Tấm gương phấn đấu của Châu Nhuận Phát được đưa vào sách giáo khoa tiểu học

VOH - Một quyển sách tiếng Hoa có bài văn mẫu liên quan đến Châu Nhuận Phát, ca ngợi nam tài tử là "Ngôi sao sáng trong nền điện ảnh Hồng Kông".

Bộ phim Đừng gọi tôi là thần bài (One More Change) do Châu Nhuận Phát đóng vai chính mới đang được trình chiếu tại các rạp chiếu phim ở Trung Quốc.

Trong phim, Châu Nhuận Phát vào vai người đàn ông suốt ngày sa đà vào những trò chơi đỏ đen và nợ đầy người, vì thế anh đồng ý nhận lời chăm sóc con trai của tình cũ với giá 100.000 đô la Hồng Kông (gần 13.000 USD).

Trong quá trình chăm sóc, anh phát hiện cậu bé này này chính là con ruột của mình và mắc bệnh tự kỷ, từ đó anh bắt đầu thay đổi chính mình theo hướng tích cực, trở thành người sống có trách nhiệm, nhất là với đứa con của mình.

Tấm gương phấn đấu của Châu Nhuận Phát được đưa vào sách giáo khoa tiểu học 1
Châu Nhuận Phát đóng vai tay nghiện cờ bạc trong phim "Đừng gọi tôi là thần bài"

Trong cuộc sống ngoài đời thật, Châu Nhuận Phát được xem là tấm gương về sự phấn đấu, từ một diễn viên vô danh, anh đã không ngừng phấn đấu và trở thành một siêu sao quốc tế, từng được mệnh danh là ông vua phòng vé và từng 3 lần đoạt giải "Ảnh đế".

Tinh thần nỗ lực phấn đấu của anh rất đáng để mọi người noi theo, tinh thần đó từng được dùng làm tài liệu giảng dạy trong sách giáo khoa bậc tiểu học tại Hồng Kông.

Trước đây, có cư dân mạng phát hiện trong một quyển sách tiếng Hoa của nhà xuất bản Khởi Tư, có bài văn mẫu liên quan đến Châu Nhuận Phát có tiêu đề "Châu Nhuận Phát học tiếng Anh", trong đó ca ngợi nam tài tử là "Ngôi sao sáng trong nền điện ảnh Hồng Kông".

Tấm gương phấn đấu của Châu Nhuận Phát được đưa vào sách giáo khoa tiểu học 2
Châu Nhuận Phát từng 3 lần đoạt giải "Ảnh đế"

Theo bài văn mẫu, khi học xong cấp 3, Châu Nhuận Phát bắt đầu đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nền tảng tiếng Anh của anh không mấy tốt. Năm 40 tuổi, nam diễn viên đến Hollywood để phát triển. Tại đây, anh đã trải qua quá trình học tập và rèn luyện với tinh thần quyết tâm cao nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh của mình.

Ngoài việc "học từng chữ từng câu từ bà xã", bài văn còn đề cập đến việc Châu Nhuận Phát mời thêm một giáo viên khác dạy kèm tiếng Anh, mỗi ngày học 2 tiếng đồng hồ.

Những lúc rảnh rỗi, anh thường xem tin tức và phim tài liệu để nâng cao khả năng nghe hiểu tiếng Anh. Ngoài ra, anh còn chịu khó luyện nói và làm quen với những từ ngữ chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh để biết cách sử dụng mỗi khi tham gia đóng phim.

Bộ phim Hollywood đầu tiên mà Châu Nhuận Phát tham gia là phim Sát thủ thay thế (The Alternative Killers) ra mắt năm 1998. Trong phim, do đóng vai một sát thủ nên lời thoại không nhiều, anh có thể dễ dàng đối phó.

Tấm gương phấn đấu của Châu Nhuận Phát được đưa vào sách giáo khoa tiểu học 3
Châu Nhuận Phát trong phim "Anna and the King"

Nhưng khi quay bộ phim Anna and the King vào một năm sau đó, mặc dù lời thoại nhiều gấp 200 lần so với "Sát thủ thay thế", nhưng Châu Nhuận Phát nhất quyết tự mình hoàn thành tất cả những câu thoại trong phim bằng chính sự nỗ lực của bản thân mà không cần đến diễn viên lồng tiếng.

Ở phần cuối bài văn mẫu, Châu Nhuận Phát nói: "Để học tốt tiếng Anh, không thể chỉ trong ngày một ngày hai mà đó là việc của cả đời", điều này cũng áp dụng tương tự cho những công việc khác.

Câu chuyện về tấm gương phấn đấu của Châu Nhuận Phát là sự động viên và khích lệ tinh thần học tập cũng như sự nỗ lực không ngừng đối với thế hệ trẻ, rất đáng để mọi người noi theo.

Bình luận