Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 7/1/2020: Dòng tiền tích lũy cuối năm nay có đổ vào bất động sản?

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 7/1 có những nội dung nổi bật sau: Giá nhà đất hạ nhiệt; Khan hiếm căn hộ giá trung bình ở những khu vực cận trung tâm TPHCM.

Giá nhà đất hạ nhiệt

Đến thời điểm này, thị trường bất động sản (BĐS) cả nước nói chung và TP HCM nói riêng vẫn chưa khởi sắc như kỳ vọng. Do đó, nhiều người vì nhu cầu tiêu dùng cuối năm buộc phải hạ giá nhà, đất, thậm chí bán lỗ mới mong tìm được người mua.

Ở khu Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), gần đây giá bán nhiều căn hộ đã giảm từ 200-500 triệu đồng/căn. Như căn hộ 2 phòng ngủ diện tích tầm 80 - 83 m2 ở khu Park 2-3 tháng trước giao dịch từ 6,7-6,8 tỉ đồng/căn thì nay hầu hết chào bán còn 6,5 tỉ đồng.

Ở phân khúc đất nền, tỉ lệ giảm giá còn lớn hơn, tập trung ở những khu vực từng nóng sốt như quận 9, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… Ở quận 9, nền đất có diện tích 50 m2 ở những khu dân cư mới đang được rao bán khoảng 2,2 tỉ đồng/nền (đất hẻm), giảm khoảng 150 triệu đồng/nền so với giữa năm 2019. Một số nền mặt tiền dao động 2,8 - 3,3 tỉ đồng, giảm từ 100-200 triệu đồng/nền so với cách đây 4 tháng.

Thậm chí, những lô đất xung quanh khu tái định cư Phước Thiện của Vinhomes Grand Park, giá bán cũng hạ nhiệt so với vài tháng trước. Anh Khánh, chuyên môi giới giao dịch BĐS, thừa nhận vài tháng trước, giá đất khu này mua bán phổ biến từ 50-52 triệu đồng/m2 nhưng nay chỉ còn 42-45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo anh Khánh, hiện tại nhu cầu bán ra là chủ yếu, còn người mua rất ít.

Tương tự, tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi... một số nền thổ cư đã hạ giá để tìm người mua. Mức hạ không đáng kể nhưng đây là hiện tượng hiếm thấy ở phân khúc đất nền trong vài năm trở lại đây.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá BĐS ở TP HCM, đặc biệt là đất nền, đã có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn còn khá cao so với đầu năm 2019, mức tăng ít nhất 15%-20%. Chẳng hạn, đầu năm 2019 giá đất nền thổ cư ở 2 phường Long Phước, Long Trường (quận 9) dao động khoảng 36-38 triệu đồng/m2, hiện rao bán từ 42-43 triệu đồng/m2. Những người có đất bán ở thời điểm này đều đã có lợi nhuận đáng kể.

Cũng theo chuyên gia này, việc giá BĐS giảm cuối năm là tín hiệu đáng mừng. Bởi, trước đây khi thị trường khan hiếm nguồn cung, lực lượng "làm giá" quá lớn, từ chủ đầu tư, nhân viên môi giới tới cò đất tung chiêu... khiến nhiều người lầm tưởng thị trường vẫn sôi động, giá sẽ tiếp tục tăng nên chấp nhận mua với giá cao. Nay thị trường diễn biến không thuận lợi nên họ chủ động hạ giá để bán được, nếu không sẽ rất dễ "ôm hàng".

Dòng tiền tích lũy cuối năm nay có đổ vào bất động sản?

Quan sát thị trường BĐS cận Tết năm nay thấy rõ, lượng người đi mua đất vào dịp cuối năm bằng tiền tích lũy có vẻ thưa hơn hẳn so với các năm về trước. Một phần vì thị trường không còn nhiều sản phẩm để lựa chọn, phần vì theo khách mua, họ cũng không tự tin để mua nhà đất ở thời điểm này.

Đối với những người mua đất nền để xây nhà sau đó hoặc mua nhà phố đã xây sẵn trên đất có lẽ còn tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều. Nếu cách đây 2 năm, các nền đất, căn nhà ven Tp.HCM như Q.12, Q.9, Q.Bình Tân…, người mua thực đổ xô đi tìm kiếm vào dịp cận Tết là chuyện thường thấy, thì hiện tại tình hình trái ngược.

Dù vẫn có hoạt động tìm kiếm BĐS giáp Tết nhưng thưa thớt và giảm rõ nét. Theo những người mua thực, trước việc đất pháp lý chưa rõ ràng rộ lên suốt thời gian qua khiến họ không còn tự tin để tìm mua đất. Chưa kể, việc thổi giá, làm giá từ cò đất, khiến họ cũng bị loạn giá, mỗi người hét một kiểu, không biết đâu là giá thực để mua vào. Trong khi đa số những người đi mua thực đều khiêm tốn về dòng tiền, chủ yếu là tiền tích cóp hoặc vay mượn người quen.

