Chờ...

Hai dự án metro tại TPHCM lại chậm tiến độ, xin lùi thời điểm hoàn thành

(VOH) - Trong số các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai trên cả nước, TPHCM có 2 tuyến thì cả hai đều chậm tiến độ, phải xin lùi thời điểm hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Riêng tại TPHCM, báo cáo cho biết, UBND TPHCM hiện chủ quản đầu tư 2 dự án với tổng ngân sách đã đầu tư cho các dự án tại thành phố khoảng 29.408 tỉ đồng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007; phê duyệt điều chỉnh năm 2008, 2011, 2019, 2021 với tổng mức đầu tư 43.757,15 tỉ đồng.

Lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 92,19%, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt khoảng 93%.

metro số 1
Công nhân thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) (Ảnh tư liệu: Q.Lan)

Cập nhật tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1, chủ đầu tư đang phối hợp cơ quan liên quan để hoàn tất giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình hạ tầng, nhà dân còn lại dọc 9 cầu bộ hành của đoạn thi công trên cao.

UBND TPHCM đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, hoàn thành thi công cuối quý 4/2023 và kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được UBND TPHCM phê duyệt năm 2010; phê duyệt điều chỉnh năm 2013, 2019 với tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng.

Căn cứ tiến độ thực tế của dự án đã được các nhà tài trợ thống nhất, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030.

Lý giải nguyên nhân các dự án đường sắt đô thị bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận các dự án này có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, khó khăn, vướng mắc liên quan khâu giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Mặt khác dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm. Ngoài ra, việc nghiệm thu, thử nghiệm là theo các tiêu chuẩn nước ngoài, trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam.

Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm 2020 - 2021, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại TPHCM năm 2021 đã gây nhiều khó khăn đến việc triển khai dự án theo tiến độ đề ra.

Bình luận