Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 12/12: Số nhà đủ điều kiện bán năm 2019 giảm còn một nửa so với 2017

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 12/12 có những nội dung nổi bật sau: Kiến nghị không tăng khung giá đất để ổn định thị trường; Giá đất Nhơn Trạch tăng 300% vẫn hút nhà đầu tư…

Số nhà đủ điều kiện bán năm 2019 giảm còn một nửa so với 2017

Theo báo cáo của Batdongsan.com, diện tích sàn xây dựng hoàn thành của cả nước năm 2017 là trên 9 triệu m2, đến năm 2018, giảm xuống còn khoảng 6 triệu m2, và năm 2019 chỉ còn khoảng 3 triệu m2.

Số căn đủ điều kiện bán 2017 là trên 80.000 căn hộ, đến 2019 chỉ còn khoảng 40.000.

Về một số phân khúc cơ bản của thị trường, đại diện Batdongsan.com cho biết, phân khúc chung cư có điểm chung lớn giữa Hà Nội và TP. HCM, đó là sự giống nhau về lượng tin đăng và mức độ quan tâm ở phân khúc bình dân.

Kiến nghị không tăng khung giá đất để ổn định thị trường

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) mới đây có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành, đề nghị sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 tốt nhất là giữa tháng 12/2019 để các tỉnh và thành phố có căn cứ pháp luật và đủ thời gian để xây dựng, ban hành giá đất áp dụng kể từ ngày 1/1/2020.

Để việc tăng khung giá đất không tác động đến thị trường bất động sản, HoREA đề xuất 2 phương án cho giai đoạn 2020-2024. Trong đó, phương án đầu tiên HoREA mong muốn Chính phủ xem xét, ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019.

Phương án thứ 2, trong trường hợp buộc phải tăng khung giá đất giai đoạn 2020-2024 thì Chính phủ xem xét quyết định mức giá chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.

Trong 2 phương án trên, HoREA kiến nghị chọn phương án đầu tiên để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.

Trường hợp tăng khung giá đất tăng, kéo theo bảng giá đất tăng, nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. Khi đó, một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ, dẫn đến giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng thị trường ngầm. Nhà nước vừa thất thu thuế, khó quản lý và dễ phát sinh tranh chấp.

HoREA cũng cho rằng, nếu khung giá đất và bảng giá đất tăng sẽ tác động đến giá cả thị trường bất động sản. Theo đó, giá nhà ở sẽ tăng cao vì tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư,  30% giá thành nhà phố và 50% giá thành biệt thự.

Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, mức giá của khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó có nhà ở hơn.

Ngoài ra, nếu biên độ tăng giá trong Khung giá đất, Bảng giá đất quá lớn thì có thể dẫn đến việc tận thu. Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể lợi bất cập hại, bởi vì có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp hơn quy mô sản xuất kinh doanh, người dân không làm được "sổ đỏ" dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước.

Đồng Nai: Giá đất Nhơn Trạch tăng 300% vẫn hút nhà đầu tư

Ăn theo cơn sốt đất tại khu vực tiếp giáp sân bay Long Thành và cầu Cát Lái, đất nền Nhơn Trạch dù có nơi tăng giá lên đến 300% song vẫn không ngừng hút dòng tiền từ giới đầu tư...

Ba năm gần đây, giá đất tại Nhơn Trạch được đẩy lên chóng mặt do ảnh hưởng từ cơn sốt sân bay Long Thành, Đồng Nai. Đáng chú ý là từ khi xuất hiện thông tin Thủ tướng chấp thuận cho Đồng Nai đầu tư xây cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch và Quận 2 thì giá đất tại đây lại càng được đẩy lên chóng mặt.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý, ghi nhận tại các phòng công chứng và các khu vực phân lô bán nền, khách hàng đến giao dịch mua bán và làm thủ tục đăng bộ rất đông đúc.

Theo khảo sát, giá đất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai đã tăng 100 - 200% chỉ trong 3 năm. Có những nơi tăng đến 300%. Nhiều lô đất trước đây giá chỉ khoảng 200 triệu giờ đã vọt lên 900 triệu.

