Đây là chỉ đạo của ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV tại buổi làm việc với TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào sáng 27/3.
Theo ông Mẫn: “So sánh như vậy để TPHCM phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để Thành phố có mục tiêu phấn đấu".
Ông Mẫn cho rằng, đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu. Các quốc gia không có tiềm năng về tài nguyên nhưng nhờ quan tâm đầu tư giáo dục đã tạo sự phát triển tốt. Để nâng cao dân trí, nâng cao nguồn lực, ngành giáo dục đào tạo đóng vai trò chủ công chủ lực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, thành phố cần tích cực triển khai rà soát mạng lưới quy hoạch cơ sở giáo dục để xem xét điều chỉnh theo tinh thần Nghị quyết. Thành phố nên mạnh dạn giao quyền tự chủ, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo, chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đánh giá, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp, học sinh đáp ứng tốt các yêu cầu. Điều này được thể hiện qua kết quả kỳ khảo sát hàng năm của Sở ở khối lớp 3 và lớp 7.
Để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông, thời gian qua Thành phố đã nâng mức chi bình quân trên mỗi học sinh tiểu học từ 5 triệu đồng/học sinh lên mức gần 10 triệu đồng/học sinh. Tổng chi ngân sách cho giáo dục trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2014-2018 chiếm khoảng 22%, giai đoạn 2019-2023 đã tăng lên 25%. Đặc biệt, quá trình xã hội hoá cũng góp phần cho nguồn lực giáo dục Thành phố.
Dân số thành phố theo thống kê có khoảng 10 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người. Vì vậy, việc tính toán, dự trù gặp nhiều khó khăn khi những thông số, tính toán, kinh phí lại chỉ dựa trên hộ khẩu. Vì vậy, có tình trạng một chính sách an sinh triển khai dự trù cho khoảng 9 triệu dân nhưng có 11 triệu người xin nhận hỗ trợ.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nêu thực trạng: "Bệnh viện Thành phố luôn có số bệnh nhân thuộc các tỉnh nhiều hơn bệnh nhân của Thành phố. Trong lĩnh vực giáo dục, rất nhiều người đang sống ở tỉnh nhưng con em lại gửi lên thành phố học (tỷ lệ khoảng 20%), chưa kể những người ở tạm trú”.
Ông Đức cho rằng, cần cân nhắc để bố trí các nguồn lực, tính toán các chỉ tiêu (hạ tầng giáo dục, giao thông…) phục vụ cho lượng người thực tế chứ không phải theo hộ khẩu. TPHCM đang rà soát lại quy hoạch mạng lưới giáo dục để đưa vào quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.