Chờ...

“Nhúng chàm” là gì? Cách hạn chế mắc phải sai lầm trong cuộc sống

VOH - Chúng ta đều đã nghe nhắc đến thành ngữ "tay đã nhúng chàm" khi nhắc đến hành vi để lại những ảnh hưởng tiêu cực. Vậy "nhúng chàm" là gì?

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, có những hành động để lại hậu quả lớn, khó có thể khắc phục, được miêu tả bằng thành ngữ “tay đã nhúng chàm”.

Vậy “nhúng chàm” là gì mà con người không nên mắc phải? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

“Nhúng chàm” là gì?

Ẩn dụ là biện pháp tu từ được sử dụng rộng rãi, không chỉ trong các tác phẩm văn học mà còn trong giao tiếp thường ngày. Các sự vật, hiện tượng được đề cập thường được gọi tên thông qua các sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng. Chính nhờ điều này mà chúng ta có thể bộc lộ tình cảm, cảm xúc hoặc thái độ đối với đối tượng khác một cách kín đáo, tinh tế.

Từ xa xưa, “nhúng chàm” là một hoạt động trong lao động sản xuất. Nghề nhuộm chàm là một nét nghệ thuật độc đáo, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt.

“Chàm” là cây bụi thuộc họ đậu, lá cho một chất màu lam sẫm, dùng để nhuộm, in, vẽ. “Chàm” cũng là màu sắc nằm ở khoảng giữa xanh lam và tím. Khi nhuộm vải, người thợ sẽ dùng đôi tay cầm lấy tấm vải, nhúng vào thuốc nhuộm. Vì màu chàm rất bền và khó phai nên một khi đã dính vào tay thì khó có thể rửa sạch hết được.

“Nhúng chàm” là gì mà con người cần phải tránh trong cuộc sống? 1
Hình ảnh thực tế của "tay nhúng chàm" trong lao động sản xuất - Ảnh: Minh Nhật / L'Officiel

Từ hình ảnh thực tế trên, hành động “nhúng chàm” hay “bàn tay nhúng chàm” đã được ông cha ta liên tưởng để mang đến nét nghĩa khác. “Tay nhúng chàm” hay “nhúng chàm” là hành vi dính líu đến việc xấu, khó khắc phục hậu quả. Hàm nghĩa ẩn dụ này đã được sử dụng phổ biến, rộng rãi cho đến tận ngày nay.

Đại Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý cũng giải thích “tay đã nhúng chàm” là đã trót mắc sai lầm, phạm tội lỗi, có ân hận, sám hối thì cũng đã quá muộn, ví như tay đã nhúng vào chàm, khó mà rửa sạch được.

Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ của Nguyễn Lân cũng lý giải tương tự. Thành ngữ “tay đã nhúng chàm” cũng mang ý nghĩa đã nhúng vào một việc xấu xa.

Tóm lại, từ những phân tích cụ thể trên, ta có thể hiểu được thành ngữ “tay đã nhúng chàm” và “nhúng chàm” là hành vi trót sai lầm, làm việc sai trái, có ân hận thì cũng đã quá muộn, không sửa chữa được nữa.

“Nhúng chàm” là gì mà con người cần phải tránh trong cuộc sống? 2
“Nhúng chàm” còn được hiểu là hành vi trót sai lầm, có ân hận cũng quá muộn - Ảnh: Pexels

Điển tích của “tay nhúng chàm” là gì?

Khi nhắc đến cụm từ “tay nhúng chàm”, người ta lại nhớ về một điển tích ngày xưa trong văn học Trung đại Việt Nam. 

Trong Truyện Kiều, ở câu thơ 1397, Nguyễn Du đã viết:

"Trót vì tay đã nhúng chàm,

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây!"

Hai câu thơ thuộc phần 2 của tác phẩm, thuộc phân đoạn Kiều gặp Thúc Sinh ở lầu xanh. Lúc này, Kiều đã trải qua những thăng trầm với thân phận một người kỹ nữ. Nàng miêu tả cuộc đời của mình bằng cụm từ “tay đã nhúng chàm”. Tức là quá khứ lầm lỡ, không trong sạch đã để lại vết nhơ cho cả cuộc đời nàng.

Xem thêm:
Hy sinh là gì? Biểu hiện của sự hy sinh trong cuộc sống
Bốc đồng là gì? Tính bốc đồng có ảnh hưởng thế nào?
Sĩ diện là gì? Vì sao nói "người càng bất tài càng sĩ diện hão"?

Vì sao có những sai lầm không nên xảy ra dù chỉ một lần?

Nhìn từ góc độ xã hội, thành ngữ “tay đã nhúng chàm” phê phán lối sống trái đạo đức, trái pháp luật, đồng thời khuyên răn chúng ta nên sống ngay thẳng, chính trực, liêm minh, lương thiện để tránh để lại những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội.

