Chờ...

Giá xăng dầu hôm nay 11/5: Giá xăng dự báo sẽ tăng 1.500-1.900 đồng/lít vào chiều nay

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 11/5 tiếp đà lao dốc vì các biện pháp phòng COVID tại Trung Quốc và đồng USD tăng mạnh. Giá xăng trong nước dự báo tăng vào chiều nay.
Giá xăng dầu ngày 11/5/2022
Ảnh minh họa: internet

Giá xăng trong nước dự báo tăng vượt mốc 30.000 đồng/lít vào chiều nay 11/5

Chiều nay 11/5, giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh theo quy định. Các thương nhân đầu mối dự báo sẽ tăng rất mạnh.

Dự báo đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp với mức tăng có thể tới 1.500-1.900 đồng/lít tuỳ từng loại nếu không giảm trích lập và tăng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6-5 tăng mạnh so với kỳ tính giá trước. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5RON92) tăng lên 137,36 USD/thùng, xăng RON95 tăng lên 141,65 USD/thùng, dầu diesel 153,49 USD/thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho biết giá xăng thế giới những ngày gần đây xu hướng chung là tăng. Do đó, ở chu kỳ điều hành vào 11-5, giá xăng dầu trong nước được dự báo tăng theo giá xăng dầu thế giới.

Cụ thể, giá xăng dầu có thể tăng 1.500-1.900 đồng/lít tuỳ từng loại. Trong trường hợp cơ quan quản lý giảm trích lập, tăng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức tăng có thể thấp hơn. Đại diện doanh nghiệp cho rằng cơ quan điều hành sẽ chi quỹ bình ổn để tránh giá xăng dầu tăng sốc.

Giá xăng dầu thế giới lao dốc

Giá xăng dầu ngày 11/5, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,09% xuống 98,72 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng giảm 0,78% xuống 101,38 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 11/5/2022

Giá xăng dầu hôm nay 11/5: Giá xăng dự báo sẽ tăng 1.500-1.900 đồng/lít vào chiều nay 3

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/5), giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,2% xuống 99,76 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 3,28% xuống 102,46 USD. Cả hai loại dầu đều giảm phiên thứ hai liên tiếp và mất hơn 4 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu WTI đóng cửa dưới 100 USD/thùng, xuống mức thấp nhất trong hai tuần do triển vọng nhu cầu bị áp lực bởi việc phong tỏa tại Trung Quốc và nguy cơ suy thoái ngày càng tăng, trong khi USD mạnh khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Các chỉ số chính của Phố Wall cũng giảm trong phiên giao dịch biến động do lo ngại về thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Trong đầu phiên giao dịch, các bình luận từ Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia và UAE đã thúc đẩy dầu Brent và WTI tăng hơn 1 USD/thùng.

Ủy ban Liên minh Châu Âu cần có sự nhất trí để cấm nhập khẩu dầu từ Nga, Bộ trưởng của Pháp cho biết các thành viên EU có thể đạt được một thỏa thuận trong tuần này nhưng Hungary đã kiên quyết phản đối lệnh cấm vận.

Ngoài lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của G7 gần đây, Nhật Bản (quốc gia có 4% lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong năm ngoái) đã đồng ý bỏ dần các giao dịch này. Thời gian và phương pháp vẫn chưa được quyết định.

Về phía nguồn cung, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã giảm dự báo sản lượng dầu của nước này trong năm 2022 và 2023. Hiện nay họ dự kiến sản lượng năm 2022 đạt trung bình 11,9 triệu thùng/ngày so với ước tính trước đây 12 triệu thùng/ngày.

Tại Mỹ, tồn kho dầu thô, sản phẩm chưng cất và xăng có thể giảm trong tuần này, theo một thăm dò sơ bộ của Reuters.

Dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu của nhà máy lọc dầu Châu Âu ở mức 1 tỷ thùng trong tháng 4, giảm 10,3% so với cùng tháng năm trước nhưng gần mức trong tháng 3.

Trong khi đó nhu cầu ở Trung Quốc giảm mạnh do các đợt phong toả chống COVID và mức giá thấp của dầu thô Nga trên thị trường, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhiều lựa chọn hơn.

Đồng USD neo quanh đỉnh hai thập kỷ cũng gây áp lực đối với dầu thô, vì nó khiến mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác, theo Reuters.

Bình luận