Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 6/11: DN Nga muốn chi 8.300 tỷ làm DA nghỉ dưỡng 99 ha tại Phú Quốc

 (VOH) - Bản tin bất động sản ngày 6/11 có những nội dung: Diện tích đất lúa sẽ giảm khoảng 0,5 triệu ha; Doanh nghiệp địa ốc đồng loạt hạ chỉ tiêu kinh doanh…

Doanh nghiệp Nga muốn chi 8.300 tỷ làm dự án nghỉ dưỡng 99 ha tại Phú Quốc

Liên doanh ISC và Sea Brezee Vietnam sẽ làm dự án nghỉ dưỡng Việt Nga - Sea Breeze diện tích 99 ha tại Phú Quốc. Liên doanh này còn làm dự án xử lý nước thải với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ký biên bản thoả thuận hợp tác đầu tư với liên doanh Công ty TNHH Investment Commercial Service Cooperation (ISC) và Sea Brezee Vietnam về chủ trương đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với cảng du lịch; xây dựng nhà máy xử lý rác thải.

Theo đó liên doanh sẽ đầu tư dự án nghỉ dưỡng Việt Nga - Sea Breeze tại khu đô thị An Thới, huyện Phú Quốc. Quy mô dự án 99 ha với tổng mức đầu tư 8.360 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng cảng du lịch và các dịch vụ phụ trợ, phát triển du lịch biển thân thiện môi trường. Tiến độ dự kiến là 26 tháng.

Với dự án xử lý rác thải, tổng mức đầu tư là 1.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Dự án được đặt tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc. Ngoài dự án xử lý rác thải này, liên doanh kỳ vọng sẽ mở rộng áp dụng công nghệ xử lý rác thải ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần đẩy lùi ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Liên doanh giữa Công ty TNHH ISC và Sea Breeze Vietnam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên của Nga tại Việt Nam đầu tư vào Kiên Giang. Các doanh nghiệp Nga kỳ vọng tỉnh Kiên Giang sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước này.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết luôn tạo điều kiện đầu tư, đặc biệt là các vấn đề trọng tâm như xử lý môi trường. Dự án mà 2 bên vừa ký được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng trong quan hệ hợp tác Việt - Nga.

Diện tích đất lúa sẽ giảm khoảng 0,5 triệu ha

"Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha, để dành diện tích canh tác cây trồng khác hiệu quả hơn", bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao đổi sáng 6-11.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn sáng 6-11 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sáng 6-11, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường mở màn phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Chau Chắc (An Giang) nêu vấn đề giá lúa, giá nông sản còn bất bênh, giải pháp là gì để tăng giá trị và sức cạnh tranh của hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

Trả lời sau đó, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: "Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh".

Bộ trưởng cho biết, trên thế giới chỉ có 3,5 tỉ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỉ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo. Các cường quốc xuất khẩu lúa gạo phải cạnh trạnh nhau trong chuỗi cung ứng.

Theo ông Cường, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5-6 triệu tấn thóc, 3-4 triệu tấn lúa.

Bình Thuận nở rộ các dự án BĐS du lịch, hút các nhà đầu tư lớn

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, trong năm 2019 có thêm 6 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, 2 dự án bị thu hồi.

Đến nay toàn tỉnh có 383 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích đất cấp là 6.386 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư gần 59.620 tỷ đồng, hiện 188 dự án đã đi vào hoạt động. Việc thu hút dự án du lịch trong thời gian qua gặp hạn chế bởi nhiều dự án nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, do vậy phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ…

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết cũng tiếp tục kiến nghị với đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu tại buổi làm việc ở địa phương vào cuối tháng 9/2019.

Theo đó Bình Thuận kiến nghị trước mắt xem xét, có ý kiến chấp thuận cho triển khai 4 dự án, gồm: Dự án Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né (1.020 ha), dự án đầu tư Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài (261 ha), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng (195 ha), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Thư Minh Nguyễn (127 ha).

Tỉnh còn kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm kết nối, khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đồng thời  kiến nghị Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư Sân bay Phan Thiết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường ven biển trọng điểm, cấp bách là ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà; đường ĐT 719 Kê Gà - Tân Thiện và đường ĐT 711...

