Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 25/4/2020: Giá thép sụt giảm do sản lượng tăng

(VOH) - Giá thép trên thị trường Trung Quốc ngày 25/4 giảm, tính chung cả tuần cũng giảm, do sản lượng của các nhà máy tăng nhanh hơn nhiều so với mức tiêu thụ.

Giá thép xây dựng giảm

Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 13 nhân dân tệ xuống 3.343 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h00, ngày 25/4, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 25/4/2020

Ảnh minh họa: internet

Các kho dự trữ thép ở Trung Quốc giảm tuần thứ 6 liên tiếp khi nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng gia tăng nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 5 năm do sự bùng phát của virus corona, theo Reuters.

Dự trữ các sản phẩm thép do các thương nhân nắm giữ giảm 1,15 triệu tấn xuống còn 20,13 triệu tấn vào thứ Năm (24/4), theo dữ liệu của Mysteel.

Ngành xây dựng đã tăng tốc nhanh kể từ cuối tháng 3. Khối lượng giao dịch hàng ngày của các sản phẩm thép thậm chí còn cao hơn một chút so với thời điểm này năm ngoái nhờ vào sự kích thích của chính phủ đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các dự án khởi động lại.

Phía Bắc Trung Quốc đã nối lại hoạt động xây dựng muộn hơn một tháng so với phía Nam, điều này có thể dẫn đến nhu cầu cao hơn trong thời gian tới.

Zhuo Guiqiu, chuyên gia phân tích của Jinrui Futures, dự kiến nhu cầu sẽ tiếp tục tăng vào tuần tới trước kì nghỉ lễ Lao động vào ngày 1/5, đồng thời hi vọng dự trữ trong kho sẽ duy trì ở mức cao nếu các nhà máy tiếp tục sản xuất với tốc độ nhanh.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 1,2% lên 233,34 triệu tấn trong quí đầu tiên so với cùng kì năm trước.

Dự trữ đồng giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống còn 259.037 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 7/2, do nhiều doanh nghiệp nối lại hoạt động.

Dữ liệu xuất khẩu cho thấy nhu cầu bên ngoài Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. Và câu hỏi đặt ra, liệu nhu cầu trong nước bao nhiêu là đủ để có thể bù đắp được nhu cầu suy yếu ở châu Âu và Mỹ.

Tồn kho của tất cả các kim loại công nghiệp khác cũng giảm, trong đó tồn kho nhôm giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/2, ở mức 458,403 tấn, khiến kho dự trữ PB-STX-SGH giảm 10,3% trong tuần xuống còn 7.074 tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2018 .

Dự trữ kẽm giảm 9,3% xuống 133.349 tấn, dự trữ niken giảm 1,8% xuống 27.461 tấn và cổ dự trữ thiếc giảm 3,3% xuống 3.702 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 0,4% trong phiên vừa qua, xuống 607 CNY/tấn, mặc dù quặng sắt 62% giao ngay nhập khẩu phiên trước đó (23/4) tăng lên 86 USD/tấn.

Tuy nhiên, Fitch Solutions nhận định giá quặng sắt sẽ vẫn ổn định so với các kim loại khác, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng từ chính sách giãn cách xã hội do Covid-19 và giá dầu lao dốc.

Thị trường thép Việt Nam sụt giảm từ trước khi đại dịch ập đến

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong hai tháng đầu năm 2020, mặc dù không phải chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 nhưng sản lượng tiêu thụ thép nội địa đã sụt giảm tới 13,5%.

Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc các nhà bán lẻ có xu hướng giảm lượng hàng tồn kho do lo ngại giá thép nội địa sẽ chịu áp lực giảm giá khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu.

Giá thép tại Trung Quốc đã giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu thép suy yếu trong đợt bùng phát dịch COVID-19. VDSC cho rằng mặc dù sản lượng thép bán ra giảm, nhu cầu thép vẫn tăng khi ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng 4,4% trong quí I.

Các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra ổn định, tuy nhiên, hoạt động bán hàng và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong hai tháng đầu năm, toàn ngành thép (bao gồm các sản phẩm hạ nguồn như thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) đã sản xuất 2,52 triệu tấn (giảm 1,9% so với cùng kì), bán được 2,08 triệu tấn (giảm 20,5%), trong đó 447.000 tấn thép được xuất khẩu (giảm 18,1%).

Ở thị trường thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu khi mở rộng thị phần từ 26,2% lên 30,1%. Formosa Hà Tĩnh đã vượt qua Vinakyoei để vươn lên vị trí thứ 3 khi với thị phần tăng từ 6,2% lên 7,7%. Trong khi đó, thị phần của Vinakyoei giảm từ 8,6% xuống còn 7,0%.

PoscoSS đang trong giai đoạn khá khó khăn khi thị phần sụt giảm mạnh từ 7,6% xuống 3,7%.

Ở phân khúc tôn mạ, VDSC cho biết thị phần của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ổn định ở mức 30%, duy trì khoảng cách an toàn với các đối thủ cạnh tranh. Đáng lưu ý, thị phần của Tôn Đông Á đã giảm đáng kể từ mức 17,1% còn 14,6% và do đó, tụt xuống vị trí thứ 3 sau Thép Nam Kim.

Trong mảng ống thép, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với 31,9% thị phần. Minh Ngọc đang dần bắt kịp Hoa Sen khi thị phần của công ty này tăng từ 9,6% lên 11%, trong khi thị phần của Hoa Sen giảm từ 15,3% còn 13,9%.

Giá thép xây dựng hôm nay 24/4/2020: Giá thép giảm, quặng sắt tăng trước nhu cầu bổ sung dự trữ- Giá thép ngày 24/4 giảm, giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc mạnh lên trong phiên vừa qua khi các nhà máy đẩy mạnh việc mua tích trữ trước kỳ nghỉ Quốc tế Lao động.
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2020: Vụt tăng gần 50% chỉ trong vòng 3 ngày - Giá xăng dầu ngày 25/4, tiếp đà tăng do các công ty khai thác của Mỹ và Canada giảm số lượng giàn khoan. Tuy nhiên, đây là tuần biến động với phiên đi vào lịch sử (20/4) khi giá dầu âm ...
Bình luận