Chờ...

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện

(VOH) - Chiều 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 149 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong hơn 2 năm qua, các cấp, các ngành đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện. Mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là các kênh cung ứng dịch vụ trên nền tảng hiện đại như điện thoại di động, internet.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng hơn, hiện đại hơn, an toàn, tiện lợi hơn với chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhờ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện.

Các cấp, các ngành tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện và giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết tài chính cho người dân. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Đặc biệt, một số giải pháp rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp thực hiện như: Ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC); triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money), xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện 1
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho mọi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn lực tài chính cần thiết cho phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống nhân dân, thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

Thủ tướng đồng tình với nhận định, đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ, còn nhiều khó khăn và thách thức cần lời giải phù hợp, hiệu quả, để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính phát triển còn chưa đồng đều, cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các chủ thể, các kênh phân phối, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại có nhiều ưu điểm nhưng cần phù hợp để người dân vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận và sử dụng. Hạ tầng tài chính cần tiếp tục nâng cao chất lượng và kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng số, khắc phục tình trạng vùng lõm về sóng viễn thông.

Đặc biệt, phải cải thiện được hiểu biết và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, khiến người dân thấy được sự tiện ích, an toàn thì họ mới tin và sử dụng.

Theo Thủ tướng, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, bao trùm. Điều này khẳng định sự quyết tâm, sẵn sàng tiếp cận những vấn đề mới để triển khai thành công tài chính toàn diện ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận toàn diện hơn trong thực hiện Chiến lược. Theo đó, người dân là trung tâm, là chủ thể của Chiến lược, nhất là những người yếu thế, người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tích cực tham gia vào việc thực hiện các chính sách. Người dân cần được tiếp cận tài chính toàn diện để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ngược lại, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, thì người dân phải đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược.

Thủ tướng nêu rõ, ngành tài chính ngân hàng cần chủ động đưa ra các giải pháp đi cùng, gắn kết, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vai trò của tài chính toàn diện ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, nâng cao khả năng ứng phó, vượt qua những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.

Nhấn mạnh quan điểm Trung ương và địa phương, người dân, doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm, các cấp đều phải hành động, mỗi người đều phải tham gia, huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, báo cáo tình hình triển khai Chiến lược gửi Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo bộ, ngành mình tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước-Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ; tổ chức theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng lưu ý làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về tài chính toàn diện, nhất là truyền thông để mỗi người nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng; tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm gia tăng nguồn lực cho việc thực thi Chiến lược.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn triển khai chính sách về bảo hiểm vi mô; bảo lãnh tín dụng, đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp đối với thu, nộp thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính, trong đó có thu phí không dừng đường bộ.

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của tất cả các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Bộ Công an đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định về định danh và xác thực điện tử để có căn cứ pháp lý triển khai kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các cơ quan, tổ chức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ việc lồng ghép giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động tăng cường hợp tác tài chính trong khuôn khổ các chương trình, diễn đàn quốc tế có nội dung về tài chính toàn diện, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy tài chính toàn diện một cách thiết thực, hiệu quả, chủ động lồng ghép các mục tiêu về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở cấp cơ sở, góp phần thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bình luận