Được biết, ngoài một hệ thống giao thông quy mô lớn như tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác nhiều năm qua, nay đang được đề xuất đầu tư mở rộng lên 10 làn xe thì tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2020. Sân bay Phan Thiết dự kiến khởi công xây dựng trong thời gian tới.

Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 543 ha. Trong đó, trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện nay địa phương ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao trong 3 lĩnh vực: du lịch, công nghiệp "xanh, sạch" và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đặc biệt, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.

Doanh nghiệp địa ốc đồng loạt hạ chỉ tiêu kinh doanh

Pháp lý dự án chậm, không có hàng bán, nợ bủa vây..., khiến các công ty bất động sản phải giảm doanh thu, lợi nhuận, bán tài sản để duy trì bộ máy.

Lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại quận Bình Thạnh tiết lộ, suốt 10 tháng qua, 2 dự án công ty dự định hoàn tất thủ tục pháp lý để ký hợp đồng mua bán với khách hàng đều bị chậm tiến độ. Do đó, công ty buộc phải xin lỗi khách hàng, lùi thời gian ra hợp đồng đến giữa năm 2020. Điều này dẫn đến doanh nghiệp cũng không thể thu thêm tiền của khách mua nhà, dòng tiền cho năm 2019 bị nghẽn cục bộ.

"Chúng tôi phải đổi kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ mức lãi hàng chục tỷ sang mức khiêm tốn hơn, giảm khoảng 65% lợi nhuận, và dòng tiền thu về chủ yếu do bán tài sản khác", ông tiết lộ.

Trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản (chủ đầu tư) gặp khó khăn, tình thế cũng không khá hơn là bao đối với các công ty môi giới. Những đơn vị chỉ thuần túy phân phối nhà đất cũng đang phải chật vật tồn tại vì không có nhiều hàng để bán giữa lúc tâm lý khách hàng rơi vào giai đoạn hoài nghi sau nhiều vụ lừa đảo bán đất bị cơ quan điều tra công bố.

Tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản có quy mô 300 nhân viên cho hay, số lượng dự án và sản phẩm doanh nghiệp nhận phân phối trong 10 tháng đầu năm 2019 đang sụt giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện doanh nghiệp chỉ bán bất động sản ven biển và rổ hàng tại TP HCM chỉ bằng 10% so với giai đoạn 2017-2018.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho rằng giai đoạn giảm tốc của thị trường là một phép thử cam go đối với cả chủ đầu tư, các sàn phân phối và ảnh hưởng đến từng môi giới, nhân sự làm trong lĩnh vực này.

Theo ông Hạnh, nhìn chung, doanh thu, lợi nhuận của ngành địa ốc có thể giảm ở mức trung bình 50% (có những trường hợp giảm sốc 65-70%) và điều này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch tiếp cận thị trường.

Thị trường bước vào giai đoạn xuất hiện những nốt trầm sau 3 năm thăng hoa và kịch bản trầm lắng có thể mạnh dần trong thời gian tới. Chi phí lãi vay, tài chính bế tắc, pháp lý kéo dài, bộ máy công ty cồng kềnh mà không có doanh thu là tử huyệt của các doanh nghiệp địa ốc.

TPHCM: Chi 305 tỉ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà ở

Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019.

Theo đó, năm nay quỹ ước giải ngân khoảng 305 tỉ đồng cho vay với đối tượng thu nhập thấp để họ tạo lập nhà ở. Con số này vượt gần 3,4% so với kế hoạch TP giao năm 2019 (295 tỉ đồng).

Theo Quỹ Phát triển nhà ở, từ năm 2015 đến 2019, quỹ đã giải ngân cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ của TP vay tạo lập nhà ở với tổng số tiền khoảng 1.960 tỉ đồng. Và năm 2020, quỹ đưa ra chỉ tiêu giải ngân là 360 tỉ đồng.

Riêng về dự án nhà ở xã hội số 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) do Quỹ Phát triển nhà làm chủ đầu tư, trước tình trạng nhiều người mua nhà ở xã hội của dự án này đang bức xúc vì bàn giao nhà chậm, quỹ này cho biết đến tháng 11-2019 sẽ hoàn thành các khối nhà C, D, E, F. Đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, bàn giao quỹ nhà cho TP để bố trí cho các đối tượng thu nhập thấp.

