Bật mí linh vật Rồng dài hơn 100 mét tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024

VOH - Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm.

Với chủ đề “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 sẽ gây ấn tượng mạnh với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục.

Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên Đường hoa, với độ dài hơn 100m và kích thước vòng đầu hơn 2m.

Ngoài việc lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên Đường hoa Nguyễn Huệ, linh vật Rồng năm nay còn được tạo hình thân thiện với môi trường, khi hơn 90% chất liệu được sử dụng trong ốp tạo hình là mây tre và mành quạt nan.

linh vật rồng
Phối cảnh linh vật Rồng tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024

Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50cm được mô phỏng bằng mica đục, bên trong chứa đèn. Thân Lưỡng Long đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí đẹp mắt và thông thoáng cho phân đoạn 1.

Du khách đi dọc dưới thân rồng có thể nhìn rõ vật liệu mành và mây đan tạo hình rồng, mộc mạc nhưng không đơn điệu. Khi gió lay, những tấm mành quạt nan dưới bụng tựa như Lưỡng Long đang thở, mang lại cho du khách một trải nghiệm độc đáo, với chất cảm mộc mạc truyền thống về câu chuyện lịch sử Rồng Tiên, rồng hạ nhân gian, điềm lành năm mới.

rồng
Rồng trên Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 mang những đặc tính được chọn lọc và trau chuốt, với ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu.

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng".

Rồng Việt Nam là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết "Con Rồng, cháu Tiên", là hình ảnh gắn liền và in sâu trong văn hóa Việt, thể hiện qua hội họa, trang phục, kiến trúc, tàu thuyền, điệu múa, và trong tranh dân gian Đông Hồ.

Ba linh vật Rồng lớn trên Đường hoa là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn, thể hiện ở các đặc điểm như đầu luôn hướng lên, mũi to, chóp mũi tròn, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm to ở má và trên đầu.

Thân uốn lượn hình sin theo hướng bay lên là đặc điểm thường thấy trong hình ảnh rồng thời Lý và Trần, hình dáng đuôi xòe như ngọn lửa là đặc điểm của rồng thời Nguyễn. Rồng trên Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 mang những đặc tính được chọn lọc và trau chuốt, với ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu.

linh vật rồng
Phối cảnh linh vật Rồng tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024

Kể từ lần thực hiện đầu tiên vào năm 2004, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 đã bước sang tuổi 21. Công trình độc đáo đã trở thành biểu trưng văn hóa ngày Tết của TPHCM.

Bình luận