Chờ...

Hơn 13 ngàn công nhân PouYuen Việt Nam đi làm lại

(VOH) - Sáng 7/10, Quận ủy quận Bình Tân tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 8, nhiệm kỳ XII (2020 – 2025).

Dip này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận phát động kinh phí ủng hộ chăm lo trẻ em mồ côi có, cha, mẹ, người nuôi dưỡng hoặc có cả cha lẫn mẹ mất vì Covid-19. Các đại biểu cũng đã dành một phút mặc niệm các nhân viên y tế, lực lượng phòng chống dịch và đồng bào đã mất vì đại dịch.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Quận Nguyễn Minh Nhựt cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của Quận. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị các mặt công tác của Quận đã đạt những kết quả tích cực. Kinh tế quận tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất đạt 61.116 tỷ đồng, tăng 8,35% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 12.326 tỷ đồng, đạt 53,6% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước được gần 2.188 tỷ đồng, đạt 68,9% chỉ tiêu pháp lệnh năm và bằng 86,3% so với cùng kỳ, chi ngân sách địa phương khoảng 1,4 tỷ đồng.

Về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, quận Bình Tân có gần 700.000 dân, trong đợt bùng phát dịch lần này đã làm hơn 66.800 người nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của 834 người, dịch bệnh đã làm cho hàng trăm trẻ em trong phút chốc mồ côi cha, mẹ; nhiều người già trở thành neo đơn; hàng trăm người mất việc không có thu nhập,…và cùng nhiều hệ lụy khác.

Về hỗ trợ cho người lao động khó khăn, quận đã hoàn thành hỗ trợ 2 đợt cho trên 246.000 đối tượng với hơn 370 tỷ đồng. Hiện quận đang tiến hành hỗ trợ đợt 3 với khoảng 700.000 người với tổng số tiền là 700 tỷ đồng.

Bí Thư Quận ủy Bình Tân Lê Văn Thinh phát biểu tại hội nghị
Bí Thư Quận ủy Bình Tân Lê Văn Thinh phát biểu tại hội nghị. 

Tại hội nghị, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, thời gian tới vẫn tập trung cho công tác phòng chống dịch, do các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn, vì vậy phải tăng cường xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm những nơi có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện cách ly. Bên cạnh đó là giải pháp về vaccine, hiện có 67% người dân đã tiêm mũi 2, theo đó quận đang triển khai đồng bộ vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất.   

“Mở những ngành nghề sản xuất, dịch vụ thương mại trên địa bàn phải đảm bảo an toàn, có kiểm soát. Giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong công tác phòng chống dịch. Địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, kiểm tra an toàn phòng chống dịch đối với các cơ sở, đơn vị tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới để ngăn ngừa và kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, tránh nguy cơ tái bùng phát trên địa bàn”, ông Lê Văn Thinh cho biết.  

Trao đổi với hội nghị về những khó khăn của doanh nghiệp trong bước đầu khôi phục lại sản xuất, bà Trịnh Thị Ánh Hồng, Bí Thư Đảng ủy Công Ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam cho biết, đến ngày 6/10 công nhân đi làm lại là khoảng 13.600 công nhân chiếm 30%, từ tuần sau, nếu ổn định thì mỗi tuần sẽ tăng thêm 10%. Tuy nhiên, do công ty làm việc theo dây chuyền, việc chỉ cố định một số công nhân đi làm trở lại sẽ rất khó cho việc sản xuất của công ty.

“Để thực hiện được sản phẩm theo đơn hàng, ít nhất là phải đủ số lượng công nhân thì sẽ thuận lợi hơn. Hiện tại thực hiện khôi phục bước đầu, do đó tuần đầu này công nhân đi làm trở lại chỉ khoảng 30% cũng khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện dây chuyền sản xuất. Vì vậy, cũng mong muốn tình hình dịch bệnh tạm ổn để số lượng công nhân được đi làm lại nhiều hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc khôi phục lại sản xuất của công ty được tốt hơn”, bà Hông thông tin.

Phát biểu chỉ đạo, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM nhấn mạnh, Quận phải có giải pháp phòng chống dịch phù hợp trong tình hình mới, nhất là khi các lực lượng chi viện rút quân, thì cần phải tăng cường đội ngũ y bác sỹ y tế tư nhân để tham gia điều trị cho người dân, giúp các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn tại nơi sản xuất. Bên cạnh đó, quận phải giám sát và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại, trong đó doanh nghiệp vẫn phải là người bảo vệ chính cho người lao động của mình. 

Bà Phan Thị Thắng đề nghị: “Về công tác phòng chống dịch bệnh không chủ quan, lơ là, tùy theo tình hình kiểm soát dịch mà thực hiện thận trọng các nội dung mở cửa lại nền kinh tế. Triển khai từng bước chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm an toàn là trên hết, an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn. Từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa một số ngành, lĩnh vực theo lộ trình phù hợp với thực tiễn cùa quận. Tạo điều kiện cho các DN hoạt động trở lại, sớm ổn định sản xuất theo phương châm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả quyết tâm đưa quận trở lại trạng thái bình thường mới”.

Bình luận