Giá thép xây dựng hôm nay 8/2: Tiếp đà tăng mạnh

(VOH) Giá thép ngày 8/2 tăng lên 77 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Dự báo mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022.

Giá thép thế giới tăng

Giá thép ngày 8/2, giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 77 nhân dân tệ lên mức 4.914 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 8/2/2022
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 8/2: Tiếp đà tăng mạnh 2

Vào hôm thứ Hai (7/2), Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, cho biết, họ đặt mục tiêu "tăng đáng kể" sản lượng quặng sắt của các mỏ và thúc đẩy việc sử dụng thép phế liệu, Reuters đưa tin.

Đây được xem là một phần trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp sắt chất lượng cao hơn và xanh hơn của Trung Quốc.

Đưa ra tuyên bố chung với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý môi trường, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) nhắc lại mong muốn hợp nhất và tái cơ cấu trong lĩnh vực thép.

Song, không có mục tiêu cụ thể nào được đưa ra. Điều này khác hẳn với kế hoạch dự thảo được công bố vào cuối năm 2020 khi đã nhắm đến việc 5 nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc sẽ chiếm 40% tổng sản lượng thép vào năm 2025.

Tuyên bố cho biết, hơn 80% công suất thép sẽ hoàn thành cải cách phát thải cực thấp vào năm 2025 và lượng khí thải carbon của ngành sẽ đạt đỉnh trước năm 2030.

Đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu thu gom hơn 300 triệu tấn thép phế liệu hàng năm để cung cấp cho ngành công nghiệp sắt của mình.

Kế hoạch mới nhất cũng nhằm tăng sản lượng từ các lò điện hồ quang (EAF) lên tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc vào năm 2025.

Các mục tiêu vừa được đưa ra được đánh giá là ít tham vọng hơn so với các mục tiêu trong kế hoạch dự thảo do MIIT đưa ra vào cuối năm 2020. Vào năm 2020, sản lượng từ EAF đã chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.

Các chuyên gia dự báo mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Sản xuất thép cũng tăng trưởng 15-20%...

Theo Báo Giao thông ghi nhận thị trường cho thấy, các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá thép xây dựng lần thứ 2 kể từ đầu năm 2022.

Cụ thể, ngày 17/1/2022 giá thép xây dựng được bán ở mức 16.540-17.050 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 16.410-17.000 đồng/kg với thép thanh D10 CB300…

Tức là, so với thời điểm 31/12/2021, giá thép đã tăng thêm từ 100-610 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và từ 100-410 đồng/kg đối với thép thanh D10 CB300.

Đến ngày 25/1/2022, giá thép cuộn CB240 ở miền Bắc giữ nguyên, còn miền Nam tăng hơn 300 đồng/kg. Thép thanh D10 CB300 tiếp tục tăng thêm 200-610 đồng/kg lên mức 16.660-17.200 đồng/kg.

Một số chuyên gia nhận định, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022.

Nguyên nhân chính được cho là do nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai đã bị hoãn lại do ảnh hưởng giãn cách xã hội, nhưng từ đầu năm sau, các dự án này sẽ nhanh chóng "chạy" để đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Ngoài ra, năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch Covid-19.

Đánh giá ngành thép năm 2022, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới (năm 2021, giá thép có thời điểm tăng tới 45-50% so với năm 2020).

Do đó, trong quý I/2022 nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ. Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025.

Mặt khác, việc Trung Quốc giảm sản xuất thép và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải cũng tạo cơ hội nhiều hơn cho xuất khẩu thép của Việt Nam.

Thực tế, ngay từ đầu năm mới và trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu thép với sản lượng lớn qua các cảng biển.

Đơn cử, đầu tháng 2/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn...

Trong khi đó, hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua HRC được sản xuất tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường do năng lực sản xuất mặt hàng này còn hạn chế.

VSA cũng cho biết, nhiều tổ chức đầu tư tin tưởng gói kích thích kinh tế sẽ nhanh chóng giúp thị trường hồi phục.

Cụ thể, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150.000 tỷ đồng, cộng với mức 530.000 tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% trong năm 2022.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong cả năm 2021 tiêu thụ sắt thép trong nước có chiều hướng ảm đạm, nhưng xuất khẩu lại duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong trong khu vực cũng như thế giới.

Với các biến động về chuỗi cung ứng trên toàn cầu, trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn với giá trị đạt hơn 12,7 tỷ USD, tăng 43% về sản lượng và tăng gần 2,5 lần về giá trị so với năm 2020.

Trong top 5 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường có mức tăng rất mạnh trong năm 2021 như EU, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), trong khi tỷ trọng vào một số thị trường khác như ASEAN, Trung Quốc lại giảm đáng kể.

Bình luận