Chờ...

Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo cùng Thành phố, vì Thành phố

(VOH) - Hoạt động khoa học và công nghệ là một thế mạnh của Thành phố với tiềm lực lớn cả về đội ngũ và trình độ.

45 năm Dấu ấn khoa học công nghệ Thành phố 

Kỳ cuối: Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo cùng Thành phố, vì Thành phố

Ngay từ những ngày đầu thành lập, với tên gọi ban đầu là Ban Khoa học và Kỹ thuật cho đến tận ngày nay là Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, hoạt động khoa học và công nghệ Thành phố đã có những đóng góp tích cực trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động khoa học và công nghệ là một thế mạnh của Thành phố với tiềm lực lớn cả về đội ngũ và trình độ. Thế mạnh ấy phải trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Trải qua chặng đường lịch sử 45 năm, lĩnh vực khoa học công nghệ đã có những dấu ấn nổi bật theo cùng sự phát triển của Thành phố.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố có những chia sẻ về hành trình 45 năm qua, nội dung này cũng sẽ kết thúc Loạt ba bài 45 năm Dấu ấn Khoa học công nghệ Thành phố, mời quý vị cùng theo dõi:

Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo cùng Thành phố, vì Thành phố 1

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

*VOH: Thưa ông, trong những năm vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, lấy hoạt động khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển trong 45 năm qua, lĩnh vực khoa học – công nghệ Thành phố có những điểm nhấn nổi bật nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt các nhiệm kỳ luôn luôn có sự quan tâm, hỗ trợ và thúc đẩy cho khoa học công nghệ Thành phố phát triển. Chặng đường phát triển khá dài, trong đó khoa học công nghệ có nhiều đóng góp. Có thể nói, trong những năm thời kỳ đầu, thời kỳ bao cấp, đã có nhiều nhà khoa học từ nhiều vùng miền đất nước, các trí thức từ miền Bắc vào…..đã hợp tác chặt chẽ và có nhiều đóng góp cho câu chuyện phát triển các ngành nghề trong thời kỳ khó khăn đó. Họ đã ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển. Đặc biệt, điểm nhấn trong là hoạt động nghiên cứu để xây dựng nhà máy lọc dầu cho Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng hình thành những đơn vị khoa học công nghệ tiên tiến, để làm động lực cho sự phát triển. Cụ thể, như Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm của Thành phố, trong đó Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn có nhiều đóng góp để hình thành và phát triển trung tâm. Cho đến hôm nay, đây là một trong những đơn vị khoa học công nghệ công lập có thể tự chủ được, đóng góp nhiều trong lĩnh vực phân tích thí nghiệm, giúp cho các doanh nghiệp kiểm tra hàng hóa, xuất nhập khẩu….đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác lớn trên thế giới.

Về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Thành phố cũng đi đầu và thường xuyên có những sáng tạo. Ví dụ, Thành phố đã hình thành Khu Phần mềm Quang Trung – là một trong những điểm nhấn của Thành phố. Sau đó đã lan tỏa ra được ra các thành phố lớn cũng hình thành, cũng có nhiều đóng góp thúc đẩy cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển. Một mô hình khác nữa là Khu Công nghệ cao, cũng là một mô hình đi đầu, thu hút được các doanh nghiệp lớn trên thế giới đến để đầu tư những sản phẩm công nghệ cao, đặt nền móng để có thể tiếp tục phát triển các hoạt động về nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo cho Thành phố trong tương lai. Hiện nay cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 phát triển, mở rộng thành Công viên khoa học của Thành phố. Trên đây là những điểm lớn.

Ngoài ra, còn có những chính sách khác như chính sách khoán sản phẩm đến sản phẩm cuối cùng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đây cũng là một trong những đề xuất của Thành phố để tháo gỡ cho cơ chế tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu của mình. Gần đây nhất, Thành phố cũng đi đầu trong câu chuyện xây dựng nhiều chính sách để thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Hoạt động này cũng giúp cải thiện được chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong suốt 5 năm qua. Từ đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đứng hạng 59 trên thế giới theo bảng xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, đến nay Việt Nam đã lên tới hạng 42, đứng trong Top 3 của khu vực. Điều đó cũng cho thấy là các hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của Thành phố cũng có nhiều đóng góp lớn trong hoạt động khoa học công nghệ chung của cả nước. Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ thì tốc độ phát triển tăng gấp 6 lần, được các tổ chức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thế giới khảo sát đánh giá là một trong những nước có tốc độ phát triển về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhanh nhất thế giới.

