Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 21/10: Tín dụng đổ vào bất động sản gần 1,5 triệu tỷ đồng

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 21/10 có những nội dung nổi bật sau: Siết doanh nghiệp cho thuê lại đất trong khu công nghiệp;Từ năm 2020,TT căn hộ Hà Nội sẽ đón loạt dự án của các CĐT ngoại...

Thị trường mặt bằng bán lẻ tại TPHCM tiếp tục hút khách

Năm 2020, dự kiến TP. HCM sẽ đón thêm 237.000 m2 diện tích bán lẻ được đưa vào hoạt động từ 8 dự án mới tại khắp các khu vực, trong đó riêng khu Đông (quận 9) có thể đón nhận một đại trung tâm thương mại tích hợp công nghệ hiện đại với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (rộng 48.000 m2).

CBRE Việt Nam vừa báo cáo thị trường bán lẻ quý III/2019 tại TP. HCM với diễn biến tăng giá thuê ở khu lõi trung tâm và điều chỉnh nhẹ ở các điểm mua sắm ở ngoại thành.

Theo đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ ghi nhận tại khu Central Business District TP. HCM đạt 135,5 USD/m2/tháng còn giá chào thuê các vị trí ngoại thành là 35,8 USD/m2/tháng. Giá thuê bình quân tại khu trung tâm được ghi nhận tăng hơn 3,7% so với quý trước và tăng 5,8% theo năm, trong khi giá ở khu vực ngoài trung tâm giảm nhẹ 0,9% và ít biến động theo năm.

Tỷ lệ trống tăng dưới 1% toàn thị trường mặt bằng bán lẻ. Các trung tâm thương mại ghi nhận tỷ lệ lấp đầy giảm do đang trong quá trình trùng tu và thay đổi khách thuê.

Đơn vị này đánh giá, thị trường bán lẻ TP. HCM luôn là miếng bánh hấp dẫn cho các nhà bán lẻ nước ngoài do tăng trưởng dân số trẻ. Đa số các nhà bán lẻ đều chọn TP HCM để mở cửa hàng đầu tiên khi đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Về tình hình M&A tại thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận đầy tích cực trong quý vừa qua. Mới đây doanh nghiệp Nhật Stripe International thâu tóm thương hiệu Vascara, hai năm sau khi mua thương hiệu NEM. Amazon cũng chính thức thành lập công ty tại Việt Nam, nhắm đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh các cá nhân bán hàng trực tuyến.

Theo thông tin từ Insider Retail Asia, tập đoàn bán lẻ BGF của Hàn Quốc sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam vào năm 2020, bắt đầu từ mô hình cửa hàng tiện lợi CU.

Về xu hướng người tiêu dùng, các ngành hàng về ăn uống, thời trang và phụ kiện, giải trí, cửa hàng tiện lợi và sức khỏe làm đẹp sẽ tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong thời gian tới. Tại một số trung tâm thương mại, việc tái cơ cấu ngành hàng vẫn đang diễn ra để đáp ứng những thay đổi mang tính xu hướng này.

Tính đến cuối tháng 9/2019, toàn TP. HCM có 57 dự án bất động sản bán lẻ đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê là 1.043.000 m2. Trong quý IV/2019, một dự án trung tâm thương mại tại khu Nam TP. HCM sẽ được đưa vào hoạt động với tổng diện tích thực thuê khoảng 16.000 m2. Các ngành hàng chủ chốt tại đây gồm F&B (ẩm thực và thức uống), thời trang, phụ kiện và giải trí.

Năm 2020, dự kiến TP. HCM sẽ đón thêm 237.000 m2 diện tích bán lẻ được đưa vào hoạt động từ 8 dự án mới tại khắp các khu vực, trong đó riêng khu Đông (quận 9) có thể đón nhận một đại trung tâm thương mại tích hợp công nghệ hiện đại với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (rộng 48.000 m2).

Từ năm 2020, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ đón loạt dự án của các CĐT ngoại như Sumitomo, CapitaLand, Mitsubishi Corporation

Savills cho biết, từ năm 2020 trở đi, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ chào đón một số dự án của các chủ đầu tư nước ngoài bao gồm Sumitomo, CapitaLand và Mitsubishi Corporation.

Cụ thể, trong quí III/2019 có 11 dự án mới và 9 dự án cũ tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo, cung cấp cho thị trường khoảng 8.100 căn hộ, tăng 23% theo quí và 17% theo năm.

Nguồn cung sơ cấp giảm 5% theo quí nhưng tăng 8% theo năm đạt 29.700 căn. Phân khúc căn hộ hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 67% thị phần. Trong đó, Gia Lâm và Long Biên dẫn đầu số lượng căn hộ bán.

