Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 7/4/2020: Giá thép đứng yên

(VOH) - Giá thép xây dựng hôm nay đi ngang, giá quặng sắt đạt trung bình gần 90 USD/tấn. Vale SA cảnh báo việc cắt giảm sản xuất sẽ ảnh hưởng tới giá quặng sắt.

Giá thép xây dựng thế giới ổn định

Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải ổn định ở mức 3.367 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 7/4, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 7/4/2020

Ảnh minh họa: internet

Vale SA, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, cho rằng giá nguyên liệu sản xuất thép sẽ bị ảnh hưởng khi đại dịch virus corona khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, theo Finacial Times.

Luciano Siani Pires, Giám đốc tài chính của Vale, cho biết nhu cầu suy yếu từ các nhà máy thép bên ngoài Trung Quốc sẽ hạn chế đà tăng của giá quặng sắt, vốn được hỗ trợ bởi lo ngại sự gián đoạn nguồn cung.

Giá quặng sắt đạt trung bình gần 90 USD/tấn gần đây, giúp một số công ty tài nguyên lớn nhất thế giới ổn định trước sự hỗn loạn kinh tế do đại dịch gây ra, theo S&P.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích ngày càng lo ngại về nhu cầu chậm chạp ở châu Âu và cả Trung Quốc.

Trong tuần trước, giá quặng sắt đã giảm 6% xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 82 USD/tấn. Công ty Citigroup cho rằng giá sẽ giảm thêm 17% xuống còn 70 USD/tấn trong những tuần tới.

Giá quặng sắt đã tăng trong quí đầu tiên do nguồn cung thấp hơn từ Australia và Brazil và từ các mỏ trong nước ở Trung Quốc, tuy nhiên sự gián đoạn này đang dần ổn định.

Có thể giá vẫn được hỗ trợ trong thời gian tới do hoạt động khai thác tại nhiều quốc gia bị ngưng trệ do virus corona, nhưng hiện nhu cầu thấp hơn ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ kìm hãm đà tăng.

Tại châu Âu, gần 15 triệu tấn công suất sản xuất thép bắt buộc phải dừng lại. Mỹ đã cắt giảm 5 triệu tấn công suất, Nhật Bản cắt giảm 3,3 triệu trong khi nhu cầu tại Trung Quốc bắt đầu hồi phục.

Quặng sắt là nguồn thu nhập chính của Vale và các đối thủ như BHP Group, Fortescue Metal Group và Rio Tinto.

Các công ty này, có thể khai thác nguyên liệu thô với giá dưới 15 USD/tấn, tạo ra lợi nhuận khổng lồ trong năm qua khi giá tăng cao tới 120 USD/tấn sau một loạt các sự gián đoạn nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Sản lượng của Vale đã giảm 20% trong năm ngoái xuống còn 302 triệu tấn khi công ty buộc phải đóng cửa một số mỏ sau thảm họa vỡ đập cướp đi sinh mạng của hơn 250 người.

Công ty đang nhắm mục tiêu sản xuất 340 - 355 triệu tấn trong năm nay, nhưng việc đạt được mục tiêu này sẽ phụ thuộc vào việc xin giấy phép để khởi động lại 30 triệu tấn công suất.

Giả sử Vale đạt được mục tiêu đề ra và Bắc Kinh không tung ra gói kích thích lớn hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hầu hết giới chuyên gia dự đoán giá quặng sắt sẽ suy yếu hơn so với mức hiện tại.

Sản xuất và tiêu thụ sắt thép 2 tháng đầu năm 2020

Trước tình hình khó khăn chung của các ngành kinh tế trong bối cảnh dịch coronavirus Covid-19, ngành thép tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Sản xuất và bán hàng thép trong nước 2 tháng đầu năm 2020 lần lượt sụt giảm 5,3% và 17,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng (HRC) thì sản xuất ngang mức 2019 trong khi tiêu thụ giảm 18%.

Tháng 2/2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 1.961.057 tấn, tăng 18,81% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ 2019. Tiêu thụ thép các loại đạt 1.608.229 tấn, tăng 17,86% so với tháng 1/2020, nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ 2019; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 345.705 tấn, tăng 21,9% so với tháng trước, nhưng giảm 17% so với cùng kỳ tháng 2/2019.

Tính chung 2 tháng/ 2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 3.611.580 tấn, giảm 5,3% so với cùng kỳ 2019; tiêu thụ đạt 2.972.710 tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ 2019.

2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắt thép giảm 4,7% về lượng và giảm 16,1% về kim ngạch và giảm 12% về giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1,17 triệu tấn, tương đương 648,81 triệu USD, giá 554,1 USD/tấn.

Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia đạt 230.515 tấn, tương đương 124,43 triệu USD, Xuất khẩu sang Trung Quốc 210.654 tấn, tương đương 87,37 triệu USD, giá 414,7 USD/tấn, tăng rất mạnh gấp 25,5 lần về lượng và tăng gấp 18,2 lần về kim ngạch, nhưng giảm 28,8% về giá. Xuất khẩu sang Indonesia đạt 127.466 tấn, tương đương 75,37 triệu USD, giá 591,3 USD/tấn, giảm 20,5% về lượng và giảm 28,9% về kim ngạch, giảm 10,6% về giá.

Trong khi xuất khẩu sắt thép cả nước nói chung chỉ tăng nhẹ, thì tại thị trường Trung Quốc có mức tăng đột biến. Trong 15 ngày đầu tháng 3, cả nước xuất khẩu 297.018 tấn sắt thép, tổng kim ngạch hơn 165 triệu USD. Qua đó, nâng tổng kết quả từ đầu năm lên gần 1,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 815 triệu USD, tăng 3,8% về sản lượng, nhưng kim ngạch giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét theo thị trường, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng sắt thép, nhưng sản lượng ở thị trường này bị giảm mạnh tới 20,5% so với cùng kỳ 2019.

Nhưng thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng đột biến. Hết tháng 2, sản lượng sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 211 nghìn tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Giá thép xây dựng hôm nay 6/4/2020: Phục hồi tăng trong phiên giao dịch đầu tuần- Giá thép xây dựng ngày 6/4 tăng trở lại, giá quặng sắt vẫn duy trì ổn định trong năm nay bất chấp tác động của đại dịch COVID-19.
Giá tiêu hôm nay 7/4/2020: “Lặng sóng” do sức mua kém - Giá tiêu ngày 7/4 tiếp tục xu hướng đi ngang tại hầu hết các địa phương vùng trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và miền Nam. Giá tiêu trong nước diễn biến theo giá thế giới.
Bình luận