Chờ...

Giá cao su hôm nay 27/5/2021: Sụt giảm

(VOH) – Giá cao su ngày 27/5 sụt giảm trở lại khi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đe dọa đất nước – vốn đang vật lộn để hồi phục trở lại sau các đợt bùng phát trước đó – làm sụt giảm nhu cầu.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 27/5/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 10/2021, tham chiếu cho toàn thị trường châu Á - giảm 0,6 JPY, tương đương 0,2% xuống mức 254,6 JPY/kg. 

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 27/5/2021: Sụt giảm do làn sóng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng 1

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% lên 13.790 CNY/tấn.

Nhật Bản – quốc gia dự kiến đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020 vào tháng 7 – đang phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của của virus corona, mà ban đầu dự kiến dỡ bỏ vào cuối tháng 5/2021, nay được gia hạn thêm khoảng 1 tháng nữa. 

Phiên trước đó, giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng sau khi có thông tin Chính phủ sẽ chi khoảng 239 tỷ USD để giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19. Theo nhà lập pháp cấp cao của đảng cầm quyền Kozo Yamamoto, chính phủ nước này dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch bổ sung ngân sách vào tháng 10 hoặc tháng 11/2021.

Tổng thư ký Salvatore Pinizzotto cho biết, IRSG dự kiến tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng 7% vào năm 2021, sau khi giảm 8,1% trong năm 2020 do đại dịch ảnh hưởng đến nhu cầu.

Theo ông Pinizzotto, nhìn vào xu hướng sản xuất và nhu cầu trong năm nay, nhu cầu cao su tự nhiên được dự báo tăng 7% và nhu cầu cao su tổng hợp sẽ tăng 7,2%. Cùng với đó, sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tăng 5% dù bất kỳ sự sụt giảm nào về sản lượng ở các nước Đông Nam Á đều được bù đắp bởi sự gia tăng ở các khu vực sản xuất khác.

Tuy nhiên, nhu cầu hồi phục trong năm 2021 có thể chậm hơn dự kiến, bất chấp sự tăng trưởng ở châu Á. Ông Pinizzotto dự đoán mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,3%.

Biến đổi khí hậu là một yếu tố lâu dài ảnh hưởng đến sản xuất cao su thiên nhiên. Mưa lớn, thời tiết khô hạn hay nhiệt độ cao đều có thể ảnh hưởng đến các đồn điền cao su.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã chốt sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm 2020 ở mức 13,13 triệu tấn và nhu cầu ở mức 12,904 triệu tấn.

Giá cao su hôm nay 27/5/2021: Sụt giảm do làn sóng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng 2

Bất chấp lượng xuất khẩu chững lại, giá cao su vẫn lên mức cao nhất trong nhiều tháng

Trong tháng 4/2021, giá xuất khẩu cao su trung bình đạt hơn 1.777 USD/tấn, tăng nhẹ 1,4% so với tháng trước đó nhưng tăng đến 40% so với tháng 4/2020.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy xuất khẩu cao su trong tháng 4 bắt đầu chững lại sau nhiều tháng liên tục tăng mạnh. 

Mặc dù xuất khẩu cao su trong tháng 4 chậm lại nhưng tính chung trong 4 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng gần 73% lên 468.000 tấn và kim ngạch tăng trưởng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái đạt 784,4 triệu USD.

Có thể thấy, lượng cao su xuất khẩu tháng 4/2021 chỉ đứng thứ hai kể từ đầu năm 2020 đến nay nhưng giá xuất khẩu trung bình lại đạt mức cao nhất trong suốt 16 tháng qua.

Trong tháng 4/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 53,92% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 33.440 tấn, trị giá 55,75 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm hơn 54% về trị giá so với tháng 3/2021.

Ngoài ra, Ấn Độ, thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam, cũng là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên với diễn biến dịch COVID-19, khả năng xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng trưởng trở lại trong năm 2021 là khó xảy ra. 

Giá cao su hôm nay 27/5/2021: Sụt giảm do làn sóng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng 3
Ảnh minh họa - Internet 

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu nhiều loại cao su từ Việt Nam

Trong ba tháng đầu năm 2021, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,97% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 4,25% của cùng kỳ năm 2020, thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cũng tăng mạnh từ 25,81% lên 40,34%.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, kim ngạch đạt 606,66 triệu USD, tăng 83,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2021 chiếm 19,21%, tăng mạnh so với mức 12,86% của ba tháng đầu năm 2020.

Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường: Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Việt Nam. 

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 68,36 triệu USD, tăng 133,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, ba tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt 535,93 triệu USD, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 40,34% trong tổng trị giá nhập khẩu chủng loại cao su này của Trung Quốc, tăng so với mức 25,81% của ba tháng đầu năm 2020.

Bình luận