Theo ghi nhận, giá đất tại một số xã như Đại Phước, Phú Đông, Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Long Tân Thọ… đều đã tăng lên rất cao. Điển hình như xã Đại Phước giá đất nền giao dịch tầm  20 - 25 triệu/m2 nền đất ở và 2 - 3 triệu/m2 nền đất nông nghiệp. Xã Phú Đông đất nền dao động từ 16 - 18 triệu và từ  900 - 1,4 tỷ/1.000 m2 đất nông nghiệp. Xã Vĩnh Thanh có giá từ 15 - 16 triệu/m2 nền đất ở và 1,2 - 3 triệu/m2 đất nông nghiệp. Xã Phước Khánh giá ghi nhận từ 14 - 17 triệu/m2 và 600 - 800 triệu/1.000 m2 đất nông nghiệp.

Theo ông Dương Chí Hùng - Chủ tịch UBND xã Phú Đông, việc nhà đầu tư đổ tiền vào đất nông nghiệp theo cơn sốt đất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đất nông nghiệp của xã trước đây sang nhượng chỉ khoảng 300 - 400 triệu đồng/sào, nhưng giờ giá đã tăng gấp 2, 3 lần. Thời gian qua, Đồng Nai tiến hành bồi thường đất theo từng dự án, mỗi dự án sẽ có giá bồi thường khác nhau. Nhưng đối với đất nông nghiệp giá bồi thường cao nhất cũng chỉ hơn 300 triệu đồng/sào.

Do đó, theo tính toán của nhà đầu tư là bỏ tiền từ trên 1 tỷ để đầu tư đất nông nghiệp và chờ đợi bán ra giá cao hơn là bài toán khá phiêu lưu. Vị này khuyến cáo nhà đầu tư khi mua đất ở khu vực đang sốt đất thì nên đến chính quyền địa phương để tìm hiểu kỹ về quy hoạch trước khi xuống tiền.

Lợi thế phát triển bất động sản của Cần Thơ

Tiếp nối xu hướng vươn lên của bất động sản các khu vực lân cận TP HCM, ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc LDG Group cho biết, Cần Thơ sẽ là thị trường tiếp theo hội tụ nhiều lợi thế phát triển.

Thừa hưởng kinh nghiệm từ các thị trường truyền thống, chính quyền Cần Thơ đang thay đổi cơ chế và tạo điều kiện về thủ tục để đón chào các nhà đầu tư.

"Nếu như ở các thị trường lớn như TP HCM, Đồng Nai hay Bình Dương, một dự án cần 3 - 4 năm mới đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý để triển khai ra thị trường thì ở Cần Thơ, khoảng thời gian này rút ngắn hơn rất nhiều", ông Khang nhận xét.

Theo một đơn vị môi giới bất động sản, bên cạnh Cần Thơ, đà sôi động của thị trường bất động sản còn lan sang các khu vực xung quanh như Long Xuyên, Vĩnh Long, Hậu Giang. Nếu tận dụng lợi thế tốt, khu vực miền Tây sẽ trở thành điểm hút nguồn vốn đầu tư vào bất động sản trong tương lai. Trong đó, Tây Đô với vai trò trung tâm, đang có nhiều cơ hội để phát triển và tạo lập một thị trường riêng.

Đồng Nai duyệt đầu tư 2 dự án nhà ở gần 1.400 tỷ đồng

HĐND tỉnh Đồng Nai vừa duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở có tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng tại kỳ họp cuối năm 2019...

Theo đó, diện tích các dự án này lên tới gần 65 ha tại các địa phương thành phố Long Khánh và huyện Nhơn Trạch.

Đó là các dự án Khu trung tâm hành chính – văn hoá – giáo dục - thể dục thể thao kết hợp xây dựng chợ, khu phố chợ và công viên cây xanh tại xã Phú Thạch, huyện Nhơn Trạch và dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh.

Hai dự án này thuộc trường hợp dự án phát triển nhà ở được chấp thuận đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và thuộc diện UBND cấp tỉnh phải xin ý kiến Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo đó, dự án Khu trung tâm hành chính – văn hoá – giáo dục - thể dục thể thao kết hợp xây dựng chợ, khu phố chợ và công viên cây xanh tại xã Phú Thạch có diện tích sử dụng đất khoảng 48,18 ha bao gồm 2 khu 27,5 ha và 20,6 ha. Quy mô dự án xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội…Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 856 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch đóng vai trò làm chủ đầu tư.

