Chờ...

Bản tin bất động sản ngày 5/9/2019: Khởi động đầu tư xây dựng dự án Trung tâm TM ngầm Bến Thành

(VOH) - Bản tin bất động sản với những nội dung nổi bật: Thị trường bất động sản Bình Dương: Sóng ngầm tăng giá; Lí do bất động sản công nghiệp bước vào chu kì mới…

Khởi động đầu tư xây dựng dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành

UBND TPHCM vừa giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị lập kế hoạch triển khai thực hiện dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành.

Các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong việc chuẩn bị các đầu mối đấu nối hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành, đảm bảo đồng bộ với tiến độ hoàn thành của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng thiết kế tại khu vực nhà ga Trung tâm Bến Thành

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên gồm 14 nhà ga. Trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành là nhà ga tích hợp, đóng vai trò trung chuyển giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3a và 4.

Thiết kế sơ bộ của nhà ga trung tâm Bến Thành có bao gồm trung tâm thương mại ngầm được nghiên cứu bởi nhóm nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) như sau: nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 1 và nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 4 sẽ nằm tại tầng hầm B2;

Nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nằm tại tầng hầm B4; tầng hầm B3 là tầng trung chuyển hành khách giữa các tuyến; tại tầng hầm B1 dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm thương mại ngầm kéo dài dọc theo đường Lê Lợi hướng về nhà ga Nhà hát TPHCM (dài khoảng 550m).

Hiện nay, UBND TPHCM đang rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ngầm này vì đây được xem là một biểu tượng đặc trưng mà bất kỳ một TPHCM văn minh, hiện đại nào trên thế giới cũng đều có.

 Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản Bình Dương: Sóng ngầm tăng giá

Thị trường địa ốc Bình Dương, đặc biệt là các khu vực giáp ranh tới TP HCM thời gian qua đã diễn ra một làn sóng ngầm về tăng giá Theo khảo sát, biên độ tăng giá nhà đất của Bình Dương không thua kém TP HCM và cao hơn nhiều so với các khu vực khác.

Tại các khu vực giáp ranh với TP HCM như Dĩ An, Thuận An hay trung tâm của thành phố Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương thời gian qua không ngừng chứng kiến những đợt sóng ngầm về tăng giá đất. Lấy mốc thời điểm 3 năm trở lại đây để so sánh, giá đất tại nhiều dự án ở Dĩ An, Thuận An đã có biên độ tăng giá từ 50% đến 100%, thậm chí  có nơi tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với lúc mở bán. Tuy nhiên, có một sự khác biệt so với các thị trường bất động sản khác, giá nhà đất tại Bình Dương tăng cao xuất phát từ nhu cầu khai thác sử dụng hơn là mục đích đầu cơ, lướt sóng.

Ghi nhận thực tế tại các dự án khu vực thị xã Dĩ An, so với cách đây 3 năm, đến nay có mức giá tăng đến gấp 3 lần. Hầu hết các dự án tại khu vực Dĩ An, Thuận An đều có mức giá tăng khá mạnh trong thời gian qua. Cùng với "cơn sóng" nhà phố, thị trường căn hộ tại Bình Dương cũng đang thiết lập một mặt bằng giá mới, nhiều dự án trong đợt mở bán lần đầu đã đưa ra mức giá 30-35 triệu đồng/m2, tăng tới 20% - 30% so với thời điểm cuối năm 2018.

Khởi công dự án Sài Gòn Sport City trong tháng 9/2019

(TBCKVN) - UBND TP. HCM mới đây đã đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục chuẩn bị cho lễ khởi công dự án Sài Gòn Sport City trong tháng 9/2019...

Các cơ quan chức năng được giao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục giao, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định tiền sử dụng đất của dự án; hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục nộp ngân sách Nhà nước số tiền 100 tỷ cam kết hỗ trợ thành phố khi thực hiện dự án này.

Đối với phần đất công có diện tích khoảng 5.600 m2, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phối hợp với UBND quận 2 thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trước khi tổ chức đấu giá khu đất.

Dự án Sài Gòn Sports City là khu nhà ở phức hợp gồm các căn hộ, khu thương mại dịch vụ và khu thể thao công cộng, nằm trong tổng thể khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, thuộc phường An Phú, Quận 2.

Dự án có quy mô 64 ha, mật độ xây dựng toàn khu chiếm khoảng 25%, hệ số sử dụng đất là 1,29, dự kiến có tổng cộng 10 block, mỗi block được thiết kế tối thiểu cao 1 tầng và tối đa là 30 tầng, cung ứng khoảng 4.300 căn hộ.

Nhà đầu tư của dự án là Công ty TNHH Sài Gòn Sports City. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Thành lập Ban Quản lý phát triển đô thị TP.HCM

UBND TP.HCM vừa thành lập Ban Quản lý Phát triển đô thị Thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM và Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM.