Trong cuộc sống luôn hiện diện những cám dỗ. Nó mê hoặc, dẫn dụ con người lầm đường lạc lối. Cám dỗ mang khuôn mặt đời thường, xuất hiện trong mọi ngóc ngách của xã hội như một mạng nhện khổng lồ giăng lưới mọi lúc, mọi nơi. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện sự tỉnh táo, không có bản lĩnh để tiết chế những tham vọng thì bất cứ ai, dù giàu hay nghèo, nam hay nữ đều có nguy cơ mắc vào cái bẫy cám dỗ, để rồi “nhúng chàm”. 

Chỉ một giây phút bất cẩn, nếu để rơi vào cạm bẫy do cám dỗ giăng ra, hậu quả đôi khi ảnh hưởng đến cả cuộc đời, hủy hoại danh tiếng, nhân phẩm. Nếu hành vi “nhúng chàm” đó liên quan đến pháp luật thì khi tỉnh ngộ cũng đã quá muộn. Bởi lẽ, trên cuộc đời này, có rất nhiều sai lầm có thể khắc phục và là bài học giúp ta phát triển. Nhưng, những sai lầm liên quan đến pháp luật và đạo đức lại là những sai lầm rất khó để sửa chữa hoặc bù đắp.

Vì vậy, mỗi người nên lấy lý trí để kiểm soát cảm xúc, lấy đạo đức, lương tri để tiết chế những tham vọng của mình, không được để chúng vượt qua “lằn ranh” pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Đây là hành động nghiêm khắc với bản thân để không phạm phải cám dỗ đời thường. Không được “nhúng chàm” dù chỉ một lần là việc rất khó, nhưng hoàn toàn có thể.

“Nhúng chàm” là gì mà con người cần phải tránh trong cuộc sống? 3
Hãy luôn nghiêm khắc, không buông thả bản thân để tránh mắc phải sai lầm - Ảnh: Unplash

Làm thế để hạn chế mắc phải sai lầm?

Những sai lầm là một phần tự nhiên trong quy luật của cuộc sống, nó giúp con người tỉnh ngộ, trưởng thành hơn. Tuy nhiên, có những sai lầm không được phép mắc phải. Dưới đây là một số cách có thể sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề chuẩn xác hơn, tránh được những sai lầm.

Hiểu rõ bản thân

Thông thường, những điểm yếu ở mỗi người là kẽ hở để những tham vọng, cám dỗ chui vào trong tâm trí. Bạn cần phải xác định được bản thân mình là ai, có những điểm mạnh và điểm yếu nào, bạn thật sự cần gì trong cuộc sống. Nhận thức rõ về bản thân là một cách hiệu quả để không bị chi phối bởi những ham muốn nhất thời, từ đó đưa ra được những quyết định đúng đắn.

Học hỏi từ kinh nghiệm của người khác

Một cách tốt để tránh sai lầm chính là học hỏi từ kinh nghiệm của người khác. Đọc sách, nghe các câu chuyện của người khác có thể giúp bạn tránh được những sai lầm mà họ đã trải qua.

“Nhúng chàm” là gì mà con người cần phải tránh trong cuộc sống? 4
Lắng nghe câu chuyện của người khác để có được nhiều kinh nghiệm cho bản thân - Ảnh: Unplash

Kiểm soát tham vọng cá nhân

Đã là con người, không ai là không có tham vọng. Tham vọng như là con dao hai lưỡi, vừa là động lực thúc đẩy con người tiến lên phía trước, đồng thời cũng khiến con người sa chân vào những hành vi sai lầm. 

Kiểm soát tham vọng là một vấn đề cần nhiều lý trí. Nếu để cảm xúc lấn át, ngọn lửa tham vọng có thể đẩy con người "nhúng chàm", vi phạm pháp luật và đạo đức. Để tham vọng không huỷ hoại cuộc sống của bạn, bạn phải hiểu rõ năng lực bản thân và đưa ra những mục tiêu cụ thể, sát với thực tế.

Đặc biệt, kiểm soát bản thân và giữ cho mình "cái đầu lạnh", giữ vững được ý chí và sự kiên định với những lý tưởng đúng đắn, bạn mới có thể thành công hơn, vững vàng hơn.

Luôn tử tế, chính trực

Trong cuộc sống này, không phải ai cũng có thể là người thành công nhưng chúng ta hoàn toàn có thể là người tử tế, lương thiện, chính nghĩa. Hãy luôn nghiêm khắc với bản thân, không ngừng cố gắng hoàn thiện mình, sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Như vậy, bạn mới có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, sống một cuộc đời tự hào, không hổ thẹn với chính mình hay bất cứ ai.