Tương tự, dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh cũng có quy mô lớn. Dự án này có diện tích 16,69 ha. Số lượng nhà ở xã hội là 1.054 căn. Trong đó 462 căn nhà ở xã hội chung cư và 591 căn nhà ở xã hội liên kế. Dự án này cũng có 136 căn nhà ở thương mại liên kế. Quy mô dân số khoảng 3.700 – 4.200 người. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 548 tỷ đồng và do Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Thành Thắng làm chủ đầu tư.

Sắp lên đô thị loại I, phố núi Pleiku hút nhà đầu tư BĐS

Pleiku đặt mục tiêu lên đô thị loại I trong năm 2020. Đây được xem là động lực lớn thúc đẩy thị trường bất động sản phố núi phát triển sôi động trong thời gian tới.

Là thành phố lớn thứ 3 tại Tây Nguyên, những năm gần đây Pleiku đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, trở thành một thành phố trẻ năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Theo đó, Pleiku sẽ phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, trọng tâm là dịch vụ du lịch và công – lâm nghiệp. Khu vực nội đô là nơi tập trung các chức năng quan trọng như hành chính – chính trị, kinh tế - tài chính, du lịch nghỉ dưỡng. Thành phố cũng đầu tư 580 tỷ đồng nhằm chỉnh trang, cải tạo các tuyến đường, các công trình cảnh quan xanh giúp diện mạo Phố núi hoàn toàn lột xác, xứng tầm đô thị thủ phủ vùng Bắc Tây Nguyên.

Trong làn sóng đầu tư đang đổ về phố núi, xuất hiện nhiều dự án đáng chú ý trong lĩnh vực đô thị, thương mại, du lịch – nghỉ dưỡng như Khu du lịch sinh thái khu vực miệng núi lửa cũ (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Tổ hợp tổ hợp khách sạn 5 sao, siêu thị, nhà phố thương mại FLC Hilltop Gia Lai; dự án tháp đôi, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku tại đường Quang Trung và đường Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku)…

Được đầu tư xây dựng bởi các thương hiệu hàng đầu trên thị trường địa ốc hiện nay như Vingroup, Tập đoàn FLC, VK Group… cùng với quỹ sản phẩm bất động sản được thiết kế đa dạng, đồng bộ, các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường BĐS Gia Lai trong thời gian tới.

Ông Phạm Thanh Sơn, TGĐ Địa ốc Phong Sơn Gia Lai nhận định: “Khoảng 2 năm trở lại đây, giá đất tại thành phố Pleiku đã tăng trung bình từ 1,5 - 2 lần so với trước đó và ngày càng có xu hướng tăng cao khi thành phố đang tiến sát đến mục tiêu đạt đô thị loại I”.

Cũng theo vị này, không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư địa phương, Pleiku cũng đang đón nhận nhiều nhà đầu tư đến từ những đô thị lớn trên cả nước như Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh lân cận đổ về tìm mua sản phẩm BĐS để đón đầu chính sách phát triển của địa phương. Khi hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực này được đầu tư hoàn thiện xứng tầm đô thị loại I chắc chắn sẽ thúc đẩy giá trị BĐS tăng cao hơn.

Nhận định trên là có cơ sở khi thực tế, giá đất khu vực trung tâm thành phố Pleiku ghi nhận mức tăng mạnh mẽ, như mặt đường Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hùng Vương giá không dưới 1,5 tỷ đồng/m ngang; mặt đường Lê Duẩn, Tôn Thất Tùng giá cũng lên đến 1 tỷ đồng…

Giá condotel giảm

Kênh thông tin Batdongsan.com.vn vừa công bố báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và lưu ý đến các diễn biến kém khả quan của loại hình bất động sản "lai" condotel. Năm 2018 giá trung bình condotel cả nước tiệm cận mốc 40 triệu đồng mỗi m2 nhưng đến quý IV/2019 chỉ ghi nhận 35 triệu đồng, giảm 8%.

Xét toàn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, mức độ quan tâm thể hiện qua hành vi tìm kiếm của người dùng online đối với condotel năm 2019 vẫn đạt 56%, cao hơn biệt thự nghỉ dưỡng (44%). Còn phân loại theo vùng miền, người quan tâm đến condotel chủ yếu đến từ Hà Nội và tiếp đến là TP HCM, trong đó mức độ quan tâm của khách hàng Hà Nội cao nhất, đạt tỷ lệ 38,2%.

