Chờ...

Giúp doanh nghiệp tận dụng FTA Việt Nam-Hàn Quốc

(VOH)- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực được 3 tháng, tuy nhiên còn ít doanh nghiệp tận dụng hiệu quả những lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Công ty Cổ phần Rượu Bia Đà Lạt (DALATBECO) là doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong đó có Hàn Quốc. Một sản phẩm của DALATBECO tại Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2015 (Ảnh: Lan Hương)

Cần tận dụng lợi thế

Theo Hiệp định, Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 95% hàng hóa từ Việt Nam theo lộ trình. Trong đó, có đến 90% mặt hàng sẽ được gỡ bỏ thuế trong 15 năm từ khi hiệp định có hiệu lực (ngày 20/12/2015). Đặc biệt, các mặt hàng được gỡ bỏ thuế là nhóm hàng nông - thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, trái cây nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Điều đáng nói là số dòng thuế phía Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam nhiều hơn số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh và khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc.

Theo thỏa thuận trong hiệp định, Việt Nam cũng phải cắt giảm 89,2% số dòng thuế cho Hàn Quốc, chủ yếu là với các nhóm hàng công nghiệp. Việc cắt giảm thuế sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên kinh nghiệm hạn chế. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu biết thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của Hàn Quốc; tìm hiểu quy định về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu người tiêu dùng… từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, phương án sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bà Trần Thị Bích Chinh, Giám đốc Văn phòng đại diện tại Việt Nam Công ty Intexport cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc thì phải giữ được chất lượng tốt, ổn định lâu dài”.

Ông Lương Long Thắng, Giám đốc tài chính Công ty Ô Lam Việt Nam cho hay, công ty mới xuất khẩu sang Hàn Quốc mặt hàng cà phê hoà tan. Hiện tại công ty xem Hàn Quốc là một thị trường mới.

“Trước khi biết Hiệp định này được ký kết, doanh nghiệp Hàn Quốc đã sang làm việc với công ty nên tôi nghĩ mặt hàng cà phê hoà tan rất triển vọng. Họ không có nhiều thời gian nên cà phê hòa tan là sản phẩm mà mỗi gia đình cần khi sáng thức dậy”, ông Thắng nhận định.

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tốt về thông tin

Để giúp doanh nghiệp hai quốc gia tận dụng hiệu quả những lợi ích này, vừa qua, Trung tâm hỗ trợ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được khánh thành cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp 2 nước. 

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, việc thành lập trung tâm thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của chính phủ Hàn Quốc với tiềm năng phát triển và môi trường đầu tư tại TPHCM, là cơ hội cho dự án đầu tư triển khai trong thời gian tới.

Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng các Bộ ngành đưa ra bộ sách hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. 

Bộ Tài chính nhanh chóng có văn bản pháp lý hướng dẫn doanh nghiệp. Bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế Quốc tế, Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Chính cho biết: “Hiệp định sẽ thực hiện từng bước còn thông tư chính thức của Bộ Tài Chính là dạng văn bản pháp lý để xin mẫu xuất sang Hàn Quốc đã bắt đầu từ 01/01/2016”.

Ông Phạm Khắc Tuyên, trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương: “Hàn Quốc đăng tải toàn văn hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc lên trang web chính thức của chính phủ Hàn Quốc, trang web của Tổng Cục Hải quan để doanh nghiệp tra cứu xuất xứ hàng hóa, so sánh các cam kết của Hàn Quốc đối với các quốc gia khác.

Như vậy thông tin hoàn toàn mở, giúp doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam có sự chuẩn bị. Chúng ta đang cố gắng cung cấp thông tin này tuy không được như họ nhưng cũng gần bằng họ là tốt rồi!”.

Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 37,6 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 4 của Hàn Quốc và là điểm đến đầu tư ra nước ngoài đứng thứ 3 của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại đứng thứ 3 của Việt Nam và là quốc gia đầu tư đứng đầu của Việt Nam. Kỳ vọng từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc sẽ góp phần giúp tăng trưởng thương mại cho hai nước đạt khoảng 1,5 tỷ USD hằng năm.

Bình luận