Chờ...

Công tác giảm nghèo ngày càng thực chất hơn

(VOH) - Các đại biểu đã đặt ra nhiều nội dung liên quan thuộc trách nhiệm trả lời của Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Lê Minh Tấn về lao động, việc làm và chế độ chính sách đối với người có công. 

Sau phần chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Dũng, cuối buổi sáng 12/7, các đại biểu đã đặt ra nhiều nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm trả lời của Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội Lê Minh Tấn về lao động, việc làm và chế độ chính sách đối với người có công. 

Toàn cảnh buổi chất vấn sáng ngày 12/7.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo cho hay, qua báo cáo giám sát kết quả trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa rồi, cử tri cho rằng, việc giải quyết chính sách cho người có công còn chậm và tồn động, điều này có nguyên nhân từ đâu?: "TP đang tăng tốc để giảm nghèo đa chiều với mục đích cuối năm nay sẽ có 11 quận không còn hộ nghèo. Toàn TP sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,3% và sẽ kết thúc chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sớm trước 2 năm. Vậy, liệu tỷ lệ này có khả thi và giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này".

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, TPHCM không có trường hợp nào chậm giải quyết hay tồn đọng: "Để tập trung rà soát, giải quyết những hồ sợ tồn đọng cho đối tượng chính sách có công, đến nay, TPHCM đang quản lý 271.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng với kinh phí 64 tỷ/ tháng. Riêng hồ sơ tồn đọng chỉ có 6 trường hợp của hồ sơ liệt. Ngoài ra, không còn một hồ sơ liệt sĩ nào khác tồn đọng hồ sơ. TPHCM cũng có 27.000 liệt sĩ được công nhận".

Cũng ở nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, Thành phố hiện vẫn còn trên 21.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,1% trong tổng số hộ dân. Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là cho khu vực lao động nông thôn, người nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp… Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ thường muốn đi làm ngay chứ không muốn mất thời gian đi học nghề. Vậy sở Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp gì để khuyến khích các đối tượng này ý thức và chú trọng hơn việc học nghề để có công việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững. Đại biểu Nguyễn Hồng Hà, chất vấn: "Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động, và hỗ trợ trẻ em trong độ tuổi đến trường có điều kiện học tập tốt, thường xuyên được theo dõi, tư vấn, hướng nghiệp để việc học tập đạt hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững là giải pháp căn cơ. Vậy sở đánh giá hoạt động này như thế nào, mô hình nào tích cực cần nhân rộng trong thời gian tới?".

Trả lời vấn đề này, ông Lê Minh Tấn cho hay, muốn thoát nghèo hoặc giảm nghèo bền vững cần phải có việc làm, phải có tay nghề. 26 năm qua, TPHCM đã thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và đến nay đã đổi tên thành Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 giai đoạn giảm nghèo và 8 lần điều chỉnh mức nghèo, mức quy định hộ nghèo và cận nghèo mỗi giai đoạn một nâng cao. Tuy nhiên, dù giai đoạn nào thì mức quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo của TPHCM đều cao gấp 2 lần so với cả nước. Dù vậy, qua những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền TP, số hộ nghèo ,cận nghèo đều giảm. Hiện trên địa bàn TP 58.000 hộ nghèo và cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%, hộ cận nghèo còn dưới 1,5% theo đúng Nghị quyết 10 của Thành ủy đề ra. Khó khăn trong đào tạo nghề cho người lao động ở hộ nghèo, cận nghèo vẫn là điều băn khoăn: "Để định hướng, giáo dục nghề nghiệp nói chung cho lao động thành phố trong đó có đối tượng lao động hộ nghèo, hộ cần nghèo để học nghề, riêng TPHCM có quyết định 1956 của Thủ tướng để hỗ trợ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động của hộ nghèo, hộ cần nghèo. Trong những năm qua, chúng ta thực hiện tốt điều này. Số người lao động nghèo, cận nghèo học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm 30%, và nghề phi nông nghiệp 70%. Điều này cũng đúng với định hướng trong tương dịch chuyển cơ cấu lao động của TPHCM".

Phát biểu kết luận nhóm vấn đề chất vấn này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, đánh giá: "Dù là có một số câu hỏi của đại biểu đồng chí Giám đốc Sở có đề cập nhưng chưa rõ, chưa có nêu được những giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu của đại biểu nêu. Có câu hỏi được trả lời sâu nhưng có câu trả lời chưa chạm đến được điều mà đại biểu và xã hội quan tâm. Đồng chí Giám đốc Sở đã cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi của đại biểu, qua đó cũng cho thấy công tác giảm nghèo, bền vững của TP có sự tập trung của các cấp các ngành và ngày càng thực chất hơn".

Bình luận