Chờ...

Thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp

(VOH) - Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, bên cạnh vai trò của Chính phủ, địa phương trong việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp là yếu tố quan trọng.

Nghe bài viết

Trong cuộc khảo sát với chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp” do Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM), Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện, kết quả là Việt Nam đứng thứ 7 trong 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đi vào hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cộng đồng kinh tế  ASEAN,… có hiệu lực, sẽ tạo thuận lợi trong thương mại và trong đầu tư. Điều này sẽ tạo được một làn sóng đầu tư thứ hai ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Điểm cốt yếu khi nói đến tinh thần quốc gia khởi nghiệp và doanh nghiệp hay cá nhân khởi nghiệp là nói đến tư duy sáng tạo, sáng tạo không ngừng nghỉ. Ảnh: chinhphu

Tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, đánh giá: "Khi hội nhập TPP thì tôi tin là sẽ có một lớp trẻ ra đời như là khi đất nước chúng ta đổi mới có hàng lớp doanh nhân mới. Như vậy, khi hội nhập thì sẽ có hàng loạt các bạn trẻ đang mong muốn trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp,… Vấn đề quan trọng là thế hệ trước có vươn cánh tay để dìu dắt thế hệ trẻ và các chính sách như thế nào để làm bà đỡ, tạo ra nhiều doanh nhân. Thật ra, khi Việt Nam hội nhập, vấn đề không phải là nội lực hay tính cạnh tranh của doanh nghiệp mà chúng ta vẫn không đủ một lực lượng doanh nghiệp tương tác với sự hội nhập với các nước ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô từ trung bình trở lên".

Hiện nay, Việt Nam mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ yếu và thiếu về vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị nên phải cạnh tranh rất quyết liệt với các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến. Do đó, khái niệm khởi nghiệp không chỉ dành cho các bạn trẻ mới ra trường mà ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động cũng cần hiểu rõ hơn về khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM, cho rằng: "Câu chuyện tạo điều kiện để khởi nghiệp, dấy lên tinh thần khởi nghiệp là cả nước. Nhưng, trước hết cần có nhận thức về khởi nghiệp, đối với các doanh nghiệp cũng phải với tinh thần khởi nghiệp, và đối với những cán bộ - công chức cũng phải có tinh thần khởi nghiệp. Bởi vì một doanh nghiệp hiện nay với dòng đời sản phẩm và phải luôn luôn suy nghĩ đến quá trình đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng đổi mới tiến bộ công nghệ để chất lượng ngày càng nâng lên và thương hiệu ngày càng khẳng định. Sự suy nghĩ này là liên tục, khởi nghiệp thể hiện ở chính chỗ như vậy".

Hỗ trợ nguồn vốn

Các chuyên gia nhận định, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và rộng hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, câu chuyện nguồn vốn để khởi nghiệp cũng khiến nhiều người lo lắng. Do vậy, ngân hàng phải là nơi quan trọng cần đứng ra tham gia tài trợ vốn cho những tinh thần khởi nghiệp này để tạo thành làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ.

"SHB cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp đã có hội đồng thẩm định và hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án sinh viên khởi nghiệp, tư vấn và tài trợ vốn cho họ. Các sinh viên trong các trường đại học thì ý tưởng khởi nghiệp của họ rất hay, tuy nhiên các bạn có ý tưởng phải đồng hành với doanh nghiệp, những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đi trước để tư vấn cho họ trong thực hiện ý tưởng, đưa ý tưởng đó vào thực tiễn, triển khai phương án sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đầu ra.

Chúng ta sẽ thực hiện liên kết 4 nhà, các bạn sinh viên là ý tưởng, các nhà doanh nghiệp chuyên về sản xuất cùng với ngân hàng sẽ tài trợ và cùng với đầu ra của sản phẩm nữa", ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn- Hà Nội (SHB), cho hay.

Trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm là mô hình rất có hiệu quả được thiết lập nhằm tạo kênh tài chính bổ sung cho tín dụng ngân hàng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, cũng cần phải có những chính sách rất cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đặc biệt là phải có chính sách cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong xu thế hội nhập hiện nay.

Bình luận