Chờ...

Tết Đoan ngọ 2024 ngày mấy? Ý nghĩa Tết Đoan ngọ

VOH - Tết Đoan Ngọ còn là một ngày lễ truyền thống bao hàm nhiều giá trị văn hóa của người Việt.

Tết Đoan Ngọ là ngày lễ tồn tại lâu đời trong nền văn hóa phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa của người dân một số nước, trong đó có Việt Nam. Ngày này còn được nhân dân ta gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ”. Hãy cùng VOH tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục của nước ta trong ngày Tết truyền thống này. 

Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ 2024 ngày mấy?

Tết Đoan Ngọ là ngày lễ truyền thống của đất nước ta được tổ chức vào mùng 5/5 Âm lịch hằng năm. Vậy năm 2024, mùng 5 tháng 5 là ngày mấy Dương lịch?

Theo lịch vạn niên, mùng 5/5 Âm lịch năm Giáp Thìn sẽ rơi vào thứ Hai, ngày 10/6/2024.

a 1
Tết Đoan Ngọ trong phong tục dân gian của người Việt - Ảnh: Internet

Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương hay ngày “giết sâu bọ”, là một trong những ngày Tết truyền thống ở nước ta được tổ chức vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. 

Theo đó, “Đoan” nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” chỉ giờ Ngọ (từ 11 - 13h chiều) - khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Từ ý nghĩa trên có thể hiểu, Đoan Ngọ là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Còn từ “dương” là Mặt Trời, là khí dương, nên Tết Đoan Dương có nghĩa là “bắt đầu lúc khí dương đang thịnh”.

Trên thực tế, Tết Đoan Ngọ là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm của người xưa về sự tuần hoàn thời tiết trong năm. Vào ngày này, người Việt thường làm mâm cơm cúng tổ tiên và cầu mong cho một mùa làm ăn mới may mắn, thuận lợi. 

Tết Đoan Ngọ tiếng Anh là gì?

Tết Đoan Ngọ của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh là Mid-year Festival - 5/5 (lunar). Tại Trung Quốc, ngày này trong tiếng Anh có nghĩa là Dragon Boat Festival (lễ hội thuyền rồng) hoặc Duanwu Festival (lễ Đoan Ngọ).

Nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ

Mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, tuy nhiên, nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ 5/5 của Việt Nam lại hoàn toàn khác biệt. Vậy Tết Đoan Ngọ xuất phát từ đâu?

Tết Đoan Ngọ 4

Tết Đoan Ngọ là gì? - Ảnh: Internet

Nguồn gốc ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch của người Việt bắt nguồn từ sự tích Tết Đoan Ngọ được lưu truyền như sau:

Vào một ngày sau mùa vụ, nhân dân vui mừng và phấn khởi vì được mùa màng bội thu. Tuy nhiên, năm ấy, sâu bọ lại hoành hành, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mặc dù tìm đủ mọi cách nhưng người dân vẫn không tài nào giải được nạn sâu bọ. Bỗng nhiên một hôm, có một ông lão đi tới và xưng là Đôi Truân. 

Ông hướng dẫn cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Ông lão còn bảo thêm: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng”.

Dân chúng vui mừng, cảm kích ông lão vô cùng nhưng khi định cảm tạ thì ông lão đã đi mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đã đặt tên cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch, tiết trời bắt đầu chuyển mùa, đây là điều kiện thuận lợi để những loại sâu bệnh phát triển, gây hại cho mùa màng và sức khỏe của con người. Do đó, trong ngày này, mọi người thường nghĩ ra những cách để phòng bệnh, tiêu diệt sâu bọ gây hại cho cây trồng, cầu mong mùa vụ bội thu.

Theo quan niệm cổ truyền, người dân ăn hoa quả, rượu nếp vào mùng 5/5 là một cách để diệt trừ sâu bọ. Trong ngày này, phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết. Ở nhiều nơi, các gia đình có thói quen ăn bánh tro, chè trôi nước, hạt sen... để giết sâu bọ, bệnh tật trong người.

