Header-01
Đăng nhập

Vấn đề hôm nay: Nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường

(VOH) - Để xây dựng một thương hiệu thành công, doanh nghiệp phải tốn không ít thời gian và công sức, thế nhưng khi phát hiện sản phẩm nhái thương hiệu của mình thì việc đầu tiên doanh nghiệp thường làm là đến cơ quan chức năng như quản lý thị trường để trình bày sự việc.

Vấn đề hôm nay: Nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường

img thumbXem toàn màn hình
Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi rất khó phân biệt.
(VOH) - Để xây dựng một thương hiệu thành công, doanh nghiệp phải tốn không ít thời gian và công sức, thế nhưng khi phát hiện sản phẩm nhái thương hiệu của mình thì việc đầu tiên doanh nghiệp thường làm là đến cơ quan chức năng như quản lý thị trường để trình bày sự việc. Một cán bộ quản lý thị trường cho biết, việc xác định hàng thật hàng giả luôn là thách thức với cán bộ thực thi nhiệm vụ, các đội quản lý thị trường thường phải phối hợp với doanh nghiệp bị làm giả để kiểm tra và xử lý vi phạm, nhưng xem ra hàng nhái, hàng giả vẫn tràn lan. Và thế là ngày càng nhiều người tiêu dùng dích hàng giả. Một khách hàng cho biết:






Còn đối với doanh nghiệp thì khá mệt mỏi khi hàng nhái tràn ngập thị trường, nhất là các nhãn hàng có sức tiêu thụ mạnh. Các sản phẩm cho giới nữ thường bị giả khá nhiều, chẳng hạn như kềm Nghĩa, dụng cụ làm đẹp từ lâu được biết đến với chất lượng tốt, có mặt rộng khắp trong và ngoài nước, là sản phẩm có lượng hàng xuất sang thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao. Đây là mặt hàng đặc trưng và phải có công nghệ hiện đại trong xử lý thành phẩm, sản phẩm phải bóng mượt và đảm bảo độ sắc, dễ dàng cho người sử dụng. Ở sản phẩm giả thường gia công sơ sài song lại gắn bao bì, nhãn mác giống y hệt sản phẩm thật nên nếu không chú ý thì việc nhầm lẫn khó mà tránh khỏi. Do đó, để chống hàng nhái, mới đây kềm Nghĩa đã trang bị thiết bị dập nổi logo đơn vị lên từng sản phẩm và in ngày sản xuất lên những nơi gồ ghề trên bao bì, mà các đối tượng làm giả khó thực hiện được, đồng thời niêm yết giá bán đồng loạt trên toàn quốc.

Hay như thương hiệu Triump. Đây là thương hiệu có mặt hầu hết ở các chợ, cửa hàng dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo những người am hiểu về mặt hàng này không ít trong số đó là các sản phẩm giả hiệu.

Ngoài những sản phẩm trên thì còn rất nhiều thương hiệu như Việt Tiến, Tribeco… và cả thương hiệu lớn trên thế giới là Sony, Honda cũng là đích ngắm của các đối tượng làm giả. Theo thống kê của Chi cục quản lý thị trường TPHCM, trong năm ngoái lực lượng của chi cục đã xử lý hơn 500 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ. Chiếm phần lớn là hàng giả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với 490 vụ, còn lại là những vi phạm về bản quyền và kiểu dáng. Điều này cho thấy tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái còn phức tạp và không dễ phát hiện. Các đối tượng ngày càng tinh vi trong hoạt động, chính vì vậy đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa biện pháp trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật ngiêm các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn là hiện chúng ta chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn hàng vào các chợ, siêu thị cho nên không ít người vì lợi nhuận sẵn sàng trưng bày hàng thật xen lẫn hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng.


Hàng giả tràn ngập, gây mất uy tín nhà sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy việc khẳng định thương hiệu của các sản phẩm trong nước trên thị trường là thách thức cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, nạn hàng giả lộng hành không những làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của các thương hiệu trong nước mà sẽ là lực cản không nhỏ cho việc phát triển tên tuổi ở các sản phẩm chất lượng. Cuộc chiến chống hàng giả lâu nay vốn cam go thì giờ đây càng khó khăn, song đây cũng là thời điểm mà cần đánh mạnh hơn nữa vào vấn nạn này. Doanh nghiệp cần tự cứu lấy mình và không ngừng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để tăng cường dẹp nạn hàng giả, hàng nhái, tạo môi trường hàng hóa chất lượng, trong sạch hơn.
 

Đình Sang
 

Bình luận