Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 26/11/2020: Thép thanh giảm nhẹ, giá quặng sắt tăng

(VOH) - Giá thép ngày 26/11 giảm nhẹ trên Sàn Thượng Hải. Sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 10/2020 tăng 7% lên 162 triệu tấn, do hoạt động công nghiệp của TQ và các nước khác hồi phục.

Giá thép hôm nay giảm nhẹ

Giá thép ngày 26/11 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 5 nhân dân tệ xuống mốc 3.876 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50(giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 26/11/2020
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Theo ghi nhận của MEPS, giá thép cuộn ở châu Âu tiếp tục tăng nhanh trong tháng 11. Giá trị giao dịch cuộn cán nóng trung bình của MEPS Châu Âu đã tăng hơn 25% kể từ tháng 6 năm nay.

Hầu hết các nhà máy đang nhắm đến những con số bán ra đầy tham vọng và tự tin rằng họ có thể duy trì đà tăng giá vào tháng 12.

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng mục tiêu mà họ sẽ đạt được là bao nhiêu vẫn còn là một con số đáng tranh cãi.

Các nhà sản xuất thép rất muốn đảm bảo giá trị giao ngay tăng lên trong thời gian đàm phán hợp đồng hiện tại.

Nếu họ có thể đạt được mức tăng đáng kể trong các thỏa thuận hàng quí, nửa năm và hàng năm thì cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy các giao dịch hàng tháng.

Nhu cầu tiêu thụ thép mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc cũng có khả năng tác động tích cực đến giá thép toàn cầu trong ngắn hạn.

Phần lớn các nhà phân phối châu Âu đang có cái nhìn tích cực về triển vọng vượt qua giai đoạn tăng giá trong chuỗi cung ứng. Hàng tồn kho vẫn ở mức thấp và nhiều người dùng cuối đã chấp nhận rằng họ sẽ cần phải trả nhiều tiền hơn để đảm bảo nguyên vật liệu mà họ yêu cầu.

Những khách hàng lớn trước kia mua trực tiếp từ các nhà sản xuất nay đang phải tìm nguồn cung cấp một số mặt hàng thép từ các trung tâm dịch vụ, vì sự phân bổ của các nhà máy không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của họ.

Điều này đang làm giảm mức tồn kho trên thị trường và sẽ cần được bổ sung trong thời gian tới, tạo ra sức nặng cho việc tăng giá thép trong quí đầu tiên của năm 2021.

Nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô dự kiến sẽ giảm dần vào đầu năm 2021 khi lượng xe dự trữ đã được bổ sung. Khả năng chi tiêu của người tiêu dùng cũng có xu hướng đi xuống do ảnh hưởng kinh tế bởi đại dịch. Do đó, giá thép được dự báo sẽ nhận được những tín hiệu khả quan vào quí 2 năm 2021.

Xuất khẩu sắt thép 10 tháng tăng gấp rưỡi, dự báo tăng tiếp

 Khối lượng xuất khẩu sắt thép của cả nước từ đầu năm đến nay tăng gần 50%, trong khi trị giá tăng 1/5. Xuất khẩu thép trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục khả quan.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch 539,26 triệu USD. So với tháng liền trước, khối lượng xuất khẩu giảm 3,4%, trong khi kim ngạch chỉ giảm nhẹ 0,9%, nhờ giá xuất khẩu tăng 2,6% đạt trung bình 536,7 USD/tấn.

Giai đoạn tháng 1-10/2020, xuất khẩu sắt thép đạt gần 8 triệu tấn, kim ngạch trên 4,19 tỷ USD, tăng lần lượt 48,9% và 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ mức tăng kim ngạch chỉ bằng nửa mức tăng khối lượng là do đơn giá trung bình năm nay giảm 19,2%, chỉ đạt 524 USD/tấn.

Xuất khẩu trong tháng 10 giảm chủ yếu do xuất sang các thị trường Campuchia, và Mỹ giảm mạnh. Theo đó, xuất khẩu sang Campuchia giảm trên 24% cả về lượng và kim ngạch, ở mức 101.954 tấn, tương đương 55,68 triệu USD, còn sang Mỹ giảm 51,7% về lượng và giảm 41,7% về kim ngạch, đạt 7.916 tấn, trị giá 8,8 triệu USD. Mặc dù vậy, xuất khẩu trong tháng này sang Indonesia, Đài Loan và Malaysia tăng mạnh, với kim ngạch tăng lần lượt 50,9%, 55,7% và 23,7%.

10 tháng qua, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường xuất khẩu thép số 1 của Việt Nam, với 2,93 triệu tấn (1,21 tỷ USD), tăng vọt 1.461,8% về lượng và tăng 1.270% về kim ngạch so với cùng kỳ, bất chấp đơn giá trung bình giảm 12,3%. Xuất khẩu sang Thái Lan – thị trường tiêu thụ số 3 của thép Việt Nam cũng tăng mạnh, thêm 94,2% về lượng và 78,6% kim ngạch so cùng kỳ.

Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thép sẽ duy trì xu hướng tăng tích cực do nhu cầu hồi phục ở các thị trường.

Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức quốc tế, nhu cầu thép Trung Quốc năm 2020 dự báo tăng 20% nhờ các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế - kéo theo thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ; nhu cầu thép thô của Nhật Bản trong quý IV/2020 dự kiến sẽ tăng 12% so với quý trước lên 2,1 triệu tấn; thị trường thép Châu Âu nhiều khả năng sắp tới sẽ rơi vào trình trạng thiếu cung do nhu cầu hồi phục trong khi sản xuất giảm và nguồn cung nhập khẩu thiếu do hệ thống hạn ngạch và các biện pháp tự vệ khiến tồn kho thấp.

Bình luận