Chờ...

Cần nâng cấp hạ tầng để du lịch đường thủy TPHCM tăng tốc

VOH - TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng du khách đường thủy đạt 10-15%/năm, doanh thu đến năm 2025 đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/năm

Từ nnăm 2017, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy. Hiện nay, sau quá trình đầu tư du lịch đường thủy của thành phố đã có những chuyển biến đáng kể. Trong đó, nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.

TPHCM đang có khoảng 20 tour, tuyến du lịch đường thủy. Về cảng, bến thủy nội địa và các công trình phụ trợ trên bờ hiện đang hoạt động có 13 cảng thủy nội địa, 204 bến thủy nội địa. Trong đó, có 105 cảng, bến phục vụ vận tải hàng hóa, 74 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 25 bến khách ngang sông.

Hiện, nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm bãi đậu cho phương tiện đường bộ để trung chuyển khách đến các điểm; thiếu các dịch vụ trên bến, dưới thuyền đặc trưng để thu hút du khách... Theo các đơn vị này, TPHCM cần đầu tư và hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt là các bến đón trả khách tại hai bên bờ sông và các khu vực hậu cần đi kèm. Về lâu dài, phải có giải pháp phát triển các dịch vụ liên quan đến loại hình này cả trên bờ lẫn dưới nước. 

Cần nâng cấp hạ tầng để du lịch đường thủy TPHCM tăng tốc 1
TPHCM cần đầu tư và hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt là các bến đón trả khách để phát triển du lịch đường thủy - Ảnh: Đ.Sang

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, thành phố ta có mạng lưới giao thông hơn 101 tuyến, tổng chiều dài 913km. Đặc biệt lợi thế với 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TPHCM đã khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), tuyến du lịch từ Bạch Đằng - bến Đình (huyện Củ Chi) - tỉnh Bình Dương, 2 bến phà, 25 bến khách ngang sông... Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm TPHCM tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.

Với những thuận lợi đó, giai đoạn 2023-2025, các đơn vị tiếp tục mở ra nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp sản phẩm du lịch thủy đa dạng, ấn tượng. Trong đó, có tuyến Bạch Đằng - quận 7; tuyến Thanh Đa - Bình Quới; tuyến Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi...

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, Sở đang xây dựng các tour xa hơn, bằng cách liên kết với ngành du lịch các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ, đồng thời kết nối để đi tiếp từ tỉnh An Giang, Kiên Giang qua Campuchia.

Để phát triển du lịch đường thủy TPHCM tăng tốc, Sở Giao thông vận tải TPHCM mong sớm cải tạo nâng cấp hạ tầng, khu vực neo đậu và mở ra các sản phẩm du lịch khác. Đặc biệt, tuyến TPHCM - Côn Đảo xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đến Côn Đảo với lộ trình khoảng 260km (có thể khai thác vào năm 2024).  

Bình luận