Chờ...

Hơn 400 đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú

(VOH) - Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức HN gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng TPHCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình”.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố cho biết, hiện nay, ước tính có hơn 2 triệu kiều bào, chiếm khoảng 40% đồng bào ta ở nước ngoài có xuất thân hoặc có liên hệ với TP Hồ Chí Minh. Dù với nguồn gốc, xuất thân khác nhau, lý do ra nước ngoài khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, tuy nhiên, nhưng với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đã tác động tích cực thu hút đông đảo bà con kiều bào hướng về quê hương, cội nguồn, tích cực giúp đỡ thân nhân, gia đình trong nước.

Tuy nhiên, qua công tác tiếp đón và giải quyết thắc mắc của kiều bào, thân nhân kiều bào, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, phần đông đồng bào quan tâm một số vấn đề như: Thủ tục hồi hương - thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài; Thủ tục xin cấp giấy xác nhận người gốc Việt. Một số kiều bào rời quê hương từ rất lâu quan tâm đến quốc tịch, về quyền lợi và nghĩa vụ (nếu có) khi vận chuyển hàng hóa, tài sản từ nước ngoài về Việt Nam khi hồi hương, ...

Kiều bào mong muốn trở về quê hương, đóng góp xây dựng TPHCM 1
Thượng tá Võ Chiến Thắng thông tin một số vấn đề về hộ tịch với kiều bào

Đối với vấn đề hộ tịch, Thượng tá Võ Chiến Thắng, đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an Thành phố thông tin: “Thường trú thì phải đảm bảo điều kiện cư trú theo điều Luật thứ 20, thứ nhất là công dân có quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp của mình thì đăng ký chỗ ở hợp pháp đó. Hiện nay, theo quy định mới, kiều bào đã được mua nhà cửa ở Việt Nam, do đó, nếu chúng ta mua nhà đứng tên luôn thì nhập hộ khẩu rất nhanh, gọn. Trường hợp thứ hai là công dân được đăng ký chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình với điều kiện chủ hộ đồng ý cho mình ở”.

Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch Quốc tịch, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: “Để chúng ta có nhận thức một cách thống nhất về nguyên tắc một quốc tịch của Việt Nam, để chúng ta hiểu rằng, một người công dân quan hệ với Việt Nam thì chỉ với một quốc tịch Việt Nam mà thôi. Không có tình trạng khi đòi hỏi quyền lợi thì nói tôi là công dân Việt Nam, nhưng khi chịu trách nhiệm vấn đề về pháp lý nào đó thì nói tôi là người nước ngoài. Chính phủ đã ban hành nghị định 16/2020 chấm dứt ngộ nhận về hai quốc tịch. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền có quốc tịch nước ngoài, nhưng quan hệ với chính phủ Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam”.

Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 ngàn tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu…

Bà Phan Thị Hường, doanh nhân kiều bào Thái Lan. Doanh nghiệp của bà cũng đang có công nghệ tàu cao tốc - là một công nghệ dùng năng lượng sạch, đảm bảo môi trường và tính kinh tế. “Tôi rất mong muốn chính quyền TPHCM tạo cơ hội cho chúng tôi trình bày về hiệu quả, tính tích cực trong công nghệ mới mà chúng tôi chuẩn bị triển khai về tàu cao tốc. Tàu cao tốc này vận chuyển hàng, hành khách với công nghệ tích lũy năng lượng sạch xanh tự nhiên, không cần sử dụng năng lượng dầu, điện để bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên hiện nay”, bà Hường cho biết.

Kiều bào mong muốn trở về quê hương, đóng góp xây dựng TPHCM 2
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh trao bằng khen của UBND Thành phố cho các kiều bào có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Trước đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ; có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng khi ký kết hợp đồng lao động với các cơ quan nghiên cứu khoa học; hướng dẫn quy trình, thủ tục tuyển chọn, bố trí, bổ nhiệm chức danh, sử dụng…, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc. Từ năm 2018 đến tháng 8/2022, có hơn 400 đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú, xin được hồi hương, trong đó đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.

Bình luận