Kinh doanh bệnh viện - vấn đề không đơn giản
(VOH) - Từ chủ trương xã hội hóa y tế của Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm khá nhiều bệnh viện tư cũng như phòng khám đa khoa mọc lên đáp ứng yêu cầu chữa bệnh của người dân. Nếu nhìn từ bên ngoài, nhiều người vẫn nghĩ, kinh doanh bệnh viện có vẻ dễ dàng, bởi nhiều bệnh vịên sau nhiều năm thành lập thì nở nồi và phát triển thành hệ thống. Tuy nhiên, việc kinh doanh ngành được xem là đặc biệt này lại không hề đơn giản.
Cả nước hiện có gần 70 bệnh viện tư nhân, gần 30.000 phòng khám y tế tư nhân, 21.600 quầy thuốc tư và đại lý dược. Hoạt động y tế tư nhân đã chia sẻ 60% số lần khám bệnh ngoại trú cho các cơ sở y tế nhà nước. Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác này đã đạt được một số kết quả đáng mừng, nhất là trong đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ việc khám, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện tư bây giờ khá đông bệnh nhân nên người ta nghĩ có lẽ đây là một lĩnh vực hái ra tiền, nhưng trên thực tế thì không phải vậy.
Khoa phụ sản của bệnh viện ĐH Y Dược được thành lập từ năm 2001 với vốn đầu tư từ Công ty TNHH khách sạn Mê Kông nên cơ sở vật chất tương đối khang trang, nhiều sản phụ tìm đến đây như một nơi có dịch vụ sinh nở uy tín, chính bệnh viện đã góp phần giảm tải phần nào cho các bệnh viện phụ sản của thành phố. Nhiều năm kinh doanh, bây giờ khoa phụ sản của bệnh viện bắt đầu có lãi nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Thạc sĩ Tạ Nam Bình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Mê Kông cho biết:
Các cơ sở y tế tư nhân hiện nay được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, tuy nhiên vấn đề mà không ít bệnh viện tư đang gặp phải hiện nay, đó là khó khăn về nguồn nhân lực. Các bác sĩ bệnh viện công lương bổng thấp hơn nhưng bù lại họ được đào tạo và cập nhật về chuyên môn thường xuyên. Còn đội ngũ bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, điều dưỡng… tại hệ thống y tế tư nhân hầu như không được tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hoặc nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Nhiều nhà quản lý các bệnh viện tư than phiền rằng, họ rất ít khi được các Sở Y tế mời tham gia các hội nghị khoa học chuyên ngành để cập nhật kiến thức mới cho bác sĩ, nhân viên bệnh viện.
Sự liên kết lỏng lẻo giữa hệ thống y tế công và tư hiện nay cũng gây ra những khó khăn nhất định cho công tác khám chữa bệnh của các bệnh viện tư nhân. Một số bệnh viện công thiếu nhiệt tình trong việc hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí cả hỗ trợ về máu để cứu chữa cho người bệnh đang điều trị ở bệnh viện tư. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngụ, phụ trách phòng khám Nhi Đồng Việt - 417 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận tâm sự:
Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ hoạt động đã nhiều năm nay, vậy mà khi đặt vấn đề về kinh doanh và điều hành bệnh viện, chính bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Y Khoa Hoàn Mỹ, đơn vị chủ quản của bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ cũng không nén nổi tiếng thở dài, bởi để đi đến được ngày hôm nay, bệnh viện cũng gặp biết bao nhiêu khó khăn. Ông Tùng cho biết thêm:
Từ năm 2009, nhiều rào cản trong hoạt động y tế tư nhân sẽ được gỡ bỏ bởi chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế. Những doanh nghiệp này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động, thay vì mức 28% hiện nay; doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế tối đa 4 năm thay vì 2 năm hiện nay và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
Không ít người cho rằng, với những ưu đãi này, đầu tư vào lĩnh vực y tế có thể mang lại lợi nhuận gia tăng lâu dài. Nhưng các chuyên gia quản lý y tế khuyến cáo rằng, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng và nên cân nhắc kỹ càng trước khi đầu tư vào lĩnh vực “kinh doanh sức khỏe”. Thạc sĩ Tạ Nam Bình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Mê Kông - Bệnh viện Đại học Y Dược lấy ví dụ: Một bệnh viện nọ có tổng vốn đầu tư 380 tỷ đồng với 200 phòng, một phòng bệnh cao lắm cũng chỉ có thể thu về khoảng 1 triệu đồng/ đêm. Trong khi với số vốn này có thể xây dựng một khách sạn 6 sao, số tiền thu về từ 300 USD đến 400 USD/ngày. Một con số chêch lệch đáng kể, ngoài ra nếu xây dựng bệnh viện thì còn phải chi phí rất nhiều cho trang thiết bị, máy móc, nhân lực.
Như ý kiến của người trong cuộc thì khi đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm như y tế cần phải cân đong đo đếm kỹ lưỡng. Xã hội hoá y tế sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của mình, nhưng nếu chỉ chú trọng đến việc thu chi hay lời lỗ trong kinh doanh mà không quan tâm đến các yếu tố khác như chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng thương hiệu uy tín thì cũng không thể tồn tại lâu dài, bởi suy cho cùng đã là kinh doanh thì bệnh nhân cũng là khách hàng./.
Huệ Phương