Ban Quản lý Phát triển đô thị là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP.HCM, có chức năng thực hiện quản lý nhà nước theo cơ chế “một cửa” về đầu tư, quy hoạch và xây dựng các khu đô thị theo sự ủy quyền của UBND Thành phố (trừ Khu đô thị mới Nam TP.HCM do Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Nam TP.HCM quản lý).

Tại TP.HCM, 2 ban quản lý nêu trên là đầu mối, được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn phục vụ phát triển các khu đô thị trọng điểm của Thành phố.

Khu ổ chuột trên “đất vàng”

(Lao động) - Nằm lọt thỏm trong các tuyến đường “đất vàng” Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Trãi thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nhưng sau 20 năm sống cuộc sống quy hoạch treo như một kiếp nạn, khu Mả Lạng dường như tách biệt hẳn với thế giới nhộn nhịp và phát triển của TPHCM. Gần 1.500 người dân sinh sống trong khu vực này vẫn phải chịu cảnh “khu ổ chuột” giữa trung tâm thành phố hoa lệ.

Nhìn bên ngoài, ít ai biết đằng sau những tuyến đường buôn bán sầm uất, những tuyến đường vào khu Mả Lạng như một mê trận với hàng loạt con hẻm nhỏ chạy loằng ngoằng, có đoạn chỉ đủ để một chiếc xe máy đi qua. Khoảng hơn 500 hộ dân với gần 1.500 con người đang phải sinh sống trong những căn nhà nhỏ lụp xụp, rách nát, tối om, có căn chỉ từ 4-7m2.

Chờ xây cầu, TP HCM nghiên cứu mở rộng một số tuyến đường khu cảng Cát Lái

Theo dự kiến, cầu Cát Lái sẽ khởi công từ năm 2020. Hiện tại, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái, TP HCM chấp thuận chủ trương nghiên cứu mở rộng đường Nguyễn Thị Định, đường Nguyễn Duy Trinh và xây đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu.

UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương nghiên cứu phương án mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái) và phương án xây dựng đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu).

Đồng thời, UBND TP cũng vừa kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm xem xét nhu cầu sử dụng phà tại bến phà Bình Khánh và bến phà Cát Lái để điều chuyển phương tiện phà từ bến phà Vàm Cống về hoạt động tại hai bến phà này.

Đây là các biện pháp mà thành phố đang nghiên cứu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.

Trước đó, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị tách dự án xây cầu Cát Lái thành ba dự án thành phần. Nguyên nhân là do dự án có tổng mức đầu tư dự kiến quá lớn – khoảng 7.200 tỉ đồng, vì thế việc triển khai theo hình thức BOT cho toàn dự án không khả thi.

Trong đó, hai dự án thành phần là xây dựng hai phần đường dẫn phía TP HCM và Đồng Nai, được Đồng Nai kiến nghị giao cho hai tỉnh thành triển khai thực hiện cùng theo hình thức BT.

Còn đối với phần cầu chính, Đồng Nai xin được thực hiện theo hình thức BOT. Nếu trong quá trình nghiên cứu mà việc thực hiện theo hình thức BOT không khả thi thì sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT. Tỉnh sẽ nghiên cứu trả cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT này quĩ đất tại địa bàn Đồng Nai.

Hiện tại, lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái đang vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh.

Khu vực này có cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây… nhưng chỉ dành cho ô tô lưu thông. Vì thế việc đi lại giữa quận 2 (TP HCM) với Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái. Trong khi sắp tới sẽ khởi công dự án sân bay quốc tế Long Thành, đòi hỏi kết nối tại khu vực phà Cát Lái phải bắt kịp tốc độ phát triển.

Cung nhà ở vượt cầu nhiều lần, Quảng Ninh lệnh không đề xuất dự án mới

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhu cầu nhà ở tại tỉnh này đang trong tình trạng cung vượt quá cầu nhiều lần, đây là một trong những lí do khiến một số dự án hạ tầng đang triển khai chậm tiến độ.

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai 85 dự án hạ tầng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.979 ha, tương ứng với khoảng 43.800 căn hộ, ô đất ở.

Trong khi đó, dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với qui mô 3.186 ha, với 13,8 triệu m2 đất ở, tương ứng khoảng 99.000 căn hộ cũng đang chuẩn bị triển khai.

Như vậy, nhu cầu nhà ở đang trong tình trạng cung vượt quá cầu nhiều lần, đây là một trong những lí do khiến một số dự án hạ tầng đang triển khai chậm tiến độ.

Để khắc phục tình trạng trên cũng như giảm hiện tượng bong bóng bất động sản, để dành quĩ đất cho phát triển sản xuất, phát triển dịch vụ cũng như chỉ phát triển đô thị khi có nhu cầu đất ở thực sự và phát huy tối đa hiệu quả từ đất đai, ngày 28/8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các địa phương rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, nhà ở trên địa bàn.