Đối với người Việt Nam, sau Tết Nguyên đán, mùng 5/5 Tết Đoan Ngọ chính là dịp mà các gia đình sum họp đầm ấm bên nhau. Ngoài ra, đây còn là ngày mà người dân tổ chức cúng tế lễ đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự quang đãng và cầu bình an

Tết Đoan Ngọ 5

Mâm cúng đơn giản trong Tết Đoan Ngọ - Ảnh: Internet

Cúng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam

Theo quan niệm của người xưa, mâm cúng Tết Đoan Ngọ phải chuẩn bị các loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng,... mới loại bỏ được “sâu bọ” trong hệ tiêu hóa. Mâm cỗ cúng ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt thường có các lễ vật sau:

  • Hương, hoa, vàng mã.
  • Nước, rượu nếp.
  • Các loại hoa quả.
  • Bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp.
  • Xôi, chè.

Tùy theo văn hóa mỗi vùng miền mà mâm cúng mùng 5/5 cũng có sự khác biệt.

Trên mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc thường có dưa hấu đỏ, bát cơm rượu nếp cẩm hoặc cơm rượu nếp cái hoa vàng.

Khu vực miền Trung thường sẽ có chè kê và thịt vịt. Vì theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, ngọt, có tác dụng tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Vì vậy, ăn thịt vịt vào những ngày nóng bức như ngày Tết Đoan Ngọ có thể giúp cơ thể cân bằng nhiệt, bồi bổ sức khỏe,...

Tại các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào đến Quảng Ngãi lại không thể thiếu xôi chè, nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái trái ăn.

Còn mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam, người dân thường chuẩn bị bánh tro, chè trôi nước, xôi gấc…

Tết Đoan Ngọ 7

Bánh tro là món ăn thường thấy trên mâm Tết Đoan Ngọ - Ảnh: Internet

Ngoài ra, người miền Tây trong Tết Đoan Ngọ thường ăn bánh xèo. Soạn giả giải thích, có nhiều lý do để người miền Tây ăn bánh xèo vào dịp này. Thứ nhất, bánh xèo là món ăn hội tụ, món phải nhiều người làm và nhiều người ăn, mang lại tinh thần gắn kết, chia sẻ niềm vui. Thứ hai đó là món ăn thay cơm trong cả một năm, vừa no vừa ngon lại lạ miệng. Thứ ba, dịp mùng 5/5 Âm lịch, trời bắt đầu "sa mưa giông", có mưa lớn kèm sấm chớp, báo hiệu mùa mưa đã tới. Lúc này cây cỏ tốt tươi, rau dại mọc rất nhiều, đủ loại như đọt xoài non, lá cát lồi, lá cách, đinh lăng, đọt bằng lăng... rất thích hợp để ăn bánh xèo.

a 5
Bánh xèo miền Tây có kích thước lớn, nổi bật với màu vàng ươm của bột nghệ, có mùi thơm và vị béo của nước cốt dừa - Ảnh: Internet

Lời chúc, stt Tết Đoan Ngọ gửi đến những người thân yêu

Bên cạnh việc cùng nhau sum vầy, ăn bánh tro, cơm rượu nếp…, mùng 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ còn là cơ hội để bày tỏ tình cảm với những người mà bạn yêu thương thông qua các câu chúc mừng ấm áp, ý nghĩa sau.

  1. Tết Đoan Ngọ đến rồi! Hy vọng mọi thành viên trong gia đình mình sẽ có thật nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc và bình an. Chúc mừng Tết Đoan Ngọ!
  2. Tết Đoan Ngọ năm nay con không thể về nhà cùng ăn cơm rượu nếp, ăn bánh ú tro với bố mẹ rồi, bố mẹ đừng buồn! Con chúc bố mẹ luôn vui khỏe, hạnh phúc để chúng ta có thể cùng nhau đón nhiều cái Tết Đoan Ngọ nữa. 
  3. Chúc bố mẹ của con có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, chúc vụ mùa sắp tới của gia đình mình thật bội thu. Bố mẹ hãy luôn khỏe mạnh, sống thật lâu bên con nhé vì với con bố mẹ là tất cả!
  4. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, không có gì vui hơn bằng việc được quây quần bên những người thân yêu và thưởng thức bánh tro, cơm rượu nếp. Nếu bạn không thể về thăm gia đình vào Tết Đoan Ngọ năm nay thì cũng đừng buồn vì chúng ta còn có nhiều dịp khác mà. Xin gửi đến bạn và gia đình những lời chúc sức khỏe, bình an chân thành nhất!
  5. Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, chúc bố mẹ, anh chị luôn vui - khỏe - trẻ, chúc chiến dịch diệt sâu bọ của gia đình chúng ta thành công tốt đẹp.

