Qua 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,
đã tạo được những kết quả đáng phấn khởi, đã phát huy được mạnh mẽ lòng yêu
nước, tâm lý sính dùng hàng ngoại ngày càng giảm dần và việc dùng hàng nội từng
bước trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người dân thành phố. Các
doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam rất phấn khởi trước chủ trương đúng đắn, kịp
thời của Đảng, dù đứng trước tình hình kinh tế khó khăn chung của thế giới cũng
như ở trong nước, nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động trong sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ, từng bước đáp ứng như cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản
phẩm, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường ở thành phố cũng
ngày càng được tăng cường, việc chống hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu nhất là
từ biên giới đã tăng cường để góp phần bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Vì thế
sau 3 năm triển khai, hàng Việt Nam ngày càng được tin dùng hơn, tỉ lệ hàng Việt
Nam được bày bán trong các siêu thị đạt trên 80%, doanh số bán không ngừng được
nâng cao.
Mở đầu chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố, thính giả Đặng Phương
Dung nêu kiến nghị và được ông Trần Tấn Ngời - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, TPHCM - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt
Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.HCM trả lời: "Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên
truyền, vận động người tiêu dùng mua hàng Việt thì Ban chỉ đạo có kiến nghị gì
để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, mở rộng thị trường hàng
Việt Nam".
"Công tác truyên truyền, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, Ban chỉ
đạo thành phố xem là một nội dung trọng tâm, là 1 trong 5 nội dung quan trọng
trong chương trình hành động của UBND TPHCM triển khai cuộc vận động này. Chúng
ta biết rằng hàng ngoại có lợi thế về chất lượng, về mẫu mã, về độ bền, giá cả ở
mức cao hơn, trái lại hàng nội tuy sản xuất tiêu thụ tại chỗ nên có điều kiện
giá thành hạ hơn, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc cải tiến,
nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để cho người tiêu dùng lựa chọn hàng
nội thì công tác tuyên truyền, vận động phải là một nội dung trọng tâm, thường
xuyên. Đặc biệt là công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng, trong đó có Đài TNND TP, qua các chuyên mục, chuyên đề đã hướng người
tiêu dùng lựa chọn hàng Việt khi mua sắm".
Việc duy trì chương trình bình ổn giá cả thị trường trong hơn 10 năm qua, chương trình khuyến mãi định kỳ tháng 9 hàng năm và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư của TP đã làm cầu nối gắn kết doanh nghiệp Việt với người tiêu dùng xích lại gần nhau. Tuy vậy, tâm lý chung của người tiêu dùng là muốn sản phẩm Việt phải có chất lượng tốt hơn, giá cả thuận lợi hơn như thính giả Hải bày tỏ: "Chương trình bình ổn giá của mình trong thời gian vừa rồi thì có xăng lên, điện nước lên thì chương trình bình ổn giá có được bình ổn theo nghĩa của nó, hay là cũng từ từ bò lên gây khó khăn cho đời sống của bà con".
Với vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Coop khẳng định, cơ chế bình ổn giá của thành phố hồ chí minh luôn thấp hơn thị trường cùng thời điểm 10%: "Không có nghĩa là giá bình ổn sẽ cố định trong một thời gian dài, không có yếu tố xem xét cho doanh nghiệp, tại vì các mặt hàng này bị ảnh hưởng bởi thời tiết và hàng nhập khẩu, thì thành phố luôn có sự điều chỉnh giá nếu thấy thích hợp, sở dĩ hàng bình ổn từ đầu năm đến giờ không tăng mà còn giảm vì có những lúc nguyên liệu giảm, còn giá xăng, giá điện chỉ là một phần chi phí nhỏ trong quá trình sản xuất".
Để thêm lòng tin đối với hàng Việt, người dân quan tâm nhiều đến vấn đề ổn định giá cả và chất lượng hàng Việt. Sự quan tâm của thính giả đối với Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” tháng 7/2012 còn ở việc xử phạt một số doanh nghiệp kinh doanh tại siêu thị bán hàng đã hết hạn sử dụng, dùng nhãn mới chồng lên nhãn cũ để kéo dài thời gian. Thính giả Đào Thị Khánh nêu câu hỏi: "Tôi theo dõi báo đài, thấy việc vi phạm mức phạt đối với siêu thị chỉ từ 10-15 triệu đồng, tôi thấy mức như thế nhẹ, không đủ để răn đe doanh nghiệp, chúng tôi những người tiêu dùng sử dụng các món đó như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, theo tôi thì sở công thương nên cần có những biện pháp xử lý thích đáng hơn, tôi mong mình không đi kiểm tra theo kiểu tức thời, mà nên đi kiểm tra thường xuyên".
Vần đề này, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM giải đáp: "Sở công thương chỉ đạo cho các đơn vị như quản lý thị trường, cũng như các đơn vị ở quận huyện tổ chức thường xuyên, còn mức phạt mình xử phạt thì phải theo khung của Chính phủ, chứ không thể đưa ra mức phạt theo chủ quan của mình, và sẽ có những kiến nghị phù hợp đối với những trường hợp nghiệm trọng, thì phải có xử phạt thính đáng, chứ không thể chấp nhận việc bán những sản phẩm hết đát làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Còn về hoạt động sắp tới, chắc chắn Sở cũng sẽ phối hợp thường xuyên với các đơn vị cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra kiểm soát, đảm bảo các sản phẩm hàng hóa hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm".
Qua 60 phút phát thanh trực tiếp, Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” với chủ đề “Để hàng Việt đến gần với người dân” chưa thể giải đáp hết những thắc mắc và kiến nghị của bà con cử tri nhưng chính những sự quan tâm của thính giả cho thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, nhận thức sâu sắc hơn đối với sự phát triển kinh tế đất nước./.