Chờ...

Kết nối việc sản xuất hàng công nghiệp ở nông thôn với các kênh phân phối hàng nội địa

(VOH) - Sáng 3/12, Cục Công nghiệp địa phương, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị “Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại khu vực phía Nam”.

Tham dự hội nghị có bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Xuân Hạ - Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương và lãnh đạo 21 Sở Công Thương các tỉnh, các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội bán lẻ, các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn tại khu vực.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, sức mua yếu. Ảnh minh họa: baocongthuong

10 tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh có nhiều khó khăn: thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư sản xuất, giá cả hàng hóa biến động tăng, nhất là các mặt hàng xăng dầu, điện, than... đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng trong vùng. Một số tỉnh trong khu vực phía Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp/chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm 2011 cao hơn bình quân chung cả nước. Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Trong các sản phẩm công nghiệp phía Nam thì có những sản phẩm công nghiệp địa phương là những sản phẩm mà hiện nay chúng ta thấy rằng: Phát triển địa phương là chúng ta làm sao tạo được đầu ra cho công nghiệp địa phương. Ở hội nghị này, chúng ta cần phải có những tìm hiểu, đánh giá lại những mặt hàng nào, nhóm hàng nào. Trong chương trình hội nghị có 19 nhóm hàng cho các sản phẩm tại khu vực phía Nam và chúng ta cần đánh giá lại những sản phẩm nào hiện nay chúng ta sản xuất ra được, hỗ trợ để phát triển, sản xuất ra các sản phẩm đó. Còn làm sao để có đầu ra thì sản phẩm đó mới có thể phát triển bền vững được".

Về hoạt động thương mại trên địa bàn các tỉnh trong vùng thì vẫn được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra thường xuyên. Khai thác thị trường nội địa bằng các biện pháp tích cực như tuyên truyền và triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chợ Việt, bán hàng lưu động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của toàn vùng 10 tháng đầu năm 2012 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011, cả nước 10 tháng đầu năm tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo Bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, ngoài những mặt đạt được thì toàn vùng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Bà Minh Trâm nói: "Do những khó khăn nội tại của kinh tế cả nước vẫn tiếp tục tác động bất lợi đến sản lượng sản xuất công nghiệp. Tồn kho tăng cao, thiếu đơn hàng đã tác động đến sản xuất, khiến cho doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Thị trường bán lẻ đã mở cửa theo cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi vùng chưa có mạng lưới hoàn chỉnh các trung tâm thương mại, tổng kho bán buôn hiện đại để phân phối và làm đầu tàu lôi kéo ngành thương mại vùng phát triển".

Ngoài những khó khăn mà Cục Công nghiệp địa phương nêu ra thì theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TPHCM còn có những khó khăn khác nữa. Ông Phương cho biết: "Thực trạng sản xuất công nghiệp của các địa phương, các tỉnh, thành còn ở quy mô nhỏ, phần lớn mang tính tự phát. Chủ yếu là hoạt động trong công tác chế tác, cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương và địa phương lân cận. Rồi cơ sở hạ tầng, trình độ lao động chưa theo kịp được sản xuất công nghiệp hiện đại quy mô lớn. Chất lượng hàng hóa thì cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ còn để xuất khẩu cũng rất khó, thành ra thị trường xuất khẩu cũng gần như là không có. Như vậy, đối với thị trường trong nước, quan trọng vấn đề là hệ thống phân phối, hệ thống phân phối ngay tại các địa phương thì phải nói là thị trường manh mún, nhỏ lẻ, sức mua của thị trường rất thấp".

Tại hội nghị, các hiệp hội và các doanh nghiệp đã có một vài ý kiến để Chính phủ giúp các doanh nghiệp trong vùng phát triển bền vững, như là tạo mọi điều kiện để kích thích phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu. Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch xuất khẩu theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Triển khai giải pháp hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ theo quy hoạch, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm. Phối hợp tốt phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ và cửa khẩu, tạo môi trường thông thoáng trong lưu thông hàng hóa xuất khẩu, cải tiến các thủ tục thông quan, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan trong xuất khẩu và hưởng các ưu đãi thuế quan trong hội nhập...

Qua hội nghị, đại diện Bộ Công Thương đã lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất từ địa phương và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiêu thụ hàng hóa công nghiệp nông thôn tại thị trường nội địa, tạo việc làm cho người dân khu vực nông thôn và góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Bình luận