Header-01
Đăng nhập

Xâm nhập mặn sẽ đến sớm, người dân cần chủ động ứng phó

(VOH) - Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những cơn bão cuối năm nhưng mùa lũ năm 2021 vẫn được đánh giá là mùa lũ thấp.

Cũng chính vì vậy, mùa khô tới đây được dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Xung quanh dự báo về tình hình hạn mặn trong thời gian tới, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM có nội dung trao đối với Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam.

xâm nhập mặnXem toàn màn hình
Xâm nhập mặn sẽ đến sớm người dân cần chủ động ứng phó

* VOH: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình lũ trên Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, đặc biệt khi có sự xuất hiện các cơn bão muộn - ảnh hưởng đến lượng mưa trên thượng nguồn sông Mekong?

- Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Ngay từ đầu mùa mưa, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam đã nhận định lũ năm 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc năm lũ nhỏ.

Kết quả giám sát theo dõi đến thời điểm hôm nay mực nước cao nhất ở Tân Châu cũng xuất hiện ở mức 2.5 mét, thấp hơn mức báo động 1 khoảng 1 mét. Mực nước ở Tân Châu có thể xuất hiện mức cao nữa là thời điểm từ 20 đến 22 tháng 10, trùng với thời kỳ triều cường ngoài biển Đông. Có thể nói, lũ năm nay là một năm lũ nhỏ so với những năm qua.   

* VOH: Với đặc điểm mùa nước lũ như hiên nay, ông đánh giá tình hình hạn mặn vào mùa khô năm tới?

- Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Thông thương các năm lũ nhỏ thì mùa khô năm kế tiếp 2021-2022 sẽ xảy ra tình trạng xâm nhập mặn. Tình trạng xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng 25-30 ngày so với trung bình các năm.

Tuy nhiên, tình trạng mặn của mùa khô 2021-2022 sẽ không gay gắt như năm 2019-2020. Vẫn có những thời điểm xuất hiện mặn cao, bà con cần chú ý chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.   

* VOH: Ông có khuyến cáo gì với  bà con nông dân, để có thể sản xuất, canh tác hiệu quả, đồng thời thích ứng tốt với sự biến đổi khí hậu?

- Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Với tình hình nguồn nước ít, khả năng xảy ra hạn mặn cao hơn so với trung bình nhiều năm, người dân cần chú ý, tuyệt đối tuân thủ theo lịch thời vụ của các cơ quan chức năng, của địa phương. Tuyệt đối người dân không nên tự ý sản xuất để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại.

Ngoài ra, bà con nên chủ động tích trữ tối đa trong các mương nước, các ao có sẵn trong khu vực ruộng vườn của gia đình mình. Đấy là những giải pháp người dân nên chủ động ngay khi cuối mùa mưa. Khi lấy nước tưới cho cây trồng trong mùa hạn mặn cần chú ý kiểm tra chất lượng chặt chẽ độ mặn trong nước để tránh những biến động đột ngột của độ mặn làm ảnh hưởng đến vườn cây.

Bà con cũng nên theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo của các cơ quan chuyên ngành để chủ động kịp thời, ứng phó với sản xuất. Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam hàng tháng, hàng tuần đều có bản tin dự báo gửi Tổng cục Thuỷ lợi, các địa phương và đăng trên website của Viện.     

* VOH: Cám ơn ông.

Bình luận