Lí do bất động sản công nghiệp bước vào chu kì mới

Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo chuyên đề Bất động sản công nghiệp những tháng đầu năm 2019 và đưa ra đánh giá tích cực cho chu kỳ phát triển mới đầy tiềm năng của thị trường này.

Báo cáo cũng nêu 7 lý do giải mã vì sao bất động sản công nghiệp Việt Nam đang bước vào thời hoàng kim và trở thành thỏi nam châm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong vòng 6-12 tháng qua.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Với 25% thuế quan xuất khẩu áp trên tổng giá trị xuất khẩu 250 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá 300 tỷ USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có tác động tích cực đến cơ hội của bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ cuộc thương chiến này hướng các công ty đa dạng hoá quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy sang một bến đỗ mới ít rủi ro và nhiều cơ hội hơn và Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm này.

Căn hộ Bình Dương có giá xấp xỉ ngoại thành TP. HCM liên tục cháy hàng

Năm 2019, giá căn hộ tại Bình Dương cán mức 25 - 35 triệu/m2. Mức giá này được đánh giá gần bằng một số dự án căn hộ ở ngoại thành TP. HCM. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là các dự án này vừa giới thiệu ra thị trường đã nhanh chóng cháy hàng.

6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản Bình Dương sôi động khi ghi nhận nguồn cung hơn 7.200 căn hộ đến từ 10 dự án. Điều đáng chú ý, không chỉ đón nhận nguồn cung lớn, phân khúc căn hộ tại Bình Dương còn thiết lập mặt bằng giá mới, dao động từ 25 - 35 triệu/m2. Mức giá này được đánh giá xấp xỉ các dự án tọa lạc ở ngoại thành TP. HCM như Quận 12, Bình Chánh, Thủ Đức… Hầu hết các dự án này đều sở hữu tốc độ giao dịch rất tốt, lượng hàng được tiêu thụ nhanh chóng trong 1 - 2 đợt mở bán đầu tiên.

Chủ đầu tư xây dựng trái phép nhiều hạng mục tại cao ốc The One Saigon

Mặc dù chưa được Sở Xây dựng cấp phép, nhưng chủ đầu tư địa ốc The One Saigon (đường Ký Con, quận 1, TP. HCM) đã tự ý xây dựng, cơi nới nhiều hạng mục và kinh doanh quán bar không phép trên tầng thượng khiến người dân bức xúc.

Sở Xây dựng TP. HCM vừa có văn bản trả lời báo chí liên quan việc Công ty CP Tập đoàn Capella tự ý cơi nới, xây dựng trái phép nhiều hạng mục tại cao ốc The One Saigon.

Cụ thể, CTCP Tập đoàn Capella (tiền thân là Công ty địa ốc Bến Thành) chủ đầu tư cao ốc The One Saigon đã tự ý mở rộng diện tích khu căn tin, văn phòng, kỹ thuật tại tầng 21, 22, 23 và chuyển đổi sang kinh doanh nhà hàng trên nóc cao ốc The One Saigon. Sau khi phát hiện sự việc, Thanh tra Sở Xây dựng đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. HCM. Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND quận 1 để xem xét, xử lý.

Điểm danh những chung cư sắp sập tại TP.HCM

Trong khi quá trình di dời, cải tạo và xây dựng lại các toà nhà chung cư cũ ở TP.HCM vẫn còn chậm chạp, nhiều người vẫn đang sống trong những căn hộ xuống cấp, nguy hiểm cận kề.

Chung cư số 155-157 đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) thuộc diện phải di dời khẩn cấp vì đã được xây dựng cách đây hơn 50 năm. Chung cư rộng gần 600 m2 cao 7 tầng với tổng diện tích sàn hơn 4.000 m2. Mặc dù UBND quận 1 đã thông báo kế hoạch xây dựng mới, chung cư 155-157 Bùi Viện vẫn chưa tìm được nhà đầu tư, trong khi người dân đã di dời gần hết. Vị trí của chung cư này được đánh giá là “vị trí vàng” của quận 1, có giá đất cao hàng đầu thành phố và nằm ngay trên khu phố Tây sầm uất.

Bản tin bất động sản ngày 4/9/2019: Nhộn nhịp phân lô bán nền “đón đầu” sân bay Long Thành  - Bản tin bất động sản với những nội dung nổi bật: Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ có thêm chức năng phát triển du lịch; Báo cáo khắc phục sai phạm Mường Thanh.
Novaland khai trương sàn giao dịch bất động sản Novaland Cam Ranh- Ngày 31/8, sàn giao dịch BĐS Novaland Cam Ranh chính thức khai trương và đưa vào hoạt động ngay tại vị trí dự án NovaBeach Cam Ranh Resort and Villas (Khánh Hòa).
Bình luận