*VOH: Thưa ông, đối với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, điểm nhất quan trọng nhất là việc Thành phố đã có giải thưởng thường niên để tôn vinh và khích lệ cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Giải thưởng I-Star. Ông đánh giá những kết quả mà giải thưởng này mang lại?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Riêng về giải thưởng Istar mà Sở Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban tổ chức, chúng tôi tổ chức được hai lần. Hàng năm, giải thưởng tuyên dương 12 cá nhân, tổ chức có các hoạt động đổi mới sáng tạo nổi bật và đóng góp cho cộng đồng. Có thể nói, đây là hoạt động để tôn vinh các cá nhân và tổ chức trong hoạt động đổi mới sáng tạo của mình và giúp ích được cho về mặt sản xuất kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng. Giải thưởng cũng là niềm vinh dự làm cho họ cảm thấy phấn khởi, thấy rằng chính quyền cũng rất quan tâm. Thứ hai, qua hoạt động đó, các cá nhân tổ chức được hỗ trợ thêm một số chính sách để tiếp tục phát triển hoạt động của mình. Thứ ba, giải thưởng cũng có tác động đến toàn xã hội. Trong mục tiêu chúng tôi mong muốn mọi tầng lớp, kể cả trẻ em cho đến mọi tầng lớp khác luôn luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, luôn muốn cải tiến công việc hàng ngày, hoạt động hàng ngày, làm sao để giúp ích hơn cho cuộc sống. Trước tiên là giúp bản thân mình, doanh nghiệp mình, và giúp ích cho cộng đồng. Chúng tôi mong giải thưởng tôn vinh cá nhân tổ chức là một phần, nhưng cái lớn hơn là toàn xã hội lan tỏa được tinh thần đổi mới sáng tạo. Đấy mới chính là động lực phát triển cho Thành phố, cho đất nước.

*VOH: Thưa ông, nhằm nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Dự án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Thành phố đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt và chuẩn bị xây dựng. Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang tổ chức rất thành công như: Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc, Singapore…..Ông có thể chia sẻ thêm về kỳ vọng sau khi Trung tâm ra đời?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Hiện nay, hoạt động đổi mới sáng tạo, nói chung là xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hầu như các nước đều rất quan tâm. Bởi vì mô hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay đang chuyển dần qua mô hình dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, nền tảng của nó phải là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương đó, thành phố đó, quốc gia đó. Trong hệ sinh thái, tất nhiên vai trò thị trường là quyết định. Tuy nhiên, tại rất nhiều nước đều có bàn tay của nhà nước tham gia vào để hỗ trợ cho cộng đồng đó phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở một số nước – tất nhiên khu vực tư nhân thì họ làm rất nhiều, nhưng bản thân chính quyền nhiều thành phố họ cũng hình thành ra những cơ sở vật chất đó để giúp cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố Hồ Chí Minh sau một số chuyến thăm tại Úc, New Zealand….chính quyền Thành phố quyết định cũng sẽ thể hiện mô hình này. Thật ra thời gian vừa qua, SIHUB của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cũng là một dạng mô hình như thế. Nhưng, đây là bước đi ban đầu nên thử nghiệm xem hiệu quả như thế nào, và sau 4 năm hoạt động SIHUB đã thấy hiệu quả rất tốt, thu hút được hoạt động của các cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố, thậm chí của khu vực. Vì vậy, chúng tôi tham mưu Thành phố nên đầu tư thêm các cơ sở vật chất để hỗ trợ cho cộng đồng. Hội đồng nhân dân Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư Tòa nha đầu tiên ở 123 Trương Định, quận 3 trở thành biểu tượng đầu tiên của một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Nó sẽ giúp sức thêm cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thêm cơ sở vật chất, đồng thời cũng thu hút các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thị trường tham gia vào. Bởi vì, đối với những mô hình này thì nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cơ sở vật chất, chính ra những hoạt động trong đó đều do những tổ chức của thị trường sẽ tổ chức hoạt động. Và, đó chỉ là điểm ban đầu. Chúng tôi đã tham mưu Thành phố dần dần sẽ hình thành mạng lưới các tổ chức như thế. Ở các nước, họ thường tìm kiếm những tòa nhà cũ nhà nước không còn sử dụng, người ta cải tạo để hỗ trợ cho cộng đồng hoạt động, thậm chí là hỗ trợ cho khu vực tư nhân một phần kinh phí để họ cải tạo những tòa nhà để có thể tham gia vào mạng lưới. Bởi vì hệ sinh thái là phải có nhiều điểm, nhiều trung tâm hỗ trợ chứ không phải chỉ có một trung tâm.

*VOH: Xin cám ơn ông.

 

Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Thành phố
(VOH) - Có thể khẳng định rằng, chính sự phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mới là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Doanh nghiệp khoa học công nghệ: tiên phong đổi mới sáng tạo vì cộng đồng
(VOH) - Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 45 năm qua, lĩnh vực khoa học – công nghệ Thành phố đã có những dấu ấn nổi bật, gắn liền với sự phát triển của TP.
Bình luận