Sức hút bất động sản nghỉ dưỡng tại Long An

Nằm ở phía Tây TP HCM, Long An có nhiều điều kiện để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Những năm gần đây, giới đầu tư nhận thấy sức nóng từ phát triển bất động sản ven đô TP HCM. Phía Đông thành phố nổi bật là Bình Dương và Đồng Nai. Phía Tây có Long An với vị trí cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư của tỉnh năm 2016, lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh kỳ vọng đưa Long An trở thành một trong những đầu tầu kinh tế mạnh nhất Việt Nam.

Thuận lợi của Long An là nằm giữa TP HCM với vùng Tây Nam bộ, thông qua trục Quốc lộ 1A và cao tốc Trung Lương. Long An là cửa ngõ phía Tây, kết nối TP HCM với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh này cũng có khu kinh tế cửa khẩu với Campuchia.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Long An được định hướng thành tiểu vùng kinh tế của Sài Thành. Huyện Đức Hòa được quy hoạch là đô thị vệ tinh của TP.HCM, kết hợp công nghiệp nhẹ, nông nghiệp đô thị nhằm giãn dân cho trung tâm thành phố.

Theo đà phát triển kinh tế, bất động sản Long An dự kiến hưởng lợi. Nhờ hạ tầng và cách trung tâm TP HCM khoảng 60 phút lái xe, Đức Hòa là tâm điểm bất động sản tại Long An, thu hút được dòng vốn đầu tư từ khu vực lân cận và miền Bắc.

Cơn sốt đất nền nhỏ lẻ năm 2017-2018 dần lắng, giới đầu tư bắt đầu hướng tới các dự án được đầu tư bài bản, pháp lý rõ ràng tại Long An. Một số đơn vị đã đầu tư vào Đức Hòa, trong đó là Trần Anh Group hiện nắm lượng lớn quỹ đất vàng tại Long An.

Dự án West Lake Golf & Villas tại đây được nhiều chuyên gia đánh giá là điểm nhấn cho bất động sản nghỉ dưỡng phía Tây TP HCM. Dự án nằm kề bên sân golf đầu tiên của Long An, đã hoạt động từ 2017 đến nay. Đây là sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế PGA, do công ty hàng đầu thế giới Thomson Perrett thiết kế.

West Lake Golf & Villas có khoảng 100 căn biệt thự đơn lập, song lập và 400 căn biệt thự mini. Khuôn viên dự án có sân golf, các tiện ích như công viên nước, công viên chủ đề, trường học liên cấp và bệnh viện đa khoa.

Giá biệt thự tại West Lakes Golf & Villas thấp nhất 3,5 tỷ đồng đối với nhà thô và từ 4,5 tỷ đồng cho sản phẩm hoàn thiện dạng "chìa khóa trao tay". Chủ đầu tư kỳ vọng, dự án sẽ là hình mẫu tiên phong, định hình đẳng cấp và chất lượng bất động sản nghỉ dưỡng tại Long An.

Thanh Hoá sắp có khu đô thị rộng 1.600ha

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) đề xuất khảo sát, nghiên cứu phương án quy hoạch khu vực phát triển đô thị tại huyện Đông Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đồng ý về chủ trương để Sun Group khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch khu vực phát triển đô thị tại huyện Đông Sơn.

Phạm vi, ranh giới khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc các xã: Đông Yên, Đông Văn, Đông Phú, Đông Thịnh huyện Đông Sơn. Tổng diện tịch nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch khoảng 1.600ha.

Để thực hiện việc lập quy hoạch khu đô thị trên, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Xây dựng cập nhật vào đồ án quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 hiện đang lập để trình duyệt theo quy hoạch.

UBND Quận 12 ra lệnh cưỡng chế công trình không phép tại Khu nhà ở Gò Sao

Về những sai phạm tại dự án Khu nhà ở Gò Sao (tên thương mại là Picity High Pack), UBND quận 12 cho biết trong tháng 11 sẽ thực hiện cưỡng chế tháo dỡ.

Dự án Khu nhà ở Gò Sao (Picity High Pack) do công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư (công ty Gia Cư) làm chủ đầu tư. Dự án toạ lạc tại thửa đất số 147, tờ bản đồ số 65, tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Với diện tích gần 8,7ha, 3000 sản phẩm gồm shophouse và căn hộ chung cư.

