông tin tiêu cực cho rằng ngành này đang tồn tại một số vấn đề về quyền con người (chiếm đoạt đất, ngược đãi lao động nhập cư, thuê lao động trẻ em, trả lương thấp...) và về môi trường (phá rừng, gây tổn thất đa dạng sinh học...).

Đây cũng là lý do việc gia tăng tham gia của luật pháp EU về lĩnh vực bền vững nhằm buộc các công ty phải chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của châu Âu về vi phạm nhân quyền ở bất kỳ đâu trong chuỗi cung ứng CSTN, ngay cả khi vi phạm đó vượt quyền kiểm soát hoặc hiểu biết của họ. Cụ thể ở Thụy Sĩ có sáng kiến "Konzern-verantwortungsinitiative" - Sáng kiến doanh nghiệp có trách nhiệm" ràng buộc các công ty nước này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi vi phạm quyền con người hoặc có hoạt động kinh doanh gây thiệt hại đến môi trường dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Trên thực tế tại Việt Nam từ nhiều năm qua ngành cao su đã có những hoạt động để thúc đẩy phát triển bền vững cho các sản phẩm từ cao su, từ đó nâng cao giá trị cao su xuất khẩu. Cụ thể, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), ngành đã đưa ra các hoạt động như xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam; Xây dựng hướng dẫn quản lý sản xuất CSTN bền vững; Tăng cường trao đổi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Giới thiệu mô hình sản xuất cao su bền vững và có trách nhiệm… VRA cũng thực hiện quảng bá rộng rãi "Nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam" và hỗ trợ hội viên tuân thủ Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) cũng như tích cực gia tăng nhận thức về phát triển bền vững và có trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Bình luận