Chờ...

Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững (Kỳ 3)

(VOH) – Tiếp tục loạt bài “Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững”, kỳ 3 cũng là kỳ cuối của loạt bài này với nhan đề “Những vấn đề ưu tiên”.

Việc làm sao để tinh gọn hơn, năng suất cao hơn và hiệu quả hơn cho bộ máy công quyền được xem như các giá trị ưu tiên hàng đầu của mô hình Chính quyền đô thị.

Trên thực tế thì một trong các vấn đề trọng tâm khi thực hiện chính quyền đô thị là không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường, quận. Trên cơ sở này, Thành phố phải nhanh chóng ban hành những quy định quản lý mới, theo một cơ chế mới về phương pháp quản lý, điều hành hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng về mặt khối lượng.

Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành – cho rằng: Để làm nhanh và hiệu quả ngay từ đầu thì Thành phố cần phải thành lập một số Ban hoặc Tổ để triển khai hoạt động này. Sau đó rà soát lại các quy trình, ban hành lại số quy định về mặt thủ tục hành chính liên quan đến việc sau khi không còn Hội đồng nhân dân cấp quận và phường. Một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân là chức năng giám sát. Việc này sẽ được “đẩy” về Hội đồng nhân dân cấp Thành phố. Do vậy Hội đồng nhân dân Thành phố cũng phải sắp xếp, kiện toàn lại một số tổ, cụm để thực hiện việc giám sát của các quận mà sau khi các quận đã bãi bỏ Hội đồng nhân dân thì vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ được nâng cao rất nhiều. “Tôi nghĩ lần này việc của Hội đồng nhân dân Thành phố cũng rất lớn trong công tác chuẩn bị sắp xếp lại cách thực hiện giám sát trên toàn địa bàn Thành phố. Đồng thời các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ…ở cấp quận cũng phải kiện toàn thêm về chức năng giám sát. Các tổ chức này cũng phải có sự thay đổi trong hoạt động để bù đắp lại khoảng trống mà Hội đồng nhân dân trước đây đã làm”, ông Huỳnh Thanh Điền cho biết.

Mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả chất lượng cung ứng dịch vụ công. Đồng thời, mô hình này cũng phù hợp với đặc điểm tính chất của trung tâm tài chính kinh tế, công nghệ cao của cả nước và khu vực. Nhưng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TPHCM – thì cũng cần lưu ý và đặc biệt quan tâm là nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của cấp ủy Đảng, của đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố cũng như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, để phát huy đảm bảo tính tự do dân chủ công dân, cũng như thực hiện các quyền của công dân mà Hiến định chúng ta quy định. “Kể từ 01/07/2021 khi thành lập chính quyền đô thị, Thành phố không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường thì tôi thấy vai trò giám sát của người dân vẫn được đảm bảo nếu như Thành phố tạo cơ chế đủ tốt, đủ mạnh, để cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị xã hội khác giám sát chính quyền và cơ quan chính quyền cũng phải công khai minh bạch để giảm thiểu tiêu cực nhũng nhiễu. Đồng thời quy định những chế tài, xử lý các trường hợp không hợp tác với các cơ quan thực thi giám sát này”, Luật sư Hậu nói.

Liên quan đến thủ tục hành chính thì điều người dân mong đợi nhất là giải quyết công việc sao cho hiệu quả, nhanh chóng và công bằng. Chúng ta sẽ giải quyết công việc nhanh nhưng với điều kiện là Ủy ban nhân dân Thành phố phải có sự ủy quyền nhất định cho Thủ trưởng các cơ quan cấp quận, cấp phường, để họ có quyền lực nhất định trong việc quản lý trên địa bàn của họ. Khi phân cấp và ủy quyền tốt cho Thủ trưởng các cơ quan cấp dưới thì người đứng đầu cấp đó sẽ thấy trách nhiệm của mình hơn, họ sẽ làm quyết liệt hơn và rõ ràng người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Trình, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng người dân được thuận lợi là các thủ tục hành chính sẽ nhanh, gọn và sẽ tiếp cận được ngay các thủ tục này thông qua chính quyền tinh giản. Rất nhiều thủ tục áp dụng công nghệ mới vào để thực hiện quản lý hành chính ở địa phương. Và khi thực hiện không có Hội đồng nhân dân sẽ tinh giảm được đội ngũ cán bộ ở cấp địa phương thì sẽ giảm chi phí rất lớn cho bộ máy, giảm bớt tính cồng kềnh cho bộ máy.

Nói về vấn đề tăng cường quyền giám sát thì trong thời đại hiện nay mỗi người dân chính là một kênh giám sát. Hệ thống internet không ngừng phát triển mạnh, các công cụ thông tin đều giúp người dân có thể giám sát rất nhanh về hoạt động, kể cả tích cực lẫn hạn chế của bộ máy công quyền. Theo đó, người dân có thể phản ảnh thẳng lên cơ quan công quyền những vấn đề mình quan tâm. Vì vậy, việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay cũng là vấn đề cần được chính quyền tăng cường áp dụng. Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh – nêu ý kiến: “Những chủ trương chính sách của nhà nước, kể cả việc thực hiện pháp luật, áp dụng chính sách nhà nước, mối quan hệ giữa công dân, doanh nghiệp khi đến các cơ quan hành chính thì cần được giải quyết nhanh. Đặc biệt trong thời đại số hóa, các cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý trong tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải nói là thuận lợi rất nhiều, đặc biệt là thời gian. Thuận lợi nữa là doanh nghiệp ít tiếp xúc với nhiều tầng nấc. Do đó, vấn đề tiêu cực giảm sẽ đi rất nhiều”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng thì Thành phố phải dùng tất cả công nghệ thông tin mới, mà chúng ta gọi là cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo để chúng ta quản lý Thành phố. Và chúng ta tin rằng TPHCM là thành phố rất đẹp trong vùng châu Á nhưng vẫn luôn gặp phải vấn đề: ùn tắc giao thông, trộm cướp, rác thải, môi trường, ngập lụt...Tất cả những vấn đề đó cần được cải tiến một cách mạnh mẽ qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Phải sử dụng trí tuệ nhân tạo, phải thành lập một data dữ liệu lớn của Thành phố để dùng tất cả những công thức, những phương pháp về công nghệ thông tin để điều hành thành phố và giúp TPHCM trở thành thành phố thông minh. “Tất cả những kế hoạch về an sinh xã hội cần phải được cải thiện trước nhất. Trên cơ sở đó có một kế hoạch phát triển về đô thị. Hiện tại đô thị của Việt Nam cũng như trên thế giới đang đi vào xu hướng mới, tạo ra thành phố thông minh. Đây là một cơ sở để phát triển kinh tế”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Quá trình chuyển đổi hướng đến mô hình Chính quyền đô thị tại TPHCM vẫn đang đặt những viên gạch đầu tiên để tạo nên một nền móng vững chắc. Tuy vậy, Đảng bộ, Chính quyền cùng người dân Thành phố hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về một bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển  đột phá, nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Qua đó, TPHCM tiếp tục đóng vai trò của một trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước và đặc biệt, mang sứ mệnh góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, năng động, hiện đại vẫn đang từng ngày vươn lên.

Bình luận