Đây cũng là thời điểm những NĐT có dòng tiền thường tìm kiếm BĐS để đầu tư và có thể chốt lời vào giữa - cuối năm sau. Nhưng, nhìn chung thị trường BĐS Tp.HCM có dấu hiệu chững khiến NĐT cũng cân nhắc đủ đường. Mặc dù họ vẫn tìm kiếm những khu vực giá giảm hoặc còn biên độ tăng giá ổn trong năm 2020 để mua vào nhưng nhìn toàn diện thì những khó khăn trong việc tái dòng tiền đầu tư là thực tế thấy rõ ở thời điểm này.

Không ít NĐT cân nhắc với các phân khúc BĐS để đầu tư ở thời điểm này. Đây cũng là một điểm khác biệt so với các năm trước. Với thị trường cách đây 2 năm, giáp Tết là thời điểm NĐT ít tính toán với phân khúc đầu tư, dòng tiền hầu hết rải đều ở các phân khúc BĐS, trong đó đất nền vẫn nhỉnh hơn. Thì năm nay không ít NĐT “nói không” với đất nền và căn hộ và bắt đầu tìm kiếm các dự án BĐS nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển với kì vọng đầu tư sinh lời lâu dài.

Nhìn về thị trường BĐS, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cũng không nên quá bi quan về thị trường BĐS. Thực tế, đây là thời điểm thị trường đang sàng lọc để đi vào ổn định. Những chỉ số về tín dụng vào BĐS vẫn rất khả quan.

Khan hiếm căn hộ giá trung bình ở những khu vực cận trung tâm TPHCM

Hiện nay, nguồn cung bất động sản trên thị trường ngày càng ít, nhất là với phân khúc thị trường căn hộ có mức giá 2-3 tỷ đồng/căn nằm ở những quận cận trung tâm TPHCM. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp phải có sự chuẩn bị, xây dựng những chiến lược chuyên biệt để bước vào cuộc cạnh tranh, đầu tư các dự án lớn, có chất lượng và đồng bộ hạ tầng.

CBRE cho rằng hiện nay nguồn cung căn hộ thuộc nhiều dự án đã và đang xây dựng tại quận trung tâm TPHCM như quận 1, 2 và 3 đều đã được giao dịch 100%, trong đó phần lớn là đầu tư cho người nước ngoài thuê sinh sống và làm việc. Nhu cầu mua nhà tại những khu vực không quá xa trung tâm, với mức giá hợp lý hơn (trong ngưỡng 2-3,5 tỷ đồng/căn) đang rất cao, nhưng nguồn cung lại quá khan hiếm.

Theo quan sát của CBRE, nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc này đều là những dự án đang xây dựng dang dở từ giai đoạn 2017-2018, toạ lạc tại một số quận cận khu trung tâm trong bán kính 3-5km như quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình.

Điển hình tại khu vực quận Bình Thạnh lâu nay đã khan hiếm quỹ đất sạch để triển khai dự án, nhất là căn hộ trung bình nên để có dự án giá trên dưới 3 tỉ đồng nhiều chủ đầu tư đã rất cân nhắc, và khi tung ra sản phẩm mới hầu hết đều hút hàng. Chưa kể, tại khu vực này cũng đang xảy ra tình trạng "ăn theo" các dự án căn hộ cao cấp của Vinhomes, Novaland, CII… nên một số dự án ở khu vực này tăng giá theo, nhất là dự án có giá trung bình, dưới 3 tỉ đồng/căn.

Một số khách hàng cho biết các dự án này đều có mức giá từ 2,5 - 3 tỷ đồng/căn, lại nằm ở những vị trí cách quận 1 chỉ khoảng 2-3km, với khá nhiều tiện ích ngoại khu xung quanh rất dễ dàng tiếp cận. Song song đó, bằng việc TPHCM đầu tư di dời bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) để tạo quỹ đất phát triển đô thị, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 13, xây dựng tuyến đường trên cao từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TPHCM... sẽ tạo các hướng lưu thông thuận lợi, góp phần giãn dân. Từ đó tăng nhu cầu tìm kiếm mua căn hộ của người dân ở các khu vực ngoại vi ngày một cao.

Nhà đất Hà Nội bất ngờ tăng giá

Trong quý 4/2019, thị trường chung cư Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán căn hộ tăng đều ở các phân khúc,  trong đó giá bán sơ cấp trung bình tại thời điểm quý 4 được ghi nhận ở mức 1.370 USD/m2, tăng 5% theo năm.

