Chờ...

Cán bộ Liên đoàn Lao động TPHCM dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu

(VOH) - Sáng nay (25/10), trong chuyến hành trình về nguồn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn cán bộ chuyên trách Liên đoàn Lao động TPHCM đã đến dâng hương tại tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu.

Tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu nằm ở ngã tư Đất Đỏ, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tượng đài được đúc bằng đồng, cao 7m, tạo theo thế chị Sáu ung dung ra pháp trường, tà áo vẫn tung bay trong gió. Một con người hiên ngang, bất khuất, kiên cường và không bao giờ đầu hàng trước gian khó, hiểm nguy. 

tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu

Cán bộ chuyên trách công đoàn TPHCM dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu

Dịp này, đoàn cán bộ chuyên trách Liên đoàn Lao động TPHCM cũng tới tham quan nhà lưu niệm anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Nơi đây lưu giữ các kỷ vật, vật dụng đơn sơ, có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ cô đặt ở gian ngoài.

Nhà vách gỗ, mái ngói cổ xưa – là nơi cô Sáu đã từng sống thời niên thiếu cùng gia đình. Năm 1980 ngôi nhà được Ủy ban nhân dân huyện Đất Đỏ tu bổ lại khang trang như ngày nay.

Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1935 - là một nữ chiến sĩ được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mới 12 tuổi, Cô đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu.

Năm 1949, Cô tham gia đội công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc tiếp tế.

Năm 1950, khi mới 15 tuổi Cô bị chính quyền Pháp bắt và bị tòa án binh Pháp kết án tử hình vào tháng 4/1951 vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết tên cai tổng Tòng - một tên bán nước ác ôn ngay tại xã nhà và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp.

Sau gần 3 năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa Cô ra giam ở Côn Đảo. Trong ngục giam những người bị án tử hình, cô vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của Tổ Quốc.

Dù các luật sư biện hộ cho Cô đã phản ánh với lý do chưa đủ 18 tuổi nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố tuyên án tử hình.

Trước khi bị đưa ra thi hành án, Cô bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì quân Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với Cô, chúng đã lén lút đem cô đi thủ tiêu.

Cô bị xử bắn năm 1952 tại Côn Đảo khi chưa đủ 18 tuổi.

Ông Đinh Văn Hòa làm Phó Trưởng ban Ban Dân tộc TPHCM - Ông Đinh Văn Hòa được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Ban Dân tộc TPHCM.

TPHCM: Ủng hộ gần 46 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo lần thứ 19 - Tối 24/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình văn nghệ “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” lần thứ 19 năm 2019.

Bình luận