Về giá bán, theo Savills, giá bán căn hộ sơ cấp tăng 1% theo quí và 3% theo năm. Căn hộ hạng A có mức tăng giá theo năm cao nhất đạt 18%, phần lớn do mức giá bán cao của các dự án mới tung ra bán. Tuy số lượng bán giảm 1% theo quí nhưng tăng 50% theo năm. Khu vực phía Đông có số lượng căn bán được cao nhất trong quí với 40% thị phần.

Dự báo thị trường thời gian tới, Savills cho biết, trong quí 4, thị trường Hà Nội sẽ có khoảng 15.800 căn hộ từ 10 dự án hiện tại và tương lai sẽ được mở bán. Nguồn cung tương lai mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Các huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ cung cấp tổng cộng 30% nguồn cung tương lai.

Đáng chú ý, từ năm 2020 trở đi, các chủ đầu tư nước ngoài bao gồm Sumitomo, CapitaLand và Mitsubishi Corporation sẽ bắt đầu chào bán các dự án tại thị trường Hà Nội.

Theo báo cáo của Savills, thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội quí III/2019 ghi nhận sự lên ngôi của căn hộ diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, phân khúc hạng A và dự án có thương hiệu tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Theo thống kê của Savills, nằm trong xu hướng căn hộ nhỏ gọn, tỉ trọng căn studio và 1 phòng ngủ tăng mạnh từ 16% vào năm 1996 lên 46% trong quí III/2019. Khách thuê không chỉ là các chuyên gia nước ngoài và thương nhân cấp cao với nhu cầu thuê lâu dài mà còn cá thể doanh nhân/MICE/khách du lịch với nhu cầu ở ngắn hạn.

Nhờ hợp tác với các đại lí du lịch trực tuyến, hơn 90% các nhà quản lí căn hộ dịch vụ đáp ứng nhu cầu thuê theo tháng và theo ngày thay vì hợp đồng năm.

Dự báo về triển vọng thị trường căn hộ dịch vụ trong thời gian tới, Savills cho biết, 4 dự án lớn với xấp xỉ 1.000 căn sẵn sàng hoạt động vào quí IV/2019. Trong đó, 3 đơn vị quản lí có thương hiệu hiện diện tại Tây Hồ và một dự án tại Hai Bà Trưng. Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm không ghi nhận nguồn cung tương lai do quĩ đất khan hiếm.

Tín dụng đổ vào bất động sản gần 1,5 triệu tỷ đồng

Sau 8 tháng, tín dụng đổ vào bất động sản tăng gần 14,6% so với cuối năm 2018, đạt 1,5 triệu tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Ngân hàng nhà nước gửi lên Quốc hội, tính đến hết tháng 8/2019, tín dụng chảy vào bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích sử dụng) chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế.

Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/8/2018, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,5%, tức đạt hơn 7,82 triệu tỷ đồng. Ước tính theo con số này, tín dụng đổ vào bất động sản trong 8 tháng khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Bên cạnh đó, theo số liệu của báo cáo tính đến tháng 8/2019, tín dụng đổ vào ngành công nghiệp tăng gần 6,8% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 19,6%; tín dụng  ngành xây dựng tăng 7,6%, chiếm gần 9,7%. Tín dụng cho ngành dịch vụ tăng gần 9,3%, chiếm 61,8%.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm gần 24,3% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,4%, chiếm gần 18,7%; lĩnh vực xuất khẩu tăng hơn 13%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22%, chiếm 0,41%.

Cập nhật đến cuối tháng 9/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 9,4% so với đầu năm.

"Siết" doanh nghiệp cho thuê lại đất trong khu công nghiệp

Đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP kiên quyết thu hồi diện tích đất chậm triển khai, không đưa vào sản xuất, đồng thời làm rõ, xử lý những đơn vị cho thuê lại đất hoặc nhà xưởng trên đất không đúng mục đích, ngành nghề quy định.

Một doanh nghiệp trong KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang cho thuê lại nhà xưởng - Ảnh: V.H.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Cường, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, cho hay qua giám sát các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã phát hiện tình trạng cho thuê lại đất, nhà xưởng trên đất trong các KCN của Nhà nước.

Như tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang rộng hơn 50ha, có 9 doanh nghiệp (DN) không sử dụng hết đất thuê của Nhà nước (giá từ 17.400-23.000 đồng/m2/năm) đã cho DN khác thuê lại.

Theo ông Cường, đoàn giám sát HĐND đã kiến nghị UBND TP kiên quyết thu hồi diện tích đất chậm triển khai, không đưa vào sản xuất. Cũng cần làm rõ, xử lý những đơn vị cho thuê lại đất hoặc nhà xưởng trên đất không đúng mục đích, ngành nghề quy định.

"Một thời gian dài, có DN lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để giành phần, chuyển nhượng, cho thuê lại kiếm lợi" - ông Cường nói.

Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận cho Hưng Thịnh Corp làm dự án căn hộ du lịch 2.400 tỉ đồng tại 28 Thi Sách

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản chấp thuận cho Hưng Thịnh Corp thực hiện đầu tư căn hộ Du lịch nghỉ dưỡng Vũng Tàu Pearl có vốn đầu tư gần 2.400 tỉ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản chấp thuận cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) thực hiện đầu tư căn hộ Du lịch nghỉ dưỡng Vũng Tàu Pearl tại đường Thi Sách, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu.

Dự án Vũng Tàu Pearl có diện tích khoảng 13.111 m2, bao gồm khối căn hộ du lịch cao 33 tầng và 2 tầng hầm. Trong đó, tầng 1-2 có chức năng thương mại dịch vụ, công cộng và từ tầng 3-33 có chức năng căn hộ du lịch. Tổng vốn đầu tư cho dự án này gần 2.400 tỉ đồng.

Theo dự kiến, dự án sẽ khởi công và xây dựng vào quí II/2020 và hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động kinh doanh trong quí III/2023.

Đà Nẵng sẽ xử lý các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng mới đây cho biết, đến nay, đơn vị đã kiểm tra 150 dự án chậm triển khai và khu đất chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố...

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các khu đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa là vi phạm quy định của luật này.

Theo đó, Sở này đã buộc các chủ đầu tư phải gia hạn tiến độ sử dụng đất trong 24 tháng để tiếp tục triển khai dự án và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà các chủ đầu tư phải nộp trong thời gian được gia hạn là 267,7 tỷ đồng; các chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách là 176,8 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, rà soát và đề xuất xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng và các trường hợp sử dụng đất chậm tiến độ.

Dự án tọa lạc đất vàng 4 mặt tiền ở Hà Tĩnh suốt 10 năm vẫn bất động

Nhiều dự án khủng được lập ra với tham vọng góp phần thay đổi bộ mặt TP Hà Tĩnh. Thế nhưng, kể từ khi được cấp phép đầu tư đến nay đã 10 năm vẫn gần như “bất động”, gây bức xúc.

Dạo quanh một số khu vực trung tâm TP. Hà Tĩnh, không khó nhìn thấy một số khu đất được cấp dự án đã nhiều năm nhưng vô cùng nhếch nhác, hoang tàn, làm xấu xí cho bộ mặt thành phố.

Trong đó không thể không nói đến dự án Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land của tập đoàn Xuân Thành tọa lạc tại phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh.

Dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2009 với quy mô 4,5ha đất, nằm trên khu đất vàng với 4 mặt tiền. Phía bắc đối diện với UBND phường Nguyễn Du, phía đông hướng ra trụ sở Cảnh sát tỉnh, phía tây đối diện với đài tưởng niệm và khu vui chơi phường và phía nam đối diện với khu dân cư.

Đến nay đã 10 năm trôi qua nhưng nhà đầu tư không triển khai dự án khiến cho người dân và chính quyền địa phương không khỏi bức xúc.

Thái Bình: “Ưu ái” đất đai cho doanh nghiệp, nhiều cán bộ bị đề nghị kỷ luật

Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh được hưởng nhiều “ưu ái” về đất đai trái quy định.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, đất đai, môi trường, nhiều vi phạm trong quản lý và sử dụng đất của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh và bà Hoàng Thị Phương - Giám đốc công ty này đã được chỉ ra.

“Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình do Công ty Phương Anh làm chủ đầu tư trên tổng diện tích 266.256 m2, thi công từ năm 2010 đến năm 2017 nhưng đến nay chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh”- kết luận chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ khẳng định việc này vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và xây dựng. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về UBND các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ và chủ đầu tư dự án; trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Thái Bình.

Thái Nguyên thu hồi dự án Khu chung cư Đông Á Sky Garden

UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án khu chung cư Đông Á Sky Garden tại phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

Tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan giám sát, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng khu chung cư Đông Á Sky Garden.

Dự án khu chung cư Đông Á Sky Garden của Công ty Cổ phần Tập đoàn khách sạn Đông Á được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp quyết định chủ chương đầu tư trong năm 2018, trên diện tích đất 4.200 m2 tại trung tâm TP. Thái Nguyên, với quy mô dự án gồm 28 tầng nổi, 2 tầng hầm với tổng mức đầu tư 535 tỷ đồng dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường bất động sản Thái Nguyên hơn 600 căn hộ.

Thêm một dự án dân cư 50ha ở Đồng Nai bị Thanh tra Chính phủ kiểm tra

Thanh tra Chính phủ vừa cử thêm một đoàn công tác đến tỉnh Đồng Nai công bố thanh tra toàn diện dự án khu dân cư xã Phước Tân ở TP Biên Hòa.