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cũng đưa ra dự báo xu hướng của thị trường condotel trong 12 tháng tới với bức tranh màu xám. Đơn vị này cho rằng năm 2020 sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn đối với condotel khi nhà đầu tư đang mất niềm tin vào loại sản phẩm này sau sự cố Cocobay phá vỡ cam kết lợi nhuận 12% một năm. Tiềm năng của phân khúc condotel trong năm tới được cho là kém hấp dẫn hơn những dòng sản phẩm khác như chung cư, biệt thự, nhà phố và đất nền.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị hạn chế chuyển đổi condotel thành chung cư

Về vấn đề chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư, cuối tháng 11 vừa qua, Sở Xây dựng Đà Nẵng xác nhận đã có Quyết định 592 ngày 1/2/2019 cho phép chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng chuyển đổi 1.570 căn condotel (không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở), chiếm tỷ lệ 45% tổng số căn quy hoạch.

Thông tin này được đưa ra sau khi chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng là CTCP Đầu tư và phát triển xây dựng Thành Đô công bố chấm dứt cam kết lợi nhuận 12%/năm đối với nhà đầu tư dự án. Chủ đầu tư đưa ra các phương án giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư gồm chuyển đổi căn hộ condotel thành chung cư; thanh lý hợp đồng tự kinh doanh; thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền; tự đề xuất giải pháp hợp lý hơn.

Quyết định cho phép chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư của TP. Đà Nẵng ngay sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi. Không ít chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi này có thể gây ra các hệ quả về mặt hạ tầng, phá vỡ quy hoạch đô thị, tạo tiền lệ xấu cho các dự án condotel khác.

Phát triển nhà ở xã hội, cần chế tài mạnh tay

Dù đã có quy định cụ thể, nhưng vì lợi ích cục bộ, nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn tìm cách né xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Tại khoản 1, khoản 2, Điều 5, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn 1 trong 3 hình thức, trong đó có hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Điều tra dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm của Công ty Alibaba

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành các văn bản có dấu hiệu tiếp tay cho những sai phạm của CTCP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Theo đó, bước đầu cơ quan chức năng xác định, trong tháng 8/2017, UBND huyện Long Thành đã ban hành 4 văn bản cho phép Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại 4 vị trí ở xã Long Phước.

Hiện một số cán bộ phòng ban và lãnh đạo UBND huyện Long Thành liên quan đến tham mưu, ký các văn bản trên đang thực hiện việc giải trình với các cơ quan chức năng.

Miễn nhiệm phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây 6 nhà xưởng trái phép

Ngày 12-12, ông Nguyễn Thọ Truyền, chủ tịch HĐND quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết HĐND quận đã biểu quyết miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch thường trực HĐND quận đối với ông Lê Hữu Thành.

Ông Truyền cho biết tại cuộc họp HĐND quận cùng ngày, 29/29 đại biểu HĐND quận có mặt đã đồng ý miễn nhiệm chức phó chủ tịch HĐND quận đối với ông Lê Hữu Thành. HĐND quận sẽ báo cáo kết quả biểu quyết cho HĐND TP sau khi kỳ họp kết thúc.

Việc xử lý về mặt Đảng, ông Truyền cho biết ông Thành là cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý nên việc xử lý về mặt Đảng sẽ do Thành ủy quyết định.

Ông Lê Hữu Thành và gia đình đã xây dựng 6 nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Sáu nhà xưởng rộng gần 2.000m2 của ông Thành và gia đình đã xây dựng từ nhiều năm trước, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhưng chưa xử lý dứt điểm cho đến khi người dân tố cáo, dư luận thông tin rộng rãi.

Hiện các công trình trái phép đã được ông Thành và gia đình tháo dỡ.

Novaland Expo gây ấn tượng mạnh với khách hàng, nhà đầu tư - Chiều ngày 8/12, Novaland Expo đã chính thức khép lại chuỗi hoạt động 5 ngày sôi nổi, thu hút được gần 20.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Lý giải sức hút trong 2 ngày đầu diễn ra Novaland Expo - Mới 2 ngày đầu tiên, Novaland Expo đã thu hút được gần 8.000 lượt khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu các dự án BĐS đến từ hơn 50 đối tác chiến lược của ...
Bình luận