Xem thêm:
Tử tế là gì? Ý nghĩa của việc sống tử tế mỗi ngày với cuộc sống
Chính trực là gì? Tầm quan trọng của đức tính chính trực
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực, thật thà

Làm thế nào khi mắc phải sai lầm trong cuộc sống?

Nếu bạn lỡ mắc phải sai lầm trong cuộc sống, dưới đây là một số cách để cải thiện tình huống đó:

  • Nhận lỗi: Đầu tiên, hãy thừa nhận lỗi của mình, không nên trốn tránh trách nhiệm. Nếu việc bạn làm đã làm ảnh hưởng đến người khác, hãy xin lỗi một cách chân thành. Sự chân thành có thể giúp phục hồi mối quan hệ của bạn với người khác.
  • Sửa chữa: Nếu có khả năng, hãy sửa chữa hậu quả của việc bạn đã làm. Điều này có thể bao gồm việc hoàn trả, bồi thường hoặc bất kỳ hành động nào để khắc phục tình huống.
  • Học hỏi từ sai lầm: Hãy rút kinh nghiệm để đây là một cơ hội học hỏi, tránh lặp lại sai lầm đó trong tương lai.
  • Tránh tái phạm: Khi đã có được bài học cho mình, hãy cố gắng không lặp lại nó trong tương lai.

Việc đối mặt với sai lầm và học hỏi từ chúng là một phần quá trình phát triển và trưởng thành. Với những sai lầm có thể cải thiện, hãy tập trung vào việc sửa chữa và hoàn thiện bản thân để sống tốt hơn.

Những câu nói hay về sai lầm

Những câu nói hay về sai lầm trong cuộc sống mà VOH sưu tầm dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn cởi mở hơn với chính mình và mọi người khi mắc phải những sai lầm.

  1. Thành công không phải là không bao giờ làm hỏng việc, mà là không bao giờ phạm lại một sai lầm lần thứ hai. (Josh Billings)
  2. Sống tốt, nghĩa là kiên cường để quay lại sau những bước lùi mà không trượt xuống vực sâu tuyệt vọng. (James Drey)
  3. Ai cũng có những sai lầm mình luôn lặp lại: sợ hãi hay xấu hổ đều không chữa khỏi chúng. (La Fontaine)
  4. Có thật ít người đủ can đảm để thừa nhận sai lầm của chính mình, hay đủ quyết tâm để sửa chữa chúng. (Benjamin Franklin)
  5. Bạn tiến bộ qua những sai lầm của mình. Lần xây dựng mục tiêu tiếp theo, bạn sẽ biết chính xác cần trải qua những gì để đạt được nó. (Noah Daniels)
“Nhúng chàm” là gì mà con người cần phải tránh trong cuộc sống? 5
Ảnh: Unplash

Những câu nói hay về sửa chữa sai lầm

Thừa nhận lỗi lầm là chưa đủ, bạn vẫn cần hành động để sửa chữa chúng. Dưới đây là những câu nói hay về sửa chữa lỗi lầm mà VOH gửi đến bạn, hy vọng giúp bạn có thêm động lực để nhìn nhận và sửa chữa sai lầm.

  1. Bạn không nên thấy xấu hổ khi thừa nhận mình sai. Việc đó chỉ chứng tỏ rằng bạn sáng suốt hơn ngày hôm qua. (Jonathan Swift)
  2. Có sai lầm mà không sửa, đấy mới thật là sai lầm. (Khổng Tử)
  3. Làm người khó tránh việc mắc lỗi, nhưng có lỗi mà tự sửa được mới là điều hay. (Tả Truyện)
  4. Kẻ tiểu nhân thấy mình làm sai thì tìm cách che đậy. (Tử Hạ)
  5. Đón nhận những kinh nghiệm tiêu cực và nhìn chúng một cách tích cực, bạn sẽ học được rất nhiều điều từ những chuyện đã qua. Đừng để người khác mãi phán xét bạn chỉ dựa vào một lỗi lầm nào đó. Hãy để quá khứ lại phía sau lưng, nhưng đừng lãng quên nó. (Khuyết danh) 
  6. Lỗi lầm là cơ hội để bạn học hỏi và trưởng thành. (Oprah Winfrey)
  7. Hãy biến lỗi của mình thành bài học để không mắc lại lần sau. (Khuyết danh)
  8. Hãy nhận lỗi của bạn và học hỏi từ nó, đó là cách duy nhất để trở nên tốt hơn. (Khuyết danh)

Trên đây là những lý giải về "nhúng chàm" là gì, "tay nhúng chàm" là gì cũng như các bài học về triết lý nhân sinh mà VOH gửi đến bạn. Sống chính trực, lương thiện có thể giúp con người bình an, tự tin và hạnh phúc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích giúp bạn mạnh mẽ, vững vàng hơn trong cuộc sống.

Đừng quên cập nhật những thông tin, kiến thức hữu ích tại chuyên mục VOH Sống đẹp.

Bình luận