Đây là một trong nhiều dự án ở tỉnh Đồng Nai có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp mà Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu kiểm tra làm rõ.

Liên quan đến dự án khu dân cư xã Phước Tân, đầu năm 2014 UBND tỉnh Đồng Nai ra một "giấy phép quy hoạch" giao cho chủ đầu tư An Hưng Phát làm khu dân cư thương mại, lấy gần 50ha đất.

Người dân cho rằng đây là đất thương mại nhưng chủ đầu tư không thỏa thuận giá đất với dân, trong khi chính quyền áp giá đền bù rẻ và xảy ra cưỡng chế…

Người dân cũng phản ảnh trong lúc đang khiếu nại giá đền bù thì chủ đầu tư phân lô bán nền tới 14-20 triệu đồng/m2…

Khi xảy ra khiếu nại, cuối tháng 3-2019 lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành đã tổ chức đối thoại, trả lời cho hàng chục công dân. Tuy nhiên, một số công dân vẫn tiếp tục có đơn thư khiếu nại, tố cáo đến Chính phủ về dự án này.

Đồng thời tại các buổi tiếp xúc, cử tri nhiều lần phản ảnh với đại biểu Quốc hội Võ Văn Thưởng (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) về dự án này.

Tháng 9-2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, đề xuất biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật và báo cáo cho Thủ tướng trước ngày 30-12-2019.

Chính phủ dồn lực làm sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc, Thủ tướng cho biết sẽ dồn lực triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2020.

Tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm 2019 của Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP.

Về phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho hay, Chính phủ sẽ sớm triển khai các dự án trọng điểm, như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng.

Năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan; cơ bản hoàn thành đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thông xe một số gói thầu của 3 dự án đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, lựa chọn được nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần còn lại.

"Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển theo hình thức hợp tác công - tư", lãnh đạo Chính phủ nói.

Tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã có báo cáo riêng gửi Quốc hội về nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 4,8 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Các hạng mục giai đoạn 1 sẽ gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm và các hạng mục phụ trợ.

Ngoài ra, báo cáo về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Theo đó, việc thay đổi phương thức đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần theo hình thức PPP, theo Chính phủ, sẽ khiến dự án chậm 3 tháng so với dự kiến ban đầu do "mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước". Mốc thời gian mới dự kiến hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư là tháng 2/2020 và đấu thầu là tháng 11/2020.

Sắp khởi công loạt dự án giao thông vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, Bộ đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư và đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.

Trong đó, 8 dự án đã phê duyệt đầu tư được giao hơn 2.942 tỷ đồng kế hoạch vốn 2019 gồm tuyến nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội - Hải Phòng, dự án nâng cấp Quốc lộ 53, Quốc lộ 57, Quốc lộ 30, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 3B, dự án đường nối Quốc lộ 4C-4D, Quốc lộ27 tuyến tránh Liên Khương.

6 dự án chưa được giao kế hoạch năm 2019 gồm 4 dự án đường sắt, hai dự án đường bộ, nâng cấp Quốc lộ 24, Quốc lộ 25.

Đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 8 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư, dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã cơ bản thanh toán hết vốn kế hoạch 2019 được giao, 7 dự án còn lại đang triển khai công tác khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu để khởi công xây dựng.

Trong đó, dự án Quốc lộ 27 tuyến tránh Liên Khương đã khởi công từ tháng 9/2019. Các dự án cải tạo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 57, Quốc lộ 30 dự kiến khởi công vào cuối tháng 10/2019, còn lại các dự án cải tạo Quốc lộ 3B, Quốc lộ 53 sẽ khởi công vào cuối năm 2019.

Hiện nay, các dự án cải tạo Quốc lộ 24, Quốc lộ 25 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê đuyệt dự án đầu tư, còn 4 dự án đường sắt đang hoàn thiện thủ tục.

Trước đó, ngày 31/7/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 556 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách.

10 dự án đường bộ tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng gồm: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; Dự án Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương; Dự án nâng cấp Quốc Lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự.

Dự án đường nối Quốc lộ 4C và 4D (Km238 - Km414); Dự án Quốc lộ 3B (Km0 - Km 66+600); Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày.

4 dự án đường sắt tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản tin bất động sản hôm nay 19/10: Làm đường nhựa trên đất nông nghiệp để bán đất nền - Bản tin bất động sản ngày 19/10 có những nội dung nổi bật sau: Giá đất vùng ven TP.HCM leo nóc, ngang bằng giá đất các quận trung tâm; Từ nay, chủ đầu tư muốn thi công phải dán giấy ...
Những yếu tố cần cân nhắc trước khi rót tiền vào second home- Vị trí, mức giá, pháp lý và uy tín chủ đầu tư quyết định tính an toàn và khả năng sinh lợi khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.
Bình luận