Chờ...

Tẩy chay hàng nhái, hàng giả là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

(VOH) - Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia và là mối quan tâm chung của thế giới. Vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn còn cao, các mặt hàng bị làm giả ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, tổn thất cho nền kinh tế.

Nhân ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, phóng viên Đài TNND TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP.HCM.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay có chủ đề là gì?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP.HCM (ảnh: doanhnhandatviet)

Ông Nguyễn Thanh Bình: Vào ngày sở hữu trí tuệ 26/4, tổ chức sở hữu trí tuệ đều ra một chủ đề riêng hằng năm xoay quanh các hoạt động sáng tạo và đổi mới, chủ đề của ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là sáng tạo thế hệ kế tiếp, đây là một chủ đề hết sức gợi mở. Máy tính sẽ nhỏ hơn bây giờ rất nhiều, tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của con người, các suy nghĩ, học tập và làm việc cũng như hưởng thụ. Những gì bị cho là khoa học viễn tưởng thì nay đã thành hiện thực và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong tương lai, sẽ đột phá những công nghệ nào, có những dòng nhạc nào xuất hiện, ai sẽ là những nhà sáng tạo của thế giới trong tương lai. Tất cả những cái đó mở ra những chủ đề rất gợi mở và đặt trách nhiệm cho thế hệ trẻ.



PV: Những hoạt động được triển khai tại TP.HCM để hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Cục sở hữu trí tuệ cũng tổ chức tuần lễ sở hữu trí tuệ góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Trong đó tổ chức bàn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, phối hợp với các Sở ban ngành ở các tỉnh phía Nam tổ chức các hội thảo nói về ngày sở hữu trí tuệ 26/4. Hội thảo tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm sao để họ biết cách hưởng lợi được từ hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và sở hữu trí tuệ thế giới.

PV: Theo thống kê, Việt nam vẫn là nước có tỉ lệ vi phạm sở hữu trí tuệ cao, Cục sở hữu trí tuệ đã có những hoạt động gì nhằm kéo giảm thực trạng này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những là ở Việt Nam mà trên thế giới các quốc gia cũng bỏ ra rất nhiều tiền của để khắc phục vụ vấn nạn này nhưng kết quả thì vẫn chưa được như mong muốn. Về phía cục sở hữu trí tuệ chúng tôi tiếp tục đưa ra các giải pháp, tiếp tục sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, theo hướng thống nhất giữa các văn bản dễ hiểu, dễ áp dụng nhất, đặc biệt là các văn bản phải có tính răn đe cao hơn nữa.
Về lâu dài và thường nhật, tiếp tục công tác đào tạo có chiều sâu hơn nữa về pháp luật sở hữu trí tuệ cho cộng đồng nói chung cũng như cho đội ngũ cán bộ công chức của lực lượng thực thi. Các cơ quan Nhà nước cần minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đấu tranh chống hàng giả. Cơ quan nhà nước tăng cường kiểm tra hàng giả, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng, các doanh nghiệp phải chủ động tăng cường công tác tuyên truyền cũng như phối hợp với các cơ quan nhà nước và các hiệp hội trong việc đấu tranh chống hàng giả.

PV: Thưa ông, những khó khăn trong việc bảo đảm và thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay ra sao?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Việt nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, rào cản thương mại được dỡ bỏ, do vậy các chủng loại và số lượng hàng hóa của nhiều quốc gia tràn ngập vào Việt nam, thật sự đây là môi trường lý tưởng cho hàng giả hàng nhái, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thì hàng giả, hàng nhái ngày càng được sản xuất bằng công nghệ cao. Về mặt khách quan thì Việt Nam có đường biên giới rất phức tạp, có rất nhiều trung tâm làm hàng giả ở bên ngoài và đưa vào nước ta. C
ó 5 cơ quan có cùng chức năng xử phạt vi phạm về sở hữu trí tuệ, khi có sự phát hiện về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp nói rằng họ không biết đâu là cơ quan chịu trách nhiệm chính xử lý các vi phạm này. Chồng chéo về chức năng nhiệm vụ dẫn đến hiện tượng dễ thì làm khó thì bỏ.

PV: Theo ông nhận thức của người dân trong vấn đề sở hữu trí tuệ hiện nay ra sao? thực tế trên thị trường vẫn còn nhiều người sử dụng băng đĩa lậu, sách phô tô hoặc hàng giả, nhái, kém chất lượng, ông có lời khuyên gì đối với các trường hợp sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Người tiêu dùng không biết mình thành người tiêu dùng thông thái mua hàng ở những địa điểm không chính thống không phải là hàng chính hãng. Tôi không đề cập đến việc mua hàng có giá trị hay không giá trị nhưng phải có thói quen mua hàng có nhãn hiệu, hàng được bảo vệ. Chính hành động mua hàng giả, hàng nhái là tiếp tay cho hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng tẩy chay thì chắc chắn hành vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ không còn đất sống.

PV: Vâng xin cảm ơn ông
.

Bình luận