Giá thép xây dựng hôm nay 2/6: Bật tăng trở lại

(VOH) - Giá thép ngày 2/6 tăng tiếp trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 7%, tăng phiên thứ 3 liên tiếp được thúc đẩy bởi trung tâm thép Đường Sơn.

Giá thép thế giới đi lên

Giá thép ngày 2/6 giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 85 nhân dân tệ lên mức 5.062 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 2/6/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn).

Giá thép xây dựng hôm nay 2/6: Bật tăng trở lại 2

Sau khi sụt giảm vào năm ngoái, sản lượng thép không gỉ thô toàn cầu có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, dự kiến đạt 55 triệu tấn, tăng hơn 8% so với con số ghi nhận được vào năm 2020, MEPS đưa tin.

Trong đó, hoạt động mạnh mẽ ở Trung Quốc là động lực chính cho sự gia tăng sản lượng dự đoán trong năm nay. Các nhà máy thép tại quốc gia này đã đáp ứng được nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường nội địa nhờ vào biện pháp kích thích của chính phủ và giá thế giới đang neo ở mức cao.

Tại Mỹ, sản lượng thép không gỉ thô được dự báo sẽ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với con số ghi nhận được vào năm 2019.

Hiện tại, Allegheny Technologies Incorporated đang có kế hoạch rút khỏi thị trường thép không gỉ trong năm nay. Các cuộc đình công của công nhân tại một số địa điểm có thể sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Tại Liên minh châu Âu (EU), mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2021 là hơn 10%. Dự báo của MEPS về sản lượng ở EU đã được nâng lên mức 7 triệu tấn, do sản lượng tăng mạnh trong tháng 1 và tháng 2 năm nay.

Niềm tin của người tiêu dùng đang tăng cao, đây là kết quả của việc triển khai nhanh chóng các chương trình tiêm chủng ở các nước phương Tây. Việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã cho phép các lĩnh vực tiêu thụ thép không gỉ tiếp tục phát triển.

Đối với Đài Loan, MEPS đã hạ dự báo sản lượng xuống còn 890 nghìn tấn. Một vụ cháy công nghiệp lớn tại nhà máy Cao Hùng của Công ty Yieh Corp. dự kiến sẽ cắt giảm đáng kể các lô hàng trong quý II năm nay.

Tuy nhiên, mức tăng sản xuất theo tỷ lệ phần trăm hai con số ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ được cho là sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt nêu trên.

Còn tại Indonesia, sản lượng sản xuất dự kiến sẽ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 3 triệu tấn vào năm 2021. Sản lượng tại nhà sản xuất Tsingshan vẫn ở mức cao, bất chấp việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng xuất khẩu sang EU.

Giá thép tăng gần 50%, thị trường xây dựng náo loạn, nhiều nhà thầu gặp ác mộng

"Cơn bão" giá thép đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", tiếp tục thực hiện hợp đồng không nổi mà huỷ hợp đồng cũng không xong.

Giá thép tăng "dựng đứng" 48% kể từ cuối năm 2020 đến nay đang là mức cao kỷ lục đối với thị trường trong nước. Sắt thép luôn là vật liệu chính chiếm giá trị lớn trong các công trình xây dựng, nếu mặt hàng này trong thời gian tới tiếp tục tăng sẽ kéo theo giá bất động sản, nhà ở và các loại hàng hóa khác cũng tăng theo.

Trả lời VTC News, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh (TP.HCM) cho biết, giá thép tăng đến nay có thể chia 2 giai đoạn.

Cụ thể, cuối tháng 11/2020 đến cuối tháng 3/2021 tăng từ 11.800 đồng/kg lên 15.400 đồng/kg (27%); đầu tháng 3/2021 đến nay tăng từ 15.400 đồng/kg lên 18.700 đồng/kg (21,5%). Như vậy, từ khoảng cuối năm 2020 đến nay giá thép tăng đến 48,5%.

Theo ông Dũng, tỷ trọng giá trị thép trong giá trị đầu tư xây dựng cao tầng chiếm khoảng 10% - 12%. Do đó, việc giá thép tăng nóng trong thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến ngành bất động sản. Với các dự án đang triển khai, chủ đầu tư đã xác định suất đầu tư, giá bán… thì việc tăng giá này đã ảnh hưởng trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Center (TP.HCM), sự biến động tăng giá của nguyên vật liệu xây dựng đang khiến thị trường xây dựng trở nên náo loạn, thành “ác mộng” của các nhà thầu, nhất là đối với các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.

Ông Nam cho rằng, đây cũng chính là lý do khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp huỷ hợp đồng, chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Nhà nước cần có chính sách điều tiết về khung giá trần của giá nguyên vật liệu, tránh tình trạng như hiện nay giá thép tăng một cách bất thường, không ai có thể dự đoán trước được

Bình luận