Tết Đoan Ngọ 15

  1. Tết Đoan Ngọ đến rồi! Hy vọng mọi người có thật nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc, bình an và có những phút giây sum họp đầm ấm bên gia đình.
  2. Đoan Ngọ đến rồi, một mùa diệt sâu bọ mới, cũng là mùa của sự sum vầy. Chúc mọi người sức khỏe dồi dào, tâm thái bình an, gia đình hạnh phúc. 
  3. Chúc bạn thân yêu của tôi có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, lúc nào cũng trẻ khỏe. Nhanh nhanh dậy đưa tao đi ăn cơm rượu với bánh ú tro đi nào!
  4. Nhân dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, mình xin gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả mọi người. Chúc mọi người “diệt được nhiều sâu bọ”, chúc bà con nông dân có một vụ mùa bội thu.
  5. Hôm nay Tết Đoan Ngọ mày đã ăn bánh ú tro chưa? Bánh ngon thật nhưng ăn vừa thôi nhé kẻo không lại ú thật thì khổ. Đùa tí thôi! Chúc mày có ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, luôn mạnh khỏe và xinh đẹp nha!

Ngày Tết Đoan Ngọ nên và không nên làm gì?

Vào Tết Đoan Ngọ, ai cũng cầu mong được bình an, mọi việc thuận lợi. Bên cạnh việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông ta, vào ngày này, bạn cũng nên lưu ý những điều sau.

Tết Đoan Ngọ nên làm gì?

Trong dịp Tết Đoan Ngọ 5/5, bạn nên thực hiện những điều sau để thu hút thật nhiều may mắn.

Treo ngải cứu hoặc cành xương rồng trên cửa

Ngày mùng 5/5 âm lịch là khoảng thời gian dương khí vượng nhất. Để ngôi nhà đón nhiều vượng khí, bạn hãy vẩy nước, quét dọn nhà cửa rồi treo một cành xương rồng hoặc một nắm cây ngải cứu trên cửa. Cây xương rồng có tác dụng xua đuổi tà mà và dự báo phúc họa, còn cây ngải cứu không chỉ giúp loại bỏ âm khí mà còn mang theo hy vọng gia đình khỏe mạnh và may mắn cả năm. 

Tắm gội và xông bằng thảo mộc

Vào lễ Đoan Ngọ, bạn có thể đun các loại thảo mộc như bưởi, mùi, tía tô, kinh giới, hương nhu,... để tắm, xông phòng bệnh cảm mạo, đào thải độc tố, đồng thời xóa bỏ năng lượng tiêu cực và giúp tinh thần thư thái, phấn chấn hơn.

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ

Việc dọn dẹp nhà cửa vào Tết Đoan Ngọ không chỉ loại bỏ bụi bẩn, mầm bệnh mà còn giúp đánh bay vận xui và nguồn năng lượng tiêu cực.

Phóng sinh

Phóng sinh là việc thiện, ý nghĩa, tu nhân tích đức, quảng kết thiện duyên. Đây cũng là phương pháp loại bỏ ưu buồn, đau khổ hiệu quả nhất. 

Tết Đoan Ngọ 15

Phóng sinh giúp tu nhân tích đức, quảng kết thiện duyên - Ảnh: Internet

Mùng 5 tháng 5 không nên làm gì?

Ông bà ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vì vậy, trong tết mùng 5 tháng 5, các gia đình cần kiêng những điều sau để tránh gặp xui xẻo.

Không được để giày dép lộn xộn

Trong tiếng Trung, từ “giày”, “dép” được phát âm giống với từ “tà”. Do đó, trong ngày Tết Đoan Ngọ, nếu vứt giày dép lung tung được xem là hành động chiêu dụ tà khí. Ngoài ra, bạn nên để mũi giày dép quay ra phía ngoài vì theo quan niệm của người Việt, để mũi giày dép hướng vào trong sẽ dẫn dụ tà ma vào nhà. 

Tránh đánh rơi tiền bạc

Việc đánh rơi hay làm mất tiền trong ngày này sẽ khiến bạn rơi mất tài lộc, tài vận vì thế mà đi xuống. Do đó, dù đi đâu hay làm gì, bạn nên cẩn thận và bảo vệ tài sản của mình thật tốt.