Thống kê trên được Công ty CBRE đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả khảo sát thị trường bất động sản Hà Nội quý 4/2019, sáng 7/1.

Theo khảo sát của CBRE, tính từ năm 2010-2019 số lượng căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng lên gấp 4 lần, lên mức 304.000 căn. Xu hướng gia tăng chung cư đến từ lối sống ưu chuộng sự tiện lợi của giới trẻ. Họ dễ thay đổi hơn với môi trường sống chung cư.

Từ năm 2010-2015 chủ yếu phát triển ở phía Tây nhưng từ 2015 đến nay xu hướng mở rộng thị trường bất động sản Hà Nội ra khu phía Đông và Bắc với nhiều khu đô thị lớn. Trong 4 năm qua, mức giá các phân khúc tăng dần đều ổn định. Tuy nhiên có một số khu vực ghi nhận mức tăng mạnh như Long Biên tăng khoảng 70% trong vòng 4 năm từ 2015 giá 1.070 USD/m2 đến 1.810 USD/m2 năm 2019.

Trong năm 2019, thị trường chung cư để bán ở Hà Nội tiếp tục duy trì lượng cung mới cao khoảng 36.000 căn mở bán mới. Trung bình giai đoạn 2015-2019, mỗi năm thị trường Hà Nội ghi nhận khoảng 35.000 căn hộ mở bán mới, cao hơn gấp hai lần con số trung bình trong giai đoạn 2010-2014 là 14.800 căn.

Giá bán sơ cấp trung bình tại thời điểm quý 4 được ghi nhận ở mức 1.370 USD/m2, tăng 5% theo năm. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng ở tất cả các phân khúc. Đáng chú ý các dự án đến từ khu đô thị tiện ích đồng bộ và cơ sở hạ tầng hoàn thiện có giá bán cao hơn giá trung bình hiện tại ở cùng khu vực, khiến cho một số khu vực như Gia Lâm, Long Biên hay Hà Đông đạt ngưỡng giá mới.

Theo CBRE, trong năm 2020, các sản phẩm trung cấp dự kiến sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường với các sản phẩm mới đến từ các khu đô thị. Do vậy, với quy mô của các dự án này, phân kỳ hợp lý, cải tiến sản phẩm và các chiến dịch marketing hiệu quả là yếu tố quan trong để tạo nên sự khác biệt và cạnh tranh.

Dự kiến sẽ có nhiều sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang trong năm nay. Đây là các dự án nằm tại các khu vực phát triển hiện hữu và đượng hưởng lợi từ các hạng mục thương mại khác trong tổ hợp.

Ở phân khúc nhà ở gắn liền với đất như biệt thự, liền kề…cũng có kết quả khả quan với hơn 3.850 căn được bán thành công trong quý 4/2019, tăng 47% so với cùng kỳ 2018.

Giá bán cũng tăng nhẹ khoảng 2,2% so với quý trước đó và tăng 11,3% so với cùng kỳ 2018, đạt mức trung bình 4.248 USD/m2. Trong đó một số khu dân cư mới ở Hoài Đức, Hà Đông, Gia Lâm…có mức tăng giá khá cao.

HoREA: Thị trường bất động sản sẽ còn sụt giảm trong vài năm tới

Thị trường bất động sản đã có sự sụt giảm khoảng hai năm trở lại đây, bắt đầu từ tháng 10/2015 nhưng do độ trễ nên đến 2018 - 2019 mới thể hiện rõ nét. Tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong vài năm tới.

Thông tin trên được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), đưa ra tại hội thảo Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” diễn ra tại TP. HCM sáng nay (6/1).

2019 là năm kỷ lục của ngành bất động sản công nghiệp

Năm 2019 là một năm kỷ lục của ngành bất động sản công nghiệp và Logistic Việt Nam khi nguồn vốn trực tiếp từ nước ngoài FDI vào các ngành chế biến và chế tạo vẫn gia tăng tích cực. Xu hướng này không có gì đáng ngạc nhiên khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển nhà máy sang các khu vực khác ở Đông Nam Á, trong đó gồm Việt Nam.

Theo CBRE, nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao đã góp phần giúp thị trường bất động sản công nghiệp trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các khu công nghiệp thuộc tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy trong bối cảnh nhu cầu về phát triển công nghiệp tăng cao. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80% vào cuối năm 2019.

Tính đến năm 2019, khu vực phía Nam Việt Nam (bao gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) đã chào đón khoảng 380.500m2 nhà xưởng xây sẵn, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung mới trong năm 2019 của khu vực phía Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên là 321.420m2, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo CBRE, trong thời gian gần đây ngành chế tạo ô tô đã có tác động mạnh mẽ đến phân khúc BĐS công nghiệp. Ngành công nghiệp chế tạo để là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, với nhiều nhà đầu tư tên tuổi đáng chú ý khác nhau như Samsung, Pou Chen Group, THACO Group và Vinfast đã tạo ra được nhiều dấu ấn khác biệt trong ngành. Ảnh hưởng lớn nhất của các nhà đầu tư này là xây dựng cũng như phát triển các trung tâm công nghiệp phụ trợ và cung ứng.