Dự án Picity High Park được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư cho công ty Gia Cư vào ngày 27/8/2018. Và cũng cuối năm 2018, công ty Gia Cư đã tiến hành thi công trục đường chính giữa dự án và dãy nhà 1.208m2 trong khu đất trên. Tuy nhiên, việc xây dựng này chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Mặc dù dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn và đã có lệnh cưỡng chế nhưng thời gian qua, nhiều môi giới vẫn ra sức quảng cáo dự án trên với nhiều lời mời chào hấp dẫn. Các tờ rơi, pa nô, áp phích quảng cáo dự án Picity High Park xuất hiện tràn lan ở các tuyến đường trên địa bàn các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức… và trên mạng xã hội.

Cũng tính từ khi có lệnh cưỡng chế đến nay đã 2 tháng trôi qua nhưng phía công ty Gia Cư vẫn chưa chấp hành quyết định trên. Không những không tháo dỡ phần công trình sai phạm mà công ty Gia Cư còn cho công nhân tiếp tục xây dựng.

Do đó, UBND Quận 12 đã ra quyết định sẽ cưỡng chế trong tháng 11 này đối với phần công trình sai phạm tại dự án Khu nhà ở Gò Sao.

Cụ thể, ngày 7/10/2019, UBND quận 12 đã ban hành kế hoạch số: 10356/KH-UBND-ĐT về việc tổ chức thi hành các Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND quận 12 trên địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12 (đợt 4 – năm 2019), trong đó có trường hợp vi phạm xây dựng tại dự án khu nhà ở Gò Sao. Theo đó, UBND phường Thạnh Xuân sẽ tổ chức thực hiện cưỡng chế trong tháng 11/2019.

Cà Mau: Tạm dừng cho thuê lô đất 22.000 mét vuông

Ngày 4/10/2019, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định số 1696/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê tại Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau (giai đoạn 2019 - 2023).

Quyết định này căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ – CP ngày 26.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra, quyết định nêu rõ là xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau tại tờ trình số 25/TTr-CĐN ngày 13.8.2019...

Nội dung quyết định do ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký, thể hiện sẽ cho thuê trực tiếp các hạng mục như: 26 phòng học lý thuyết, 2 hội trường, phòng máy tính... (là cơ sở vật chất của Trường trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật để lại sau khi được giải thể). Ngoài các hạng mục trên, khu đất công hơn 22.800 mét vuông là sân tập lái xe ô tô thuộc Trường trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật trước đây cũng được quyết định cho thuê trực tiếp.

Ngoài khu đất công được xem xét cho thuê trực tiếp này, thì 3 căng tin và một số hạng mục khác được quyết định phải đấu giá. Tất cả đất đai, cơ sở vật chất nói trên đều thuộc Trường trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật trước đó. Sau khi trường này được giải thể, số tài sản này được giao về cho Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau quản lý.

Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau sau đó đã tiến hành các bước thủ tục cho Công ty cổ phần Đào tạo lái xe Bình An thuê lại tài sản công theo Quyết định số 1696/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau cho biết UBND tỉnh vừa chỉ đạo tạm dừng việc cho thuê không qua đấu giá này, nên trường đã có thông báo cho Công ty cổ phần Đào tạo lái xe Bình An biết.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh cũng xác nhận lãnh đạo tỉnh đã quyết định tạm thời dừng lại việc cho thuê, nhưng ông chưa nắm được lý do vì sao dừng lại.

Bản tin bất động sản hôm nay 5/11: Gọi đầu tư Trung tâm triển lãm hơn 158.000 m2 tại Thủ Thiêm - Bản tin bất động sản ngày 5/11 có những nội dung: Đất Đà Lạt bị cò thổi giá; Phong tỏa tài khoản, tài sản của nữ Giám đốc Công ty Angel Lina…
Bản tin bất động sản hôm nay 4/11: Loạn dự án “ma”: Mạo danh chủ đầu tư, rao bán đất công - Bản tin bất động sản ngày 4/11 có những nội dung: Biệt thự, nhà phố thương mại tại Sài Gòn tăng giá mạnh; TP.HCM quyết xử lý dứt điểm nhà ở “3 chung”...
Bình luận