Theo đó, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện miền núi tại khu vực Bắc Bộ.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, ngày và đêm 31/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 180mm.
Ngày và đêm 1/8, ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Mưa lớn ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 02/8 với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
Thống kê cho thấy, từ 9 giờ ngày 30/7 đến 9 giờ ngày 31/7, khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Thầu 134,8 mm (Lai Châu);Tả Giàng Phình 137 mm (Lào Cai); Kiên Lao 126,6 mm (Yên Bái); Tiến Bộ 202,2 mm (Tuyên Quang); Cẩm Khê 123,4 mm (Phú Thọ); Yên Phong 258,8 mm (Bắc Kạn); Trung Hội 410,2 mm (Thái Nguyên); Lạng Sơn 191,7 mm (Lạng Sơn); Cẩm Phả 167,2 mm (Quảng Ninh).
Mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí an toàn hơn.