Tránh đến những nơi âm u, nhiều tà khí

Nếu phải xuất hành trong ngày này, bạn nên tránh đến những nơi âm u, nhiều tà khí như bệnh viện, đám tang, tham quan lăng tẩm, địa đạo hay các khu chiến tích cổ xưa, ao hồ,... vì dễ khiến cơ thể nhiễm âm khí, sinh bệnh tật.

Không nên mua đồ lưu niệm có hình thù kỳ quái

Theo quan niệm dân gian, mọi vật đều chứa linh khí. Nếu không may bạn mua phải những vật phẩm không rõ nguồn gốc sẽ dễ rước tà khí vào nhà. 

Tết Đoan Ngọ 14

Tránh đánh rơi ví, tiền bạc - Ảnh: Internet

Tại sao lại có tục nhuộm móng tay Tết Đoan Ngọ?

Nhắc đến Tết Đoan Ngọ, ngoài tục ăn cơm rượu diệt sâu bọ, tắm nước lá… còn có tục nhuộm móng tay, móng chân cho trẻ. Chất liệu để nhuộm móng là cây lá móng. Loại lá này sau khi lấy về sẽ được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay và móng chân (trừ ngón tay trỏ - ngón tay chỉ thiên - và móng chân cạnh ngón cái). Tục nhuộm móng này là để phòng trừ bệnh nấm móng. Ngoài ra còn có ý nghĩa trừ tà ma, làm cho ma quỷ sợ mà tránh xa con trẻ.

Tết Đoan Ngọ ở một số quốc gia phương Đông

Không chỉ Việt Nam, tại các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tổ chức lễ Đoan Ngọ với những ý nghĩa đặc biệt.

Tết Đoan ngọ Trung Quốc

Tết Đoan Ngọ tiếng Trung là 端午節, còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày có hai con số 5 gặp nhau. Ở Trung Quốc, ngày lễ này được tổ chức khá long trọng với những cuộc đua thuyền hoành tráng, các hoạt động dân gian như làm túi thơm, làm đèn lồng và trang trí lại nhà cửa.

Tết Đoan Ngọ 1

Tết Đoan Ngọ tại Trung Quốc - Ảnh: Internet

Tết Đoan ngọ Hàn Quốc

Tết Đoan Ngọ tại Hàn Quốc được gọi là Dano, là một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất của “Xứ sở Kim Chi”. Đây là dịp mọi người sẽ quây quần bên nhau, ca hát, vui chơi sau một mùa vụ bội thu. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, số 5 đại diện cho sức mạnh và sự cường tráng. Do đó, Tết Đoan Ngọ còn mang ý nghĩa cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại. Vào ngày này, phụ nữtrẻ em sẽ mặc trang phục truyền thống, gội bằng lá cây diên vĩ và chơi những trò chơi dân gian.

Tết Đoan Ngọ 3

Tết Đoan Ngọ tại Hàn Quốc - Ảnh: Internet

Tết Đoan ngọ Nhật Bản

Tết Đoan Ngọ Nhật Bản là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi "Kodomo no hi". Vào ngày này, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) với ý nghĩa “cá vượt vũ môn”, tượng trưng cho những bé trai thông minh và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cư dân địa phương sẽ làm bánh mochi để cúng và ăn lễ tết. 

Tết Đoan Ngọ 2

Tết Đoan Ngọ tại Nhật Bản - Ảnh: Internet

Hình ảnh Tết Đoan Ngọ

Hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng những hình ảnh Tết Đoan Ngọ 5/5 đẹp ngây ngất để hiểu hơn về phong tục của nước ta trong ngày đặc biệt này.

Tết Đoan Ngọ 8

Thịt vịt là món không thể thiếu trên mâm cúng của người miền Trung - Ảnh: Internet

Tết Đoan Ngọ 9

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu với người dân Bắc Bộ, Trung bộ trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh: Internet

Tết Đoan Ngọ 10

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người dân miền Bắc - Ảnh: Internet

Tết Đoan Ngọ 11

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, ngày "giết sâu bọ" - Ảnh: Internet

Tết Đoan Ngọ 12

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch - Ảnh: Internet

Tết Đoan Ngọ không chỉ là ngày Tết truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của người Việt mà còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng cầu chúc bình an và khởi đầu công việc thuận hòa, may mắn. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận