Chờ...

Giá thép hôm nay 18/5: Phục hồi sau 3 phiên sụt giảm mạnh

(VOH) - Giá thép ngày 18/5 tăng trở lại trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 4/2021 đạt mức cao nhất dù chính phủ cam kết hạn chế sản xuất.

Giá thép thế giới tăng trở lại

Giá thép ngày 18/5, giá giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 30 nhân dân tệ lên mức 5.650 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 18/5/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép phục hồi sau 3 phiên sụt giảm mạnh 2

Trong tháng 4/2021, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại, bất chấp việc chính phủ cam kết hạn chế sản xuất để giảm ô nhiễm cũng như tăng chi phí từ nguyên liệu thô.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, với việc các nhà máy sản xuất ồ ạt nhờ lợi nhuận cao, Trung Quốc đã ghi nhận tổng sản lượng thép là 97,85 triệu tấn vào tháng 4.

Theo đó, mức sản lượng này tăng 4,1% so với tháng 3 và cao hơn so với con số 85,03 triệu tấn vào tháng 4 năm ngoái.

Sản lượng trung bình hàng ngày trong tháng 4 tăng 7,5% so với tháng 3 lên 3,26 triệu tấn. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử ngành thép của quốc gia này.

Trong hai tháng liên tiếp, sản lượng thép ở Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ đảm bảo sản lượng cả năm duy trì dưới mức 1,065 tỷ tấn.

Việc nhu cầu tiêu thụ trên đà đi lên bên cạnh giá thép tăng vọt đã giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận một cách đáng kể, thúc đẩy mong muốn sản xuất hơn nữa tại các nhà máy thép của Trung Quốc.

Tổng cục thống kê chỉ ra ba lý do khiến giá thép tăng phi mã

Theo Tổng cục thống kê chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng vọt gần 28% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 23%.

Theo Tổng cục Thống kê các nhà thầu, doanh nghiệp ngành xây dựng, người dân đang xây nhà đang phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, chưa có dấu hiệu giảm.

Số liệu thống kê cho biết chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại tháng 4/2021 tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng tăng 7,7%.

Trong nhóm sản phẩm kim loại, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê có ba nguyên nhân làm tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép. Thứ nhất giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.

Tính đến ngày 6/4, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020, tác động làm tăng giá sắt, thép trong nước.

Thứ hai, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt.

Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch COVID-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), theo đó nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.

Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.

Thứ ba, tại Việt Nam, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…

Giá thép tăng trên toàn cầu, Việt Nam đứng trước nhiều nỗi lo

Trung Quốc còn có chính sách giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép.

Doanh nghiệp Việt hiện đều đảm bảo nguồn cung thép trên thị trường, chưa có hiện tượng thiếu thép. Việc điều hành quản lý của nhà nước cũng không thể cấm doanh nghiệp xuất khẩu thép mà chỉ đề nghị hạn chế.

Chia sẻ với PV, đại diện Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp hiện đều đảm bảo nguồn cung thép trên thị trường, chưa có hiện tượng thiếu thép. Việc điều hành quản lý của nhà nước cũng không thể cấm doanh nghiệp xuất khẩu thép mà chỉ đề nghị hạn chế.

Hiệp hội Thép cũng khẳng định: Năm 2021, nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 7-10% so với năm 2020. Sản xuất thép của Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài.

Để đáp ứng cho sản xuất, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiều loại nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối diện với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng của các quốc gia trên toàn cầu. Do đó, thị trường thép Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của thị trường thép thế giới.

Giá thép hôm nay ngày 18/5/2021

Giá thép phục hồi sau 3 phiên sụt giảm mạnh 3
Bình luận