Theo đánh giá của CBRE, nhìn chung, sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp phụ trợ đã nhận được nhiều sự quan tâm rộng rãi ở Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường tập trung vào một khu công nghiệp riêng biệt hoặc nằm trong bán kính 40km từ các nhà máy lắp ráp chính. Do đó, các chủ đầu tư đang trong thời điểm tốt để xây dựng mô hình nhà xưởng chính, mô hình nhà xưởng xây sẵn tập trung vào việc thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, cùng với phát triển ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý bất động sản.

Đồng Nai rà soát lại các khu vực Địa ốc Alibaba phân lô, bán nền trái phép

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát lại các khu vực Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã đầu tư, nhận chuyển nhượng đất phân lô, bán nền trái phép.

Sau đó, đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai, kinh doanh bất động sản tại địa phương có Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đầu tư không đúng quy định pháp luật. Từ đó, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Đồng thời, đề ra giải pháp nâng cao công tác quản lý về xây dựng, kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Các huyện, thành phố chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái phép, xây dựng trái phép trên địa bàn.

Giá phòng khách sạn TP.HCM cán mốc kỷ lục trong 5 năm

Thị trường khách sạn TP.HCM năm 2019 hoạt động tốt với lãi suất ổn định ở mức 68% và giá phòng cao nhất trong 5 năm với 85 USD/phòng/đêm, theo Savills Việt Nam.

Nguyên nhân giá phòng đạt mức cao là bởi sự dẫn dắt bởi giá phòng tăng của khách sạn 5 sao. Lượng khách quốc tế đến TP.HCM chiếm 48% cả nước, tương ứng với 8,6 triệu khách.

Trong khi đó, quý 4/2019 TP.HCM không có nguồn cung mới, thị trường đến cuối 2019 có hơn 15.900 phòng từ 125 khách sạn 3 đến 5 sao. Nguồn cung giảm 1% theo quý do ba khách sạn 3 sao đóng cửa nhưng nguồn cung vẫn tăng 1% theo năm.

Trong suốt quý 4, công suất phòng tăng 13 điểm phần trăm và giá phòng tăng 4% theo quý. Savills ước tính, đến năm 2023, thị trường thêm vào hơn 5.000 phòng, khu vực trung tâm chiếm 59% nguồn cung tương lai.

Ở phân khúc căn hộ dịch vụ, nguồn cung đạt hơn 6.300 căn, tăng 9% theo quý và 10% theo năm. Trong quý 4/2019, nguồn cung mới bao gồm 600 căn từ các dự án hạng B và C.

Mặc dù nguồn cung tăng liên tục, công suất trung bình trong năm 2019 vẫn tăng 1 điểm phần trăm theo năm, đạt 84%, trong khi giá thuê tăng 1% theo năm do tình hình hoạt động tốt từ các dự án hạng B.

Trong tương lai, gần 1.700 căn sẽ đi vào hoạt động, trong đó, 62% thuộc khu vực ngoài trung tâm. Quận 2 chiếm lĩnh nguồn cung tương lai với 53%.

Khởi công xây dựng nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sáng 6/1, UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, công trình có tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2021.

Khánh Hòa: Chấm dứt một dự án 7.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện các thủ tục cần thiết để chấm dứt đầu tư dự án xây dựng trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT do không cân đối được nguồn vốn...

Thông tin được ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết ngày 6/1. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư, tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh đã trả lại toàn bộ số tiền ký quỹ thực hiện dự án cho nhà đầu tư.

Cùng ngày, đại diện UBND TP. Nha Trang cũng thông tin, thành phố đang rà soát thủ tục để hủy bỏ thông báo thu hồi đất thực hiện dự án khu trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa được ban hành hồi tháng 11/2014, báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh Khánh Hòa theo quy định pháp luật, để không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực này.

Trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên rừng & biển Hồ Tràm  - Hơn 300 khách hàng đã cùng đến tham dự “hành trình trải nghiệm” Vườn xuân miền nhiệt đới - tham quan và tận hưởng phong cách sống nghỉ dưỡng tại NovaWorld Hồ Tràm ngày 04/01.
Bất động sản Đồng Nai – Tâm điểm hút vốn 2020  - Theo nhận định của nhiều nhà ĐT và chuyên gia BĐS, sau khu Nam và khu Đông, thị trường khu vực giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai đang hấp dẫn nhờ những định hướng phát triển ĐT trong tương ...
Bình luận