Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 27/12: Năm 2020, điều chỉnh thị trường bất động sản về nhà giá thấp

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 27/12 có những nội dung nổi bật sau: Giá đất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được điều chỉnh tăng 10-50% so với giá hiện nay; Ngày 1/1 sẽ áp dụng bảng giá đất mới tại TP.HCM.

Giá đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được điều chỉnh tăng 10-50% so với giá hiện nay

Đó là nội dung của Tờ trình số 225/TTr-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc đề nghị xây dựng nghị quyết thông qua bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024) tại tỉnh vừa được HĐND thông qua.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Taù, giá đất thị trường trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đều tăng cao hơn bảng giá đất tối đa của tỉnh từ 50-60%. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về giá đất nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương, khắc phục những bất cập như: Chênh lệch so với bảng giá đất của tỉnh tùy theo từng địa bàn; điều chỉnh, bổ sung các tuyến đường mới hoàn thành...

Do đó, bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (1/1/2020 - 31/12/2024) trên địa bàn tỉnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa bảng giá các loại đất năm 2019 (Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh) và sửa đổi bổ sung thêm một số quy định nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất phương án điều chỉnh tăng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020-2024). Cụ thể, có 3 nhóm đất chính cần điều chỉnh tăng giá từ 10-15% so với Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND gồm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp và đất rừng. Trong đó, đáng chú ý, đối với nhóm đất nông nghiệp khu vực đô thị và khu vực nông thôn được áp dụng khung giá đất tối đa theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, TP. Vũng Tàu sẽ áp dụng khung giá tối đa là 300.000 đồng/m2. Các địa phương còn lại được xác định theo tỷ lệ 0,9 khung giá tối đa (TP. Bà Rịa); 0,8 khung giá tối đa (TX. Phú Mỹ); 0,7 khung giá tối đa (huyện Côn Đảo)…

Còn đối với đất ở khu vực đô thị được điều chỉnh tăng từ 1-2 lần tùy từng khu vực. Riêng huyện Đất Đỏ và huyện Côn Đảo được điều chỉnh tăng 1,2-1,8 lần đối với đất ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Theo phân tích của các chuyên gia, so với các địa phương giáp ranh TP. HCM như Bình Dương, Đồng Nai... thì Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá như một thị trường tiềm năng của giới đầu tư địa ốc.

Năm 2020, điều chỉnh thị trường bất động sản về nhà giá thấp

Tại cuộc hội thảo "Bất động sản 2020: cơ hội và thách thức", ông Khởi cho biết, thời gian vừa qua, nhiều dự án bất động sản cao cấp đã xin phép điều chỉnh lại cơ cấu vì có số lượng căn hộ quá lớn, vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, phát triển nhà ở xã hội rất kém.

"Tuy các địa phương có quan tâm nhưng nhà ở xã hội đưa vào thị trường vẫn gần như dẫm chân tại chỗ. Đó là đối với nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, còn nhà ở giá rẻ, nói đúng hơn là nhà ở giá thấp, khoảng 25 triệu đồng/m2 trở xuống cũng đang thiếu trong khi nhu cầu rất lớn. Hiện việc điều chỉnh cơ cấu của loại hình này cũng đang diễn ra, hướng đến đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thật về nhà ở giá thấp", ông Khởi nói.

Ngày 1/1/2020 sẽ áp dụng bảng giá đất mới tại TP. HCM

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa có tờ trình UBND thành phố về bảng giá đất trên địa bàn các quận/huyện giai đoạn 2020 - 2024. Bảng giá đất dự kiến sẽ được công bố ngày 1/1/2020...

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất khu vực đất nông nghiệp được phân thành 3 khu vực. Khu vực I thuộc địa bàn các quận. Khu vực II thuộc địa bàn các huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi. Khu vực III địa bàn huyện cần Giờ.

Đối với đất phi nông nghiệp, 19 quận áp dụng khung giá đất của đô thị đặc biệt theo quy định của Nghị định số 96/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất; thị trấn của 5 huyện thì áp dụng theo khung giá đất của đô thị loại V; các xã thuộc 5 huyện áp dụng theo khung giá đất của xã đồng bằng.

Bảng giá đất ở còn tính theo vị trí. Giá đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề nhưng không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư cùng khu vực. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp... tính bằng 60% giá đất ở liền kề nhưng không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư cùng khu vực.

Đất nghĩa trang, nghĩa địa tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất giáo dục, y tế: tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất tôn giáo tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

TP.HCM: Kiến nghị lập quy hoạch khu công nghiệp mới tại Bình Chánh

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, khu đất rộng 380ha, nằm trong tổng thể toàn khu 668ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đã được Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi sang đất công nghiệp.

Theo quy hoạch đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 5.822ha

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp mới rộng khoảng 380ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Khu đất này nếu được mở rộng sẽ tạo thành một khu công nghiệp tập trung quy mô lớn để cạnh tranh và tạo sức hút cho toàn khu vực.

Bên cạnh đó, khu đất còn gần với các khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Phạm Văn Hai... có thể hình thành được một khu công nghiệp tập trung có tính liên kết về nghiên cứu, sản xuất, thương mại, phân phối và lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Ngoài ra, khu đất cũng thuận lợi về kết nối giao thông, hạ tầng, vị trí khu vực tiếp cận được các đường giao thông chính như Quốc lộ 1A, đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, trục Vành đai 3 cắt ngang khu đất và tuyến đường Tây Bắc nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532ha; trong đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt 1.716 ha/tổng số 2.509 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,4%.

Theo quy hoạch đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 5.822ha.

Đất Cần Thơ sẽ tăng sau khi có bảng giá mới

Dự báo năm 2020, thị trường bất động sản Cần Thơ sẽ phát triển mạnh trở lại và giá tăng do thành phố sẽ điều chỉnh giá đất theo khung giá đất mới.

Tại các dự án nhà ở hiện hữu, theo Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, giá đất nền có nhiều biến động, chủ yếu tăng từ 1 đến 4 lần so với cách nay hơn 2 năm.

Cụ thể, tại Khu đô thị Cửu Long - Him Lam, có giá bán 20 - 22 triệu đồng/m2; Khu dân cư lô 5C - Hồng Loan, giá bán 22 - 25 triệu đồng/m2; Stella Mega City, giá bán 20 - 25 triệu đồng/m2; Cồn Khương Cửu Long - Him Lam, giá bán 15 - 23 triệu đồng/m2; Khu dân cư Nam Long - Hồng Phát, giá bán 35 - 40 triệu đồng/m2…

Tại các khu dân cư ở phường An Khánh, An Bình, Hưng Lợi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), giá đất nền thổ cư có diện tích 80 - 100m2 hiện dao động 2 - 3,5 tỷ đồng/nền…

Theo nhiều nhận định của các chuyên gia, 6 tháng cuối năm 2019, thị trường nhà đất TP. Cần Thơ không tăng cũng không giảm nhiều. Khi thị trường điều tiết như vậy, người bán bán sợ bị hớ, người mua sợ mua lầm giá cao, tất cả làm cho thị trường giao dịch chậm chạp.

Tại Cần Thơ, cách đây 2 năm, đất các khu tái định cư Phú An, Tân Phú giá rất thấp, chỉ khoảng 250 - 300 triệu đồng/nền 80 - 100 m2. Người mua chỉ cần đóng tiền hạ tầng khoảng 100 đến 130 triệu là có nền xây dựng. Hiện nay giá nền như thế ở hai khu tái định cư nói trên đã tăng lên từ 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ đồng.

Với những tiềm năng vô cùng to lớn cùng chính sách rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, Cần Thơ đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Các đại gia bất động sản như: Vingroup, Novaland, FLC, KITA Group, LDG, Hoàng Quân.. cũng đã nhanh chóng chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này

Quảng Ninh thúc tiến độ siêu dự án hơn 1.700 ha của đại gia Thái Lan

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có thông báo Kết luận của Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp nghe Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long - Tập đoàn Amata báo cáo đồ án qui hoạch phân khu thành phố thông minh Amata Hạ Long tại thị xã Quảng Yên.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, về cơ bản phương án quy hoạch phân khu đã đảm bảo sự kết nối đồng bộ, bảo tồn, khai thác được các giá trị về không gian đất đai, mặt nước.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch, lãnh đạo tỉnh này đề nghị CTCP Đô thị Amata Hạ Long phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung, cập nhật số liệu, các căn cứ, cơ sở pháp lí của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đang triển khai lập.

Đặc biệt là số liệu, chỉ tiêu về quy mô dân số trong phạm vi nghiên cứu quỹ hoạch có áp dụng công nghệ thông minh làm cơ sở để xác định các không gian, quỹ đất phát triển trong tương lai, kế hoạch và lộ trình phát triển trong từng giai đoạn của qui hoạch phân khu.

Bất động sản Tiến Đạt đề xuất đầu tư Khu đô thị Sky Park City hơn 9,48 ha

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có ý kiến thống nhất về chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Sky Park City do CTCP Đầu tư bất động sản Tiến Đạt đề xuất.Trước đó, Nhà đầu tư đã đề xuất Dự án với quy mô diện tích khoảng 9,48 ha thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn.

Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi tiếp tục hoàn chỉnh đề xuất chủ trương Dự án và tham mưu về phần diện tích khoảng 7,269 ha.

TP. HCM: Chủ đầu tư các dự án bất động sản bị ngưng trệ nợ thuế “khủng”

Ngày 26/12, Cục thuế TP. HCM cho biết, đơn vị này vừa công khai thông tin của 2.325 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tính đến kỳ 10/2019 là 5.410,9 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Nhà Tân An Huy với số tiền nợ thuế 172 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty CP Cảng Phú Định nợ 153 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty TNHH MTV An Phú nợ 141 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản khác có số tiền nợ thuế lớn như: Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông (nợ 115 tỷ đồng), chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Park Vista tại huyện Nhà Bè. Hiện dự án này đang tạm ngừng thi công khiến không ít khách hàng phản đối.

Hàng trăm gia đình tan nát vì có người thân đầu tư theo Alibaba

Gần 3 tháng trôi qua kể từ khi những mánh khóe lừa đảo của địa ốc Alibaba bị phanh phui, nhiều gia đình vẫn chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Tháng 9/2019, Công ty Alibaba bị phanh phui về tội lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư bất động sản bằng việc vẽ ra hàng loạt dự án “ma” ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… rồi hứa sẽ mua lại sản phẩm và đưa ra mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn lên tới 28%. Vài ngày sau đó, hàng nghìn khách hàng đã đến trụ sở công an TP.HCM trình báo về khoản tiền có nguy cơ mất trắng. Trong đó, người bị mất nhiều nhất khoảng 3 tỷ, người ít thì từ 300 triệu - 1 tỷ. Khoảng 7.000 người đã rơi vào bẫy của Alibaba với tổng số tiền bị lừa lên đến 2.500 tỷ đồng.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á -Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
 
Novaland đồng hành cùng nhiều địa phương phát triển bền vững kinh tế du lịch - Vừa qua, tại cuộc họp với Thường trực TU tỉnh BR-VT, Tập đoàn Novaland trình bày PA ĐT, triển khai các DA BĐS ND nhằm khai thác tối đa vị trí, tiềm năng, định hướng phát triển du lịch ...
Bình luận