Giá tiêu ngày 27/12/2021: Chờ tín hiệu thị trường năm mới

(VOH) - Giá tiêu ngày 27/12 vẫn đứng yên, dự báo diễn biến thị trường hồ tiêu Việt Nam năm 2022 sẽ rất khó đoán bởi xu hướng giữ tiêu trong dân cũng như giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

Tuần qua, giá tiêu giảm 2.000 đồng tại khu vực Tây Nguyên, giảm 2.500 đồng/kg ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Thị trường đang khá trầm lắng, tuy nhiên vào những ngày nghỉ lễ Giáng sinh, một số tín hiệu cho thấy thị trường đang tăng trở lại.

Giá tiêu cao nhất ở ngưỡng 79.500 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất  77.000 đồng/kg  tại Đồng Nai

Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo) ổn định, dao động trong  mức 78.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại Gia Lai đi ngang, dao động ở ngưỡng 77.500đồng/kg.

Giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đổi, dao động trong ngưỡng  79.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại Bình Phước cũng đi ngang, dao động ở ngưỡng 78.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đồng Nai ổn định, dao động ở ngưỡng 77.000đồng/kg.

Tỉnh
/huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua
Đơn vị: VNĐ/kg

Thay đổi

ĐẮK LẮK

 

 

— Ea H'leo

78,500

0

GIA LAI

 

 

— Chư Sê

77,500

0

ĐẮK NÔNG

 

 

— Gia Nghĩa

78,500

0

BÀ RỊA - VŨNG TÀU

 

 

— Tiêu

79,500

0

BÌNH PHƯỚC

 

 

— Tiêu

78,500

0

ĐỒNG NAI

 

 

— Tiêu

77,500

0

Giá tiêu hôm nay 27/12/2021
Ảnh minh họa: internet

Như vậy, so với những dự báo cách đây 2 tháng nhận định cuối năm nay giá tiêu có thể đạt 100.000 đồng/kg, hiện tại mức giá phổ biến đã tụt xuống dưới mốc 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu do nhu cầu thế giới suy giảm vì Covid-19 (trong đó có việc thương nhân Trung Quốc ngừng mua), trong khi vận tải tiếp tục khó khăn.

5 ngày đầu tháng 12/2021 Việt Nam xuất khẩu được 6.990 tấn, kim ngạch đạt 32,9 triệu USD. Lũy tiến từ đầu năm đến 15/12/2021, Việt Nam xuất khẩu được 252.881 tấn, kim ngạch đạt 899,7 triệu USD. Như vậy xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam không tăng mạnh như nhiều dự báo, thậm chí còn thấp hơn tháng 11/2021. Xuất khẩu tiêu trong nửa đầu tháng 11/2021 đạt 8.248 tấn các loại.

Cả 2 cột mốc, đạt 100.000 đồng/kg trong nước và cán đích 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay đều không đạt được. Vậy, sang năm 2022, hồ tiêu sẽ như thế nào?

Đánh giá chung về ngành hồ tiêu Việt Nam giai đoạn vừa qua, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, diện tích hồ tiêu đã tăng vượt gấp 3 lần so với quy hoạch. Năm 2017 cả nước có tới 152.000 ha trồng tiêu, khiến sản lượng tăng mạnh và đạt đỉnh năm 2019.

Khi cung vượt cầu ở mức cao đã đẩy ngành hồ tiêu rơi vào khủng hoảng giá và chạm đáy vào tháng 4/2020 với mức giá khoảng 35.000 đồng/kg. Đời sống người nông dân trồng tiêu gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020 lượng xuất khẩu đạt tới 285.292 tấn, nhưng kim ngạch mang về chỉ 660,569 triệu USD. Năm 2021, lượng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 260.000 tấn, nhưng kim ngạch đã vọt lên 950 triệu USD, giảm khoảng 9% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị...

Kết thúc năm 2021, ngành hồ tiêu đã dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Nhờ giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của ngành hồ tiêu đạt cao nhất kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán bởi xu hướng giữ tiêu trong dân cũng như giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

Hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hồ tiêu cũng đều có chung kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 do cung – cầu hồ tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.

Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khối này như: Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2021.

Còn với riêng thị trường Trung Quốc, ngoại trừ sự sụt giảm trong năm nay thì mỗi năm nước này đều nhập khẩu trên 50.000 tấn hồ tiêu từ Việt Nam.

Cùng với yếu tố cung – cầu, chi phí sản xuất tăng cao, nhất là phân bón, xăng dầu, giá cước vận chuyển…, cũng là những yếu tố làm tăng giá hồ tiêu trong năm 2022.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường cũng được cho là sẽ rất khó đoán bởi xu hướng giữ tiêu trong dân cũng như giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2022.

Giá tiêu thế giới hôm nay

Khảo sát giá tiêu sáng ngày 27/11/2021, giờ Việt Nam, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) giảm 33,35 Rupi/tạ, ở mức 41,300 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 12 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.

Hiện tại, phần lớn hồ tiêu trồng tại Campuchia đều được xuất khẩu, chỉ 5-7% được tiêu thụ trong nước.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia trong 11 tháng năm 2021 đạt 27.730 tấn, tăng 456,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm cả hồ tiêu gắn chỉ dẫn địa lý (GI) mang nhãn hiệu Kampot và các giống tiêu không gắn GI.

Trong đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất với 26.887 tấn, tiếp theo là Đức (497 tấn) và Thái Lan (180 tấn). Một lượng nhỏ hơn đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Trả lời Phnom Penh Post, ông Mak Ny, Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF), cho biết, thị trường cho các loại hồ tiêu không gắn GI năm nay tốt hơn so với năm ngoái.

Năm 2020 là thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện, gây ra những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khiến một số người trồng tiêu phải bỏ sản xuất, dẫn đến sản